9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời

(Dân trí) - Đó là những cuốn tiểu thuyết đã được thời gian, các nhà phê bình và độc giả yêu văn chương công nhận.

“Giết con chim nhại” - Harper Lee (1960)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


“Giết con chim nhại” vừa ấm áp, hài hước, vừa dữ dội, thấm thía. Nó đề cập tới những vấn đề nghiệt ngã của đời sống xã hội, như nạn phân biệt chủng tộc, tội ác, trừng phạt, sự bất công, lẽ công bằng…

Đây là cuốn tiểu thuyết được tìm đọc nhiều nhất, gây ảnh hưởng và có tiếng vang lớn nhất khi đề cập tới nạn phân biệt chủng tộc từng một thời diễn ra trên khắp nước Mỹ. Để hiểu được sự bất công, độc ác của con người và cũng để tìm được niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, “Giết con chim nhại” là lựa chọn hoàn hảo.

“Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi”, câu nói của vị luật sư ngay thẳng, của người cha nhân hậu Atticus đã từng làm xúc động biết bao trái tim độc giả khi khép lại trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết.

“Vụ án” - Franz Kafka (1925)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


“Vụ án” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Kafka. Cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông bị bắt và bị khởi tố bởi một thứ chính quyền, tòa án và luật pháp kỳ lạ, không thể hiểu nổi. Bản thân tội ác mà nhân vật nam chính phạm phải (nếu có) cũng không được hé lộ cho chính anh ta và độc giả được biết.

Toàn bộ câu chuyện diễn ra vừa hiện thực vừa hư ảo như thể một cơn ác mộng, hư hư thực thực và đầy rẫy kinh hoàng, trong đó nhân vật chính bất lực hoàn toàn, chẳng có chút sức mạnh hay bất cứ một đầu mối nào để có thể thoát ra khỏi tấn bi kịch hãi hùng đã bóp chết anh ta.

Giống như phần lớn những tác phẩm khác của mình, tiểu thuyết này của Kafka cũng chưa được hoàn thành, tạo nên sự không liền mạch, thậm chí mâu thuẫn trong cốt truyện. Điều đó càng làm nổi bật lên chủ nghĩa hiện sinh trong tác phẩm, nhấn mạnh sự mất định hướng khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý.

“Bắt trẻ đồng xanh” - J.D. Salinger (1951)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


Cuốn tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” ban đầu được tác giả J.D. Salinger viết cho người lớn, tuy vậy, về sau, cuốn tiểu thuyết này lại trở nên nổi tiếng và rất được giới thanh thiếu niên ưa thích bởi chủ đề của nó xoay quanh sự nổi loạn và nét tâm lý thách thức rất đặc trưng ở tuổi trẻ.

Nhân vật chính của tiểu thuyết - cậu thanh niên Holden Caulfield - đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng thường thấy ở những con người trẻ tuổi mới chập chững bước vào cuộc đời. Truyện đã khai thác rất sâu kỹ tâm lý và những vấn đề phức tạp ở lứa tuổi này: cá tính riêng, sự phức tạp của những mối quan hệ, cảm giác gắn bó và sự xa cách…

“Anh em nhà Karamazov” - Fyodor Dostoevsky (1880)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


Đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dostoevsky. Ông đã dành ra gần 2 năm để viết nên tác phẩm này - một cuốn tiểu thuyết đậm chất triết lý, lấy bối cảnh nước Nga ở thế kỷ 19. Tiểu thuyết đi sâu khai thác đề tài đạo đức, luân lý, tù ngục và sự tự do trong lý tưởng.

“Anh em nhà Karamazov” chứa đựng những cuộc đấu tranh của đạo đức trong đó đức tin, sự ngờ vực và lẽ phải đối diện với sự đổi thay của thời thế, trước một nước Nga đang dần chuyển mình. Cho tới tận hôm nay, cuốn tiểu thuyết này vẫn là một trong những tác phẩm văn học kinh điển, một trong những thành tựu lớn lao nhất của nền văn học thế giới.

“Anna Karenina” - Leo Tolstoy (1877)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


“Anna Karenina” - cuốn tiểu thuyết sầu thảm về tình yêu, đam mê và cái giá phải trả cho sự phản bội và ghen tuông. Tác phẩm xoay quanh cuộc tình bi kịch giữa nàng Anna xinh đẹp, nổi loạn và sĩ quan quân đội đẹp trai - bá tước Vronsky. Tấn bi kịch bắt đầu từ thời điểm Anna chối bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu của mình và chống lại cả một xã hội thượng lưu chuộng thói đạo đức giả thời bấy giờ.

Câu chuyện lấy bối cảnh nước Nga ở thế kỷ 19, với sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình. Câu chuyện tình bi kịch mà Leo Tolstoy sáng tạo ra đã trở thành cuốn tiểu thuyết viết về đề tài tình yêu được yêu thích nhất trong lịch sử văn học thế giới. Nhiều thế hệ độc giả đã đọc và cảm thương, ngưỡng mộ nữ nhân vật chính Anna Karenina.

“Hồn ma đêm Giáng sinh” - Charles Dickens (1843)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


Cốt truyện xoay quanh ông cụ keo kiệt, hà khắc Ebenezer Scrooge và sự thay đổi của ông sau khi được các hồn ma đến thăm, đặc biệt, cuộc gặp với ba Hồn ma Giáng sinh - Quá khứ, Hiện tại và Tương lai - đã đem lại sự thay đổi không ngờ ở ông già Scrooge.

Cuốn sách đã thể hiện đúng tinh thần của lễ Giáng sinh, đưa người đọc tới với niềm vui, hạnh phúc, sự ấm áp, điều thiện và sự viên mãn trong cuộc sống. Đối lập với những điều tốt đẹp kể trên, tác giả không quên nhắc tới sự tuyệt vọng, lạnh lùng, tăm tối, nỗi buồn và cái chết.

Nhân vật ông già Scrooge là hiện thân của mùa đông lạnh giá nhưng trái tim ông đã được sưởi ấm và phục thiện, giống như sau mùa đông sẽ là mùa xuân và mùa hạ.

“Hoàng tử bé” - Antoine de Saint-Exupéry (1943)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


“Hoàng tử bé” kể về sự tò mò, cái đẹp, tình yêu, sự mất mát… được nhìn từ đôi mắt ngây thơ của Hoàng tử bé sống trên một tiểu hành tinh, chàng đã đem lòng yêu một đóa hồng. “Hoàng tử bé” là cuốn sách được đọc và được dịch nhiều nhất trong kho tàng văn học Pháp.

Đây là cuốn sách nổi tiếng dành cho cả thiếu nhi và người lớn. “Tạm biệt. Và bây giờ, tôi sẽ cho cậu biết bí mật của tôi, một bí mật rất giản đơn: Chỉ có thể bằng trái tim, cậu mới nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn; điều quan trọng nhất luôn không thể nhìn thấy bằng mắt thường”, đó là câu nói tóm tắt cả một triết lý sống mà con cáo đã nói với Hoàng tử bé.

“Trăm năm cô đơn” - Gabriel Garcia Marquez (1967)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


“Trăm năm cô đơn” kể về câu chuyện xuyên suốt nhiều thế hệ trong gia đình dòng họ Buendia ở ngôi làng Macondo. Câu chuyện đã kể lại những vinh quang và sụp đổ, sinh - diệt, vui - buồn trong dòng họ Buendias.

“Trăm năm cô đơn” là một bức tranh sống động nhưng buồn thảm, sáng tạo, đầy lôi cuốn và gây kinh ngạc cho người đọc. Trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Marquez đã đưa vào chất hiện thực huyền ảo trong đó pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường.

Loạt tiểu thuyết Harry Potter - J.K.Rowling (1997-2007)

9 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời


Harry Potter thực sự là loạt tiểu thuyết gây ảnh hưởng lớn nhất đối với độc giả trẻ thế giới giai đoạn cuối thế kỷ 20. Loạt 7 cuốn tiểu thuyết giả tưởng khắc họa những chuyến phiêu lưu của cậu phù thủy Harry Potter cùng những người bạn thân thiết ở trường đào tạo phù thủy Hogwarts đã thu hút độc giả nhỏ tuổi và cả người lớn trên khắp thế giới. Loạt tiểu thuyết Harry Potter đã trở thành loạt sách bán chạy nhất và nhanh nhất trong lịch sử ngành xuất bản.

Bích Ngọc
Theo Life Span