Ấn tượng nhân đọc “Thời cuộc và Văn hoá” của Hồ Quang Lợi
(Dân trí) - Đây là lần thứ ba tôi viết về tác phẩm của nhà báo Hồ Quang Lợi: Từ Thế sự và mắt nhìn (2015), Nước Nga - Hành trình tới tương lai (2017) đến Thời cuộc và văn hóa (2019). Ấn tượng về nhà báo Hồ Quang Lợi trong tôi là ấn tượng về một cây bút viết bằng trải nghiệm văn hóa.
Đạt tới phẩm tính ấy là điều không hề dễ dàng với người cầm bút làm báo/ viết văn hiện nay. Tôi vừa viết xong (đã công bố) một tiểu luận văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học - bài học từ Nguyễn Minh Châu.
Trên đà cảm hứng này tôi viết về tác phẩm mới của nhà báo Hồ Quang Lợi Thời cuộc và văn hóa, như là cách tốt nhất chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình với quý vị độc giả quan tâm tới báo chí nước nhà hiện nay. Tôi không nhằm mô tả tác phẩm, chỉ muốn đúc kết qua bốn chủ đề/ nội dung lớn toát lên từ nội dung hơn 500 trang sách giàu trí tuệ, tràn đầy tinh thần nhân văn và thấm nhuần căn cốt văn hóa.
“Những cơn đau lịch sử” - nhìn từ tiến hóa và văn hóa
Nhiều người trong báo giới công nhận Hồ Quang Lợi là một ngòi bút chính luận sắc bén trong làng Báo Việt Nam hiện nay. Tất nhiên. Tôi làm nghề dạy học (môn Văn ở đại học) hơn 40 năm nay, quen với đèn sách, phấn trắng, bảng đen, học trò, giáo trình, sách vở. Tuy vậy cũng đam mê văn chương nên có tham gia viết lý luận phê bình văn học, sinh hoạt tại Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi cũng tham gia viết báo (là cộng tác viên của mươi tờ báo lớn ở trung ương), nên cũng biết sơ sơ về nghề báo từ nghề văn.
Nhưng đọc Hồ Quang Lợi thì tôi ngộ ra được nhiều chuyện từ vi mô đến vĩ mô của làng báo, nghề báo. Nhưng quả thật đọc báo mà biết rõ hơn lịch sử, thời cuộc thì không phải nhà báo nào cũng làm ta thỏa mãn. Đọc Phần 1 của Thời cuộc và văn hóa với tiêu đề Trong lốc xoáy thế sự, riêng tôi thu hoạch đươc 10 vấn đề có tính chất tổng kết lịch sử và thời cuộc qua cái nhìn tiến hóa và văn hóa.
Tôi nghĩ, đó là sự “khôn khéo”, nói đúng hơn là cái phương pháp, cái tầm của nhà báo Hồ Quang Lợi. Anh dẫn dắt người đọc nhập cuộc, không đơn giản là chỉ bằng con số, sự kiên, tiến trình của một giai đoạn lịch sử đặc biệt - những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI (giai đoạn mà nhà báo có điều kiện/ có thể chứng kiến với tư cách chứng nhân, đồng thời được trải nghiệm trực tiếp).
Kể theo thứ tự 10 nội dung/ chủ đề lớn (trải ra trong 126 trang sách) mà nhà báo Hồ Quang Lợi cung cấp như riêng tôi thu nhận được: Nỗi đau của những cuộc “cách mạng nhung”/ Chiến tranh và hòa bình là bài học đắt giá nhất của nhân loại/ Cuộc xung đột các giá trị/Tình trạng vô trật tự quốc tế/Một thế kỷ đầy chiến tranh và bạo lực/Khi các siêu cường bị trúng thương/Cách nào để hóa giải các nguy cơ/ Một thế giới dễ bị tổn thương/Trận đại hồng thủy và tinh thần Nhật Bản/ Câu hỏi lớn về thế giới đương đại.
Cách viết của Hồ Quang Lợi trong Phần thứ nhất không phải là cách viết biên niên của người chép sử. Đó là cách viết của người có khả năng thâu tóm lịch sử, bình luận lịch sử và đúc kết lịch sử.
Nhưng cuối cùng, phải nhấn mạnh lại một lần nữa, đó là cách viết về thời cuộc từ cái nhìn tiến hóa và văn hóa. Cái này nâng đỡ, soi sáng cái kia. Một người làm văn như tôi mà lĩnh hội được như thế, thiết nghĩ, người đọc ở các góc độ và cấp độ khác nhau cũng đủ cơ hội tri nhận, thẩm thấu nội dung mà tác giả muốn truyền tải.
Lõi vàng văn hóa Việt Nam
Nhìn về đâu, viết về cái gì rốt cuộc cũng phải quay về dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình, đồng chí mình, đồng bào mình, đồng nghiệp mình, hướng tới độc giả mình (hơn 94 triệu người trong nước và gần 5 triệu người Việt định cư ở nước ngoài). Nhìn cấu trúc một cuốn sách biết cái tầm, cái tâm của tác giả (trong 5 phần thì dành đến 4 phần nói chuyện nội bộ, chuyện của ta trên nền tảng văn hóa dân tộc).
Câu chuyện văn hóa là câu chuyện đầu tiên, cuối cùng, cao nhất, sâu sắc nhất. Tác giả cứ “bấu chặt” lấy văn hóa mà bàn thảo mọi chuyện. Trong chủ đề/trục chính “Lõi vàng văn hóa Việt Nam”, dù được viết ở phần nào của nội dung sách thì với tôi vẫn cảm nhận được đấy đủ ý tứ của tác giả qua những căn cốt sau: Văn hóa giữ nước/Thế và lực Việt Nam ngày nay/Sinh quyển văn hóa như là môi sinh cho giáo dục, văn hóa nghệ thuật/ Sự hoàn thiện nhân cách. Lối viết của Hồ Quang Lợi tạo hấp lực cho tác phẩm không hẳn nhờ vào trí tuệ mẫn tiệp, cũng không hẳn nhờ vào vị thế, mà tựa vào cái tình đã chan hòa với cái lý (hợp tình hợp lý). Anh không phải là người phát kiến.
Tất nhiên. Nhưng anh biết cách thuyết phục độc giả khi viết: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa giữ nước, dùng chữ hơi quân sự một tý là “văn hóa đánh giặc”, văn hóa bảo vệ Tổ quốc. Đó là nguồn lực nội sinh từ nền tảng văn hóa dân tộc. Đã nói về văn hóa thì phải nói đến cội nguồn, điều ở thẳm sâu nhất trong cốt cách, tinh thần, tâm hồn của dân tộc” (tr.191).
Nhiều nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đã viết ca ngợi Hà Nội - Thành phố Xanh, Thành hố Hòa bình, Thành phố đáng sống... Nhưng Hồ Quang Lợi có cách viết, theo tôi, giản dị và thuyết phục: “Một thành phố, dù tráng lệ đến mấy, nhưng phải là một thành phố có tâm hồn thì mới là nơi đáng sống. Mà tâm hồn thành phố phải do con người xây đắp nên. Con người cần một nơi để sống, nếu nơi ấy có tâm hồn thì dù cho ta phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, cuộc sống gấp gáp, dồn ép như thế nào cũng vẫn có những điểm tựa tinh thần hiện hữu ở nơi mà vật chất, bụi bặm xô bồ của đời thường không thể lấn át được. Đó là nơi con người vẫn còn biết mộng mơ, vẫn còn biết sống lãng mạn, vẫn đầy khát vọng” (tr.377).
Tột cùng văn hóa là con người
Trong Phần 3 “Phẩm cách những con người” tác giả Hồ Quang Lợi đã viết về những người cùng thời, những con người danh tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Có tất cả 10 chân dung những người nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Nhưng trong cảm quan của tôi, có hai chân dung gây ấn tượng mạnh mẽ nhất: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Kim Ngọc (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú). Có thể ai đó phàn nàn rằng tác giả kỳ công viết 10 chân dung mà khi trích xuất và bình luận thì tôi/ Bùi Việt Thắng chỉ dừng lại, nói về hai con người viết hoa, là cớ làm sao (?!). Thì cổ nhân vẫn nói “văn mình vợ người” đấy thôi.
Xin được nói trước về đồng chí Kim Ngọc (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú). Đồng chí Kim Ngọc là người Cộng sản chân chính yêu nước, thương dân. Đồng chí thấm thía nguyên lý có độc lập tự do mà nhân dân đói khổ thì độc lập tự do ấy không có ý nghĩa đích đáng.
Đồng chí là người dũng cảm, dám đề xướng và tổ chức “khoán hộ” trên phạm vi một tỉnh trung du. Vào thời điểm đó mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đang chiếm ưu thế tuyệt đối ở nông thôn, vào thời điểm mà cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang “tất cả cho tiền tuyến” thì việc “khoán chui” thực sự là chuyện động trời. Vấn đề “hai con đường” (CNXH và CNTB) đang nóng hôi hổi trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Sau này khi chủ trương/ nghị quyết “Khoán 10” chính thức trở thành đòn bẩy kinh tế thì mọi người mới vỡ lẽ những người như đồng chí Kim Ngọc không nhiều, nếu không nói là độc nhất vô nhị. Phải mất chừng vài chục năm “khoán hộ” mới thành “khoán 10”.
Thực tế ấy cho ta bài học về sự ra đời của cái mới không bao giờ dễ dàng, thậm chí có khi phải trả giá đắt (mồ hôi và máu). Đồng chí Kim Ngọc được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đồng chí Kim Ngọc là tấm gương (có thể nói là hiếm hoi) của người lãnh đạo có tư tưởng “thân dân”, “an dân”.
Bài Huyền thoại giữa đời thường (dài 12 trang) về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi là điểm độc sáng của cuốn sách. Người ta dùng rất nhiều danh từ tuyệt vời để nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng với riêng tôi thì, vẫn thích nhất cách minh định Võ Đại Tướng là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Vì sao? Có lẽ không cần giải thích trong trường hợp này. Nói như thế là phù hợp với nhân tâm thời đại và dân tộc.
Không ai ngoài Võ Đại Tướng được gọi như thế. Tôi tin tưởng chắc chắn điều này. Sự vĩ đại và cao cả của Đại tướng chính là ông đã sống mãi trong lòng nhân dân. Thế kỷ XX, ở Việt Nam, lịch sử chỉ ghi nhận có hai con người vĩ đại, trác tuyệt sống mãi trong lòng nhân dân: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Nên câu văn sau đây Hồ Quang Lợi viết tôi không nghĩ là quá mỹ miều: “Đại tướng qua đời, lòng dân đau tiếc, đất trời, sông núi khóc thương” (tr.235).
Văn hóa báo chí
Một lần giao lưu gần đây nhất với các nhà báo của một tờ báo X, có người nói một ý tôi rất chú ý lắng nghe: Hiện nay có nhiều loại báo (báo đứng, báo ngồi, báo nằm, báo quỳ). Và người đó hùng hồn rằng “Báo ta phải là báo đứng” (!?). Tôi là người làm văn nhưng khi nghe nói chuyện báo mình đâm ra cũng chạnh lòng, phân vân. Hôm đó trong phát biểu của mình tôi có nhấn mạnh một ý, ai đó nói rằng nghề báo là nghề nguy hiểm. Chỉ đúng trước đây thôi, còn bây giờ nghề nào cũng là nghề nguy hiểm cả. Nhưng có lẽ điều đó không nên bàn nhiều bây giờ. Tôi có kể lại câu chuyện trả bài chuyên đề báo chí năm 1973, với Thầy Quang Đạm. Bài kiểm tra đơn giản. Thầy cung cấp cho sinh viên một mẩu chuyện có nhan đề Sau cơn mưa (Sau cơn mưa. Bố con nhà nọ đi ra phố. Đến gần một vũng nước, người bố nói to cho con trai nghe “ Chú ý, con trai! Vũng nước bẩn”.
Chú bé 10 tuổi trả lời “Bố ơi! Con nhìn thấy vì sao ở trong vũng nước”). Tôi là người hiếm hoi được điểm 5 bài thi này vì đã chú ý phân tích cái nhìn văn hóa của chú bé (ngày đó chấm theo điểm Liên-Xô). Ngày đó tôi chưa thấm nhuần tinh thần “văn hóa và báo chí” như bây giờ chúng ta hay nói. Đọc Phần 5 (Văn hóa và Báo chí) trong tác phẩm Thời cuộc và văn hóa của tác giả Hồ Quang Lợi, tôi suy nghiệm ra: Văn hóa là chân đế, căn cốt, nền tảng, là khởi điểm và là đích đến của đời sống. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế phần 5, theo tôi, được viết một cách kỹ lưỡng, trôi chảy và hấp dẫn, thuyết phục vì đó là “thung thổ”, “sinh quyển”, “môi sinh” của Hồ Quang Lợi. Tại sao không (!?).
Thêm nữa, theo phán đoán của tôi, Thời cuộc và văn hóa chưa thể là tác phẩm cuối cùng của Hồ Quang Lợi. Anh chưa thể “rửa tay gác kiếm” như ai đó nói. Bởi vì, theo tôi, anh là người cao vọng (khát vọng).
Bùi Việt Thắng