Ấn tượng vở nhạc kịch của thiên tài người Pháp viết tại Côn Đảo
(Dân trí) - Đêm đầu tiên biểu diễn vở nhạc kịch “Hoàng hậu Frédégonde” - tác phẩm viết ở Côn Đảo của nhà soạn nhạc thiên tài Camile Saint-Saens (Pháp) gây ấn tượng đặc biệt với khán giả TPHCM.
“Mỗi lần dựng tác phẩm mới là một thử thách. Mỗi lần có hợp tác mới là một cuộc phiêu lưu. Chúng tôi biết cái đích khó khăn là mang được âm nhạc đẹp của thiên tài người Pháp đến với công chúng Việt. Vở nhạc kịch này được Camile Saint-Saens viết tại Côn Đảo.
Sau 122 năm “say ngủ”, hoàng hậu Frédégonde đã được “đánh thức”. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách đưa vở nhạc kịch ra trình diễn tại Vũng Tàu và Côn Đảo. Hy vọng có cách đưa các nghệ sĩ Việt Nam sang trình diễn tác phẩm này trên đất Pháp” - Nhạc trưởng Trần Vương Thạch dự kiến. Nhạc kịch “Hoàng hậu Frédégonde” còn trình diễn tối nay 21/10 tại Nhà hát TPHCM.
Vở nhạc kịch bị “quên lãng” 122 năm
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch hồi ức: “Tôi đã bắt đầu luận chứng khoa học chứng minh việc nhạc sĩ thiên tài Camile Saint-Saens (Pháp) viết tác phẩm này ở Côn Đảo từ rất lâu rồi. Tôi tìm được dữ liệu ở Cục Lưu trữ 2, trong danh sách về toàn bộ các hành khách cập cảng Sài Gòn giai đoạn năm 1895 có tên nhà soạn nhạc Camile Saint-Saens. Sau khi đến Sài Gòn, ông có tên trong danh sách hành khách đi Côn Đảo, và sau thời gian ở Côn Đảo, ông lên tàu sang Macao”.
Theo nhà nghiên cứu Tim Doling (Pháp) cho biết từ ngày 20-3-1895 đến 19-4-1895, trong thời gian ở Côn Đảo, thiên tài Camile Saint-Saens đã hoàn thiện vở opera “Brunhilde” còn dang dở của đồng nghiệp quá cố, nhạc sĩ Ernest Guiraud (đã qua đời năm 1892). Sau khi hoàn thành, Saint-Saens đổi tên vở nhạc kịch thành “Hoàng hậu Frédégonde”, đứng tên chung của hai nhạc sĩ. Vở nhạc kịch được trình diễn tại Paris cùng năm 1985.
Bản viết tay tác phẩm “Hoàng hậu Frédégonde” được nhạc trưởng Trần Vương Thạch tìm thấy ở Nhạc viện quốc gia Pháp tại Paris; toàn bộ tổng phổ của “Hoàng hậu Frédégonde” tiếp tục được khám phá tại Nhà hát Opera National de Paris.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết, ban đầu phía Pháp cũng không đồng ý cho đem bản sao của tác phẩm ra khỏi phòng lưu trữ bởi vì hai nhạc sĩ sáng tác thì đã mất trên 50 năm nhưng nhạc sĩ phối khí cho tác phẩm thì mất chưa tới 50 năm.
Nhạc sĩ phối khí là người làm gia tăng giá trị của tác phẩm khi biểu diễn và không được ghi tên lên tác phẩm, nên nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã phải thuyết phục phía Pháp và cuối cùng đã nhận được bản sao để gửi tặng tới chính quyền và nhân dân Côn Đảo. Bản tổng phổ này cũng được sử dụng để các nghệ sĩ tập luyện cho các buổi biểu diễn năm 2017.
Hòa Bình
Ảnh: Trần Hoàng Sơn