An Giang có thêm điệu múa mới lạ độc nhất Việt Nam
(Dân trí) - Từ hình ảnh nam nữ thuộc cư dân Óc Eo xưa, đang khãy đàn múa hát, được điêu khắc tinh xảo trên đá, trên gốm… các nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo nên điệu “Múa Óc Eo” - Đây là một loại hình nghệ thuật mới lạ mang âm hưởng dân gian độc đáo.
Tối 11/7, tại huyện Thoại Sơn lần đầu tiên hàng trăm khách mời và khán giả trong tỉnh An Giang có dịp thưởng thức một loại hình nghệ thuật mới lạ mang âm hưởng dân gian phi vật thể, đó là điệu “Múa Óc Eo”, được sáng tác trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu phong cách từ các tượng cổ của nền văn hóa Óc Eo.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giềng, Trưởng Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang thì điệu múa Óc Eo hình thành từ hình ảnh nam nữ thuộc cư dân Óc Eo xưa, đang chơi đàn múa hát, được điêu khắc tinh xảo trên đá, trên gốm và các chất liệu cổ được lưu truyền gần 2 thiên niên kỷ qua. Từ hiện vật khảo cổ, nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và nhạc sĩ Trương Bá Trạng đã khắc họa nên tiết tấu, cung bậc, thang âm điệu thức, động tác tạo ra một điệu bộ “Múa Óc Eo” đầu tiên ở Việt Nam để mọi người cùng múa hát, sinh hoạt tập thể.
Việc bảo tồn loại hình Phi vật thể của nền văn hóa Óc Eo đang được tỉnh An Giang quan tâm đầu tư, từ loại hình mới lạ này Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã đưa ra giảng dạy nhằm trao truyền cho xã hội một tác phẩm nghệ thuật vừa hiện đại nhưng cũng vừa cổ kính, mang âm hưởng của nguồn gốc Ấn Độ giáo, đồng thời cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư ở miền Tây Nam bộ.
Bảo Phong