Ai là tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt?
(Dân trí) - Ngày 24/1, TAND quận 1, TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh, bị đơn là công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật và Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị).
Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn yêu cầu HĐXX triệu tập ông Đỗ Biên Thùy, Nguyễn Lê Tài, Nguyễn Đức Hồng Quang tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử nếu nhận thấy sự có mặt của những người này là cần thiết thì HĐXX sẽ xác định tư cách tham dự phiên tòa của những người trên.
Luật sư của phía nguyên đơn có bà Trương Thị Thu Hồng và ông Phạm Đại Lợi (thuộc Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.
Theo nội dung vụ án, năm 2001, ông Linh bắt đầu làm việc tại công ty Phan Thị. Theo ông Linh, lúc này ông chưa có ý tưởng về các nhân vật. Sau đó, bà Hạnh giao cho ông Linh nhiệm vụ vẽ truyện tranh chuyển tải các tích Trạng. Từ đó, ông Linh đã tự viết kịch bản, vẽ phác thảo bằng tay.
Đến ngày 16/2/2002, truyện tranh Thần đồng đất Việt xuất bản tập 1 và tạo được tiếng vang đối với độc giả. Ngay sau đó, ngày 29/3/2002, ông Linh ký văn bản có nội dung xác nhận mình là đồng tác giả.
Theo đơn khởi kiện, ông Linh yêu cầu Tòa công nhận ông Linh là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu ẹo”, “Dần béo”, “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, gồm 78 tập; không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả với ông Linh trong việc sáng tác 4 nhân vật trên.
Nguyên đơn trình bày yêu cầu khởi kiện.
Đồng thời buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo từ các tập Thần Đồng Đất Việt tiếp theo, cũng như trên các ấn bản khác như thần Đồng Đất Việt khoa học, Thần Đồng Đất Việt mỹ thuật… Ngoài ra, ông Linh còn yêu cầu Tòa buộc bà Phan Thị Mỹ Hạnh phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và buộc bị đơn thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm là 20 triệu đồng.
Bác lại yêu cầu của nguyên đơn, đại diện đồng bị đơn đề nghị HĐXX bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn. Buộc nguyên đơn chấm dứt và cam kết không tái phạm hành vi vu khống bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Buộc nguyên đơn xin lỗi, cải chính công khai đối với hành vi vi phạm trên tòa, trên trang Facebook cá nhân của nguyên đơn.
Buộc nguyên đơn chấm dứt ngay lập tức hành vi lợi dụng các quy định về tác quyền, lợi dụng quyền đồng tác giả nhằm mục đích cản trở việc sử dụng một cách bình thường tài sản của công ty Phan Thị và hoạt động kinh doanh của công ty Phan Thị.
Bị đơn đề nghị bác đơn kiện của nguyên đơn.
Phía bị đơn cho rằng, năm 2001 ông Lê Phong Linh xin vào công ty Phan Thị làm việc. Trong quá trình làm việc ông Linh đưa ra nhiều yêu cầu khiến công ty không thể đáp ứng, vì vậy ông Linh mới khởi kiện. Mục đích ông Linh khởi kiện nhằm hạ uy tín, gây rối hoạt động của Phan Thị. Năm 2002, ông Linh ký văn bản thừa nhận mình là đồng tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.
Bị đơn cũng cho rằng, tới thời điểm hiện tại ông Linh không chứng minh được mình là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, cũng như bộ tranh này không mang dấu ấn riêng của nguyên đơn.
Lý giải việc ký vào văn bản xin Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đồng tác giả, ông Linh cho rằng mình tin tưởng vào bà Hạnh nên đã ký và lúc ký thì ông chỉ mong bộ truyện sớm được xuất bản.
“Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ nêu yêu cầu thực hiện bộ truyện tranh về dân gian và tích trạng. Bà Hạnh chỉ tham gia vào công tác tổ chức, không tham gia sáng tác", ông Lê Linh nói.
Ngày 25/1, phiên tòa tiếp tục phần hỏi.
Xuân Duy