Âm nhạc cổ điển không còn xa vời với công chúng Việt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong hai đêm diễn tại Hà Nội và TPHCM có không ít đứa trẻ cùng cha mẹ háo hức tham dự hòa nhạc, điều không thể hình dung nổi vào đầu những năm 2000, khi Hòa nhạc Toyota bắt đầu tổ chức tại Việt Nam.

Và 3 ngày trước đó, một fanpage chia sẻ thông tin về chương trình đã nhận được hơn 5.000 lượt tương tác, nhiều lượt chia sẻ và các bình luận sôi nổi thể hiện sự quan tâm của khán giả với dòng nhạc lâu nay vẫn được xem là "kén người nghe", thậm chí là "xa lạ" với công chúng Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Monkey Minh là một trong những khán giả mua vé tham dự chương trình từ thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. "Điều làm tôi thú vị là Toyota là một hãng xe ô tô, luôn hướng đến công nghệ cho tương lai, nhưng lại có những hoạt động trở về với những hình thức nghệ thuật giao hưởng. Một sự kết hợp kỳ lạ nhưng rất thi vị" anh Minh cho biết.

Âm nhạc cổ điển không còn xa vời với công chúng Việt - 1
Nghệ sĩ cello tài năng Phan Đỗ Phúc thổi làn gió mới cho Hòa nhạc Toyota 2022.

Sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch Covid, Hòa nhạc Toyota 2022 (Toyota Concert 2022) đã trở lại với công chúng yêu nhạc cổ điển ở Việt Nam với hai đêm diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh và Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới gậy chỉ huy của vị nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Tetsuji Honna và khách mời - cây cellist tài năng Phan Đỗ Phúc mang tới cho khán giả một "thực đơn" cổ điển thuần khiết đỉnh cao. Đó là hai trong số những tác phẩm vĩ đại nhất của một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng và có nhiều tác phẩm được biểu diễn nhất của nhân loại - Antonin Dvorak: Bản concerto 3 chương cung Si thứ dành cho cello và bản Symphony số 9 cung Mi thứ thường được biết đến với tên gọi "Giao hưởng Thế giới Mới" (From The New World). "Thế giới Mới" ở đây là nước Mỹ lúc bấy giờ (1892-1895, khi nhà soạn nhạc người Czech Dvorak được mời làm Giám đốc National Conservatory of Music of America tại New York), với kho tàng âm nhạc dân gian, đặc biệt của người da đen, hoàn toàn mới mẻ so với thứ âm nhạc kinh viện của châu Âu. Dvorak đã đưa những tiếng nói mới ấy vào bản giao hưởng của mình. 100 năm trước khi công diễn lần đầu tại phòng hòa nhạc lừng danh của New York, Carnegie Hall, bản Giao hưởng Thế giới Mới đã ngay lập tức trở thành bản giao hưởng được yêu thích và công diễn nhiều nhất của Dvořák.

Âm nhạc cổ điển không còn xa vời với công chúng Việt - 2
Giây phút thăng hoa của các nghệ sĩ trong Hòa nhạc Toyota tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Tối 28/7, anh Vương Thịnh đưa con gái 9 tuổi tới Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh từ sớm. Đây là lần thứ hai cô bé May được tham dự chương trình Hòa nhạc Toyota. Trong khán phòng Nhà hát Thành phố, cô bé May cũng rất hứng thú với "Giao hưởng Thế giới mới". Riêng bản Concerto cung Si thứ dành cho cello, một tác phẩm đầy tâm trạng với một kết thúc bão tố, May sẽ cần nhiều trải nghiệm hơn trong âm nhạc (cô bé đang bắt đầu theo học piano) cũng như trong cuộc sống để có thể cảm nhận. Còn Monkey Minh, anh cảm nhận được "sự chú tâm và thăng hoa của người nghe như hòa chung với dàn nhạc trên sân khấu" trong suốt chương trình.

Âm nhạc cổ điển không còn xa vời với công chúng Việt - 3
Đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội khép lại Hòa nhạc Toyota 2022.

Để đi tới nhạc mục cổ điển tinh tuyền này, ai đã dõi theo Hòa nhạc Toyota từ những năm đầu tiên (1998) sẽ nhìn thấy những bước tiến lớn. Để có thể mang dòng nhạc này đến gần khán giả Việt Nam, những người vốn ngại ngần khi tiếp xúc với nhạc cổ điển, nhiều chương trình Hòa nhạc Toyota thời kỳ đầu đưa vào cả những tiết mục "thử làm nhạc trưởng" - mời khán giả lên sân khấu tập cầm đũa chỉ huy hay biểu diễn cả ca khúc. Nay, có thể nhìn thấy sự thay đổi tuyệt vời từ hàng ghế khán giả ngày càng trẻ hơn, chủ động hơn đến với chương trình. Ba mẹ của May, những trí thức trẻ ở TPHCM, từ lâu đã có mong muốn giới thiệu với con về thế giới nhạc cổ điển. "Những cơ hội như thế này thật sự cần thiết để phổ biến thể loại âm nhạc hàn lâm đến nhiều người hơn, nhất là trẻ nhỏ" - ba của May cho biết, May cũng đang bắt đầu theo học piano từ một năm nay.

Và phía sau buổi biểu diễn, một đóng góp kiên trì vô cùng có ý nghĩa của Hòa nhạc Toyota trong hơn 20 năm qua là toàn bộ số tiền bán vé của các đêm diễn được trao tặng cho các sinh viên chuyên ngành âm nhạc trong khuôn khổ chương trình "Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam". Tính đến nay, đã có hơn 1.000 học bổng được trao cho các em sinh viên chuyên ngành âm nhạc. Một chương trình mang đến những giá trị cổ điển, nhưng chính là một đầu tư tốt đẹp và lâu dài vì tương lai ở nơi này như lời khẳng định của ông Ueda Hiroyuki - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam: "Cam kết lâu dài của chúng tôi là đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Định hướng này không thay đổi dù bị ảnh hưởng của dịch Covid. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và đẩy mạnh các hoạt động đóng góp cho cộng đồng".

Giải bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2022

Từ ngày 21/8/2022 đến 1/9/2022 tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ Giải bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2022. Đây là lần thứ hai Toyota Việt Nam đồng hành cùng Giải bóng với vai trò là Nhà tài trợ chính. Giải Bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2022 được tổ chức nhằm tìm kiếm, đào tạo các tài năng bóng đá trẻ, truyền cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ tương lai, giúp các em không ngừng theo đuổi đam mê và tình yêu với bóng đá, hết mình cống hiến để góp phần vào sự phát triển bền vững của nền bóng đá nước nhà.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm