1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Việt Nam thân thương:

“Ăn” roi thầy cô

(Dân trí) - Ngày xưa, khi chỉ là bảng đen phấn trắng, khi thầy và trò còn cả một khoảng cách nghiêm trang nhưng gần gũi, “ăn” roi thầy cô chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện”... Thật không ta?

Mẫu giáo và cấp 1.
“Ăn” roi thầy cô


Roi, chỉ là một thứ mà cô giáo hay cầm trên tay lâu lâu gõ vào bàn một cái chát để hù những đứa trẻ ồn ào không chịu ngồi yên. Trong trí nhớ không lưu giữ một ấn tượng nào về “ăn” roi. Có khi do trục trặc kỹ thuật vì lí do não đầy, dữ liệu bị loại bỏ bớt nên không nhớ nổi việc bị thầy cô cho ăn đòn.

Cũng có khi do tâm lý muốn quên đi những “tổn thương”, việc “ăn” roi thường xuyên khi người ta nhỏ đã bị đẩy vào “vùng phong tỏa” lúc đạt tới cảnh giới biết thế nào là xấu hổ (“ăn” roi thường xuyên chả phải việc vẻ vang gì), lâu dần cũng lãng quên.

Cấp 2.

“Ăn” roi thầy cô


Ấn tượng về sự muôn hình vạn trạng của việc “ăn” roi thầy cô bắt đầu hình thành trong quan sát (may quá). Roi của thầy giám thị được đám nhất quỷ nhì ma gọi là “thượng phương bảo kiếm” mang sắc màu của truyền thuyết Bao Thanh Thiên. Mà hình như thầy cũng thích cái tên ấy. Thấy thầy hay cầm roi lùa một đám học sinh bán trú, có lẽ vì vậy mà tụi nó hay ví lớp mình như… sở thú.

Roi còn có chức năng quan trọng khác. Trong phòng giám thị có tới mấy cây roi, roi mây, dài cả mét. Lâu lâu thầy “giễu võ dương oai”, các công tử trốn học, chửi thề… được vào phòng lĩnh phạt, nhẹ thì nghe “giảng đạo”, nặng thì mời anh nằm lên bàn. Cái bàn đá trước phòng giám thị là nơi “công lý” thực thi. Chát chát, á á. Nghe cũng “vui” khi người nằm trên đó không phải là mình.

Ký ức thứ hai thuộc về thầy dạy Lý với một câu quen thuộc trước khi bắt tay vào việc “Lực mạnh nhất là lực tác dụng vuông góc với bàn tọa”. Cười khổ, cười nghẹn, cười mỉm… đầy đủ các loại nhưng tuyệt đối không có cười ra tiếng trong quá trình thầy vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Nạn nhân xấu số nằm phơi ra trên dãy bàn đầu đã được di tản.

Cái roi và cái “bàn tọa” trở thành đối tượng để “quan trên trông xuống, người ta dòm vào”. Lỡ ăn một lần là nhột tới già. Muốn không nhận “lực mạnh nhất” chỉ có một con đường - bài kiểm tra một tiết không được phép dưới 5, còn không cứ lấy 5 trừ điểm của nó là ra số roi ta cần tìm.

Thầy Thể dục hoàn toàn không hề thua kém thầy Lý và thầy giám thị. Thầy luôn có hai lựa chọn cho nạn nhân quyết định “Em muốn mưa dầm hay mưa rào?”. Những em thơ ngây mới vào trường hay đã vào trường mà chưa từng học thầy nếu thắc mắc thì tụi có kinh nghiệm sẽ sẵn sàng giải thích “Mưa dầm là đánh nhè nhẹ, từ từ, dài lâu. Mưa rào là quất một trận thật mạnh ào ào rồi kết thúc trong chớp mắt”. Bạn chọn cái nào?

Cấp 3.

“Ăn” roi thầy cô


Khi người ta lớn, thì thầy cô chả ai đi cầm roi mà đánh. Nên cái sự nghiệp “ăn” roi thầy cô tiệt chủng ở đây.

Nhiều lúc nghĩ nghĩ, nhớ lại những cây roi và “tay roi” mà cười một mình. Bị đánh giữa thanh thiên bạch nhật, đứa nào đứa nấy xấu hổ lủi về chỗ, có đứa miệng lầm bầm. Vậy mà chưa thấy có vụ trả thù nào. Chả bù bây giờ ngồi rùng mình khi nhìn thấy trên Internet nhan nhản những cái tít về thầy cô giáo đánh học trò, học trò quay rồi tung lên mạng, học trò “xử” thầy cô, công an vào cuộc điều tra… Tin ngập màn hình, Google hết trang ngày tới trang khác. Bỗng thấy tình thầy trò như muốn theo những hạt bụi phấn lả tả bay.

Thương cho roi vọt. Ngày ấy, bây giờ.

Lê Thị Hồng Nhung