“Amour”- phim Cành cọ vàng chinh phục Oscar

(Dân trí) – “Amour” là câu chuyện giản dị, xúc động về tình yêu trong những năm tháng cuối đời, khi tuổi già và bệnh tật đã làm người ta rệu rã. Hiện “Amour” là cái tên đầy sức nặng, được kỳ vọng sẽ lọt vào danh sách đề cử chính thức của giải Oscar.

Bộ phim nói tiếng Pháp của nhà làm phim người Áo Michael Haneke mang tên “Amour” (Tình yêu) cho chúng ta cái nhìn sâu sắc vào cuộc sống của những người già. Những nhức nhối cả trong tâm hồn và thể xác thường đến cùng với tuổi già.

Khi hình ảnh cuối cùng đóng lại, người xem không khỏi suy nghĩ về cuộc đời và về chính mình trong tương lai, khi họ cũng bước vào những chặng cuối của cuộc đời. Bộ phim khiến người xem thấy dễ đồng cảm bởi ai trong chúng ta cũng từng có ông bà hoặc cha mẹ bị đau yếu.

Ông cụ Georges và bà cụ Anne đều đã ngoài 80 tuổi, họ là những nhà giáo đã về hưu, trước đây từng dạy âm nhạc. Con gái của họ là một nhạc công và đã ra nước ngoài sống. Một ngày nọ, Anne bị một cơn đột quỵ rồi bà bị liệt. Khi đã bước vào những chặng cuối của cuộc đời, tình yêu của đôi vợ chồng già lại bị thử thách dữ dội.

Ở “Amour” người ta thấy giá trị nhân văn của một bộ phim điện ảnh đích thực, không kỹ xảo hiện đại, không diễn viên trẻ đẹp, nổi tiếng và cũng không ôm đồm những thông điệp lớn lao. “Amour” có sức lay động người xem bằng câu chuyện tình yêu giản dị của cặp vợ chồng già khi họ phải đối diện với bệnh tật và chia lìa bởi cái chết.

Phim mang lại cho người xem những dư vị nhẹ nhàng, những buồn vui, suy ngẫm về tình yêu và số phận con người. “Amour” là một “câu chuyện hoàn hảo, đau đớn mà ấm áp, dịu êm về tình yêu và cái chết.

“Amour”- phim Cành cọ vàng chinh phục Oscar


Hai diễn viên kỳ cựu người Pháp Emmanuelle Riva (bà cụ Anne) và Jean-Louis Trintignant (ông cụ Georges)

Vị đạo diễn nổi tiếng người Áo từng hai lần giành giải Cành cọ Vàng - Michael Haneke chia sẻ: “Amour là bức tranh rõ nét và chân thực nhất về sự rệu rã khốn khổ của con người trong những năm tháng cuối đời. Nó thật xót xa nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Dù “Amour” có thể khiến bạn rơi nước mắt nhưng nó vẫn là một bộ phim lạc quan.”

Đạo diễn Michael Haneke đã có những ý tưởng rất đặc biệt khi dựng bộ phim này. Ông không sử dụng nhạc nền trong những trường đoạn cao trào nhằm gây ấn tượng thính giác về một cuộc sống âm thầm, lặng lẽ trong căn hộ xưa cũ.

Máy quay được đặt cố định ở một góc, không di chuyển nhiều, diễn viên lặng lẽ bước vào và bước ra khỏi khuôn hình, thậm chí, có những chi tiết xảy ra ngoài khuôn hình. Cách quay này tạo ấn tượng về thị giác về một nhịp sống chậm, nằm ngoài rìa của đời sống hiện đại.

Việc “Amour” giành được giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes 2012 là một minh chứng về giá trị đích thực của một tác phẩm điện ảnh. Sức lay động mạnh mẽ có thể đến từ những cuộc đời bình dị nhất, những tình huống giản đơn thường thấy nhất.

Đạo diễn Michael Haneke (ngoài cùng bên trái) trên phim trường


Đạo diễn Michael Haneke (ngoài cùng bên trái) trên phim trường

Lý do khiến đạo diễn chọn cặp vợ chồng già là những nhà giáo đã về hưu bởi họ thuộc tầng lớp trung lưu, tức là thuộc về số đông. Họ không có kinh tế dư giả, địa vị xã hội bình thường và vì thế họ chỉ biết trông cậy vào nhau.

Từ đó, “Amour” khắc họa chân thực mối quan hệ giữa Georges và Anne. Những tình huống dù là nhỏ nhặt nhất mà ta phải đối mặt hàng ngày khi chăm sóc người ốm được đạo diễn đưa lên màn ảnh không chút do dự. Nhờ thế, người xem hiểu được ý nghĩa thực sự của tình yêu. Trải nghiệm khó khăn này đã đưa đến cho đôi vợ chồng già đủ những cung bậc cảm xúc, gồm cả giận dữ, tuyệt vọng, đau đớn, dằn vặt…  Nhưng, điều quan trọng nhất là họ cảm nhận được rõ ràng tình yêu dành cho nhau.
 


Trailer phim “Amour”

 
Pi Uy
Theo The Independent