Bà Eva Nguyễn Bình - Phu nhân cựu Đại sứ Pháp:
“Ẩm thực đem Pháp - Việt đến gần nhau”
Say mê nói về những trải nghiệm văn hoá tại Việt Nam, bà Eva Nguyễn Bình, Phu nhân cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam - Tham tán Hợp tác và Văn hóa của Đại sứ quán Pháp và là Giám đốc Viện Văn hóa Pháp L’Espace nói về những trải nghiệm đặc biệt với “một nửa quê hương” mà bà đã yêu dấu.
Thưa bà, là Phu nhân cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, và cũng là người gốc Việt, vậy trải nghiệm đó khiến công việc của bà tại Việt Nam ra sao?
Làm việc và sống ở Việt Nam đã là giấc mơ từ rất lâu của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Pháp nhưng cha tôi là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vì thế tôi đã có liên hệ với Việt Nam từ khi ra đời. Trở về nơi đây, tôi có cảm giác như trở về nhà mình. Với tôi, đây còn hơn cả một công việc, đó là niềm đam mê.
Vậy, để nói về một nét đặc trưng của người Pháp với văn hóa, theo bà đó là gì?
Người Pháp rất coi trọng văn hóa. Thật vậy, họ yêu thích việc nói về văn hoá, họ yêu việc đi đến bảo tàng, thích xem triển lãm nghệ thuật, thậm chí có thể xếp hàng nhiều giờ để được vào xem một triển lãm. Người Pháp luôn tò mò tìm hiểu điều mới mẻ: những nhà thiết kế mới, tác phẩm điện ảnh mới, sách mới, nhà hàng mới. Sứ mạng của tôi là giới thiệu văn hóa Pháp, theo một nghĩa rất rộng bao gồm: nghệ thuật, điện ảnh, sách vở và cả giáo dục, ngôn ngữ Pháp, ẩm thực, du lịch... và phát triển sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Bà từng chia sẻ, trọng trách của mình là mang Pháp và Việt Nam lại gần nhau hơn trong khả năng của mình. Cụ thể, bà đã làm những gì để thực hiện trọng trách đó?
Tôi đã làm việc rất nhiều, đồng thời tôi cũng lắng nghe và trò chuyện với người có ý tưởng hay về những gì tôi nên làm và nên thực hiện nó ra sao.
Tôi rất tự hào với hội chợ “Bienvenue en France!" (Chào mừng đến với nước Pháp) mà tôi khởi động từ năm 2014. Tôi cũng tự hào với việc chỉnh trang trung tâm văn hóa Pháp L'Espace ở Hà Nội, với mạng lưới cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp mà chúng tôi thành lập từ năm 2015, chương trình biểu diễn “Paris-Ballet” vào tháng 6/2016 và rất nhiều dự án có liên hệ với văn hoá Pháp và tiếng Pháp…
Người ta nói Pháp là cái nôi của văn hóa châu Âu. So với các quốc gia Âu châu khác thì văn hóa Pháp có gì khác biệt?
Tôi cũng muốn trích lời người mẫu Caroline de Maigret và quyển sách của bà “Sống như người Paris”: “Vâng, bí mật của người Paris, lý do của gò má ửng hồng, nụ cười đầy mãn nguyện: Sự đam mê của cô ấy dành cho tình yêu.” Đúng thế, người Pháp là những kẻ lãng mạn, họ luôn yêu thật nồng nhiệt. Họ yêu say đắm, họ yêu cái ý tưởng được yêu.
Là một người làm ngoại giao hơn 20 năm, đã đem hình ảnh và văn hóa Pháp đến nhiều nơi trên thế giới, theo bà sức ảnh hưởng của văn hoá Pháp mạnh mẽ ra sao?
Tôi muốn nhất mạnh rằng văn hóa Pháp đã được nuôi dưỡng từ những đóng góp từ nhiều nền văn hóa khác, bao gồm cả các nền văn hóa ở Châu Á. Một trong những tiêu chí của văn hóa Pháp là “đối thoại giữa các nền văn hóa”, nghĩa là văn hóa của một quốc gia ngày càng trở nên phong phú hơn với ảnh hưởng từ nhiều quốc gia khác.
Nhắc đến văn hóa Pháp thì không thể bỏ qua ẩm thực. Vậy ẩm thực Pháp có vị trí như thế nào trong đời sống người Việt?
Tôi cũng là người rất yêu ẩm thực, và thực vậy, người Việt và người Pháp cùng chia sẻ đam mê với ẩm thực. Cả hai nước cùng có văn hóa “Café” (có cả vỉa hè) và họ yêu thích việc chia sẻ thức ăn ngon với bạn bè và gia đình.
Người Pháp còn là những “tín đồ” với niềm đam mê đặc biệt dành cho các món ăn ngọt. Điều đó được thể hiện qua cách mà họ dành tình yêu cho các món tráng miệng, chocolate, các loại bánh ngọt, bánh quy bơ.
Người Pháp cũng yêu Việt Nam. Bạn sẽ rất khó tìm thấy một người Pháp nào không thích Việt Nam. Người Pháp thường bắt đầu nói về Việt Nam là về ẩm thực, về cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, về vẻ đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ.
Vậy còn cách mà người Việt hiện nay đón nhận văn hóa Pháp như thế nào, họ có hào hứng không?
Ồ, tất nhiên. Ngoài những vấn đề lịch sử đã có thời chia cắt hai quốc gia, người Việt Nam có tình cảm rất đặc biệt dành cho văn hóa Pháp, thậm chí là rất nhiều cảm xúc.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi đầy thú vị này!