Ảnh hiếm chụp Marilyn Monroe năm lên 4 tuổi
(Dân trí) - Không ai có thể ngờ rằng cô bé bẽn lẽn xuất hiện trong những tấm ảnh đen trắng này, khi lớn lên, sẽ trở thành “đại minh tinh” của mọi thời đại.
Tuổi thơ của “biểu tượng sex” Marilyn Monroe không hề êm đềm, cô không có được một mái ấm hạnh phúc, thay vào đó là những ngày tháng ấu thơ nhiều biến động và rắc rối, phải chuyển từ gia đình này đến gia đình khác, bởi Marilyn không có được sự chăm sóc thỏa đáng từ cha mẹ ruột.
Những bức ảnh hiếm dưới đây cho thấy chân dung Marilyn Monroe năm lên 4 tuổi. Những bức ảnh đã bất ngờ xuất hiện trên thị trường đấu giá, cho thấy cô bé Norma Jeane Baker (tên thật của Marilyn Monroe) trong một giai đoạn tuổi thơ hạnh phúc ngắn ngủi, trước khi bước vào những năm tháng đầy biến động đầu đời.
Những bức ảnh đen trắng này được chụp năm 1930, giờ đây, chúng được đem ra rao bán đấu giá tại Los Angeles ở thời điểm 55 năm sau ngày mất của Marilyn Monroe. Những bức ảnh được kỳ vọng đạt mức giá 1.200 USD (27,3 triệu đồng).
Trong ảnh, cô bé Norma Jeane Baker xuất hiện bên một cậu bạn cùng tuổi có tên Lester Bolender. Hai người bạn nhỏ chơi thân với nhau khi cùng sống trong gia đình hảo tâm Bolender. Trong trường hợp của Norma Jeane, người mẹ đơn thân của cô bé lúc bấy giờ không có đủ khả năng kinh tế và sức khỏe tinh thần để một mình nuôi con.
Vì vậy, nhà chức trách đã sắp xếp để một gia đình hảo tâm giúp bà cùng nuôi con gái nhỏ của mình. Mẹ của Norma Jeane - bà Gladys Pearl Baker - khi đó cũng sống chung dưới một mái nhà với con gái và được gia đình Bolender cưu mang.
Những bức ảnh thời thơ bé này đã từng được Marilyn cất giữ cẩn thận. Nhà Bolender chính là gia đình cha mẹ nuôi đầu tiên của Marilyn, cũng là gia đình đối xử với cô tốt nhất. Sau khi Marilyn qua đời, những bức ảnh này thuộc sở hữu của ông Lee Strasberg - người thầy dạy diễn xuất của Marilyn, ông được tiếp quản hợp pháp nhiều tư trang của nữ diễn viên.
Tuổi thơ buồn bã của nữ minh tinh “biểu tượng sex”
Mẹ của Marilyn Monroe - bà Gladys Pearl Baker (1902-1984) - từng có hai người con trong cuộc hôn nhân đầu không hạnh phúc. Bà đệ đơn xin ly hôn và để chồng cũ nuôi hai con. Về sau, bà tái hôn nhưng rồi lại nhanh chóng ly hôn.
Vì bà Gladys vốn không có một sức khỏe tinh thần vững vàng và cũng không có đủ tiềm lực kinh tế để một mình nuôi con, nên bà đã được nhà chức trách sắp xếp để đến sống với gia đình hảo tâm Bolender ở thành phố Hawthorne, bang California, ngay sau khi sinh.
Bà Gladys cùng con gái tới sống với gia đình Bolender, ngày ngày, bà đi tàu đến Los Angeles làm việc, tối lại về với con. Về sau, khi có sự thay đổi về ca làm, bà buộc phải chuyển tới Los Angeles sinh sống khi con gái mới được một tuổi. Cuối tuần, bà mới về thăm con.
Gia đình Bolender luôn bày tỏ ý muốn nhận nuôi chính thức cô bé Norma Jeane để trở thành cha mẹ hợp pháp của cô bé, nhưng đến năm 1933, khi Marilyn 7 tuổi, bà Gladys cảm thấy mình đã ổn định tinh thần và có sự tích lũy tiền bạc nên đã xin nhận lại con để một mình nuôi con.
Nhưng rồi chỉ vài tháng sau, Gladys bị suy sụp tinh thần và được chẩn đoán mắc chứng hoang tưởng, tâm thần phân liệt, phải nhập viện. Kể từ đây, bà Gladys không bao giờ còn hồi phục lại nữa, từ đó về sau, bà sống trong những bệnh viện tâm thần, hiếm khi có liên lạc với con gái.
Từ đây, cô bé Norma Jeane bắt đầu chuyển tới sống với các gia đình bố mẹ nuôi khác nhau và liên tục phải chuyển trường. Trong những năm tháng đi làm con nuôi, đã có những ký ức buồn xảy đến với Norma Jeane.
Cũng có thời điểm Norma Jeane chuyển vào sống trong trại trẻ mồ côi nhưng vì đã quen sống trong các gia đình, cuộc sống trong trại trẻ khiến Norma Jeane cảm thấy bị khủng hoảng.
Ban quản lý trại trẻ lại sắp xếp để Norma Jeane được tới ở với những gia đình có thể nhận nuôi cô bé. Norma Jeane lại tiếp tục những ngày tháng chuyển từ gia đình này tới gia đình khác.
Sau khi trải qua sinh nhật 16 tuổi, Norma Jeane quyết định kết hôn với một thanh niên hàng xóm hơn cô 5 tuổi có tên James Dougherty với hy vọng có thể ổn định cuộc sống. Cô trở thành người phụ nữ nội trợ.
Chia sẻ về cuộc hôn nhân đầu này, Marilyn từng nói: “Cuộc hôn nhân không khiến tôi buồn nhưng cũng chẳng làm tôi vui. Vợ chồng tôi không nói chuyện với nhau. Chẳng phải vì bất đồng mà bởi chúng tôi chẳng có gì để nói. Tôi chết vì buồn chán”. Thế rồi chồng cô gia nhập quân đội và thường xa nhà, Norma Jeane bắt đầu đi làm công nhân trong nhà máy.
Khi làm trong nhà máy, có lần một nhiếp ảnh gia tới chụp hình các nữ công nhân, Norma Jeane là một trong những người được chọn. Sự kiện này có tác động mạnh tới cô. Cảm giác được xuất hiện trước ống kính, được tạo dáng, khiến cô thích thú quá đỗi và xin thôi việc để bắt đầu làm người mẫu ảnh. Cô chuyển ra khỏi nhà chồng và hết mình theo đuổi nghề người mẫu ảnh.
Như “cá gặp nước”, Norma Jeane nỗ lực làm việc và trở thành người mẫu ăn khách. Công ty quản lý Norma Jeane quá ấn tượng với thành công của người mẫu trẻ 20 tuổi, liền sắp xếp để cô có được một hợp đồng với hãng phim. Kể từ đây, cô lựa chọn nghệ danh “Marilyn Monroe”.
Marilyn lấy từ tên của nữ diễn viên ngôi sao trong lĩnh vực kịch nghệ - Marilyn Miller và Monroe là tên họ thời con gái của người mẹ ruột. Đến lúc này, Marilyn quyết định ly hôn người chồng đầu kết hôn không tình yêu, để dấn bước vào showbiz.
Chia sẻ về mối duyên với điện ảnh, Marilyn từng liên hệ tới cuộc sống buồn bã trong những năm tháng ấu thơ: “Khi tôi lên 5, tôi đã nghĩ mình muốn trở thành diễn viên. Tôi không thích thế giới xung quanh mình bởi vì nó quá khắc nghiệt, nhưng tôi thích được hóa thành người này, người kia, khi tôi được biết rằng đó gọi là diễn xuất, tôi đã nói rằng tôi muốn thành diễn viên.
“Một số gia đình nhận nuôi tôi thường cho tôi tiền tới rạp chiếu phim cốt chỉ để tôi không làm phiền họ ở nhà và tôi sẵn sàng ngồi ở rạp cả ngày, ở đó, trước màn hình lớn, một cô bé ngồi cô đơn một mình, tôi đã thích điện ảnh theo cách như thế”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Marilyn Monroe
Bích Ngọc
Theo Julien’s Auction/Mashable