7 HCV được trao tại Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội
(Dân trí) - Lễ bế mạc Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V- Hà Nội 2018 đã diễn ra tối ngày 15/10 tại Hà Nội. 7 HCV đã được trao cho các vở diễn và các cá nhân cùng 16 HCB...
Liên hoan múa rối quốc tế lần V thu hút sự tham gia của 07 đoàn nghệ thuật múa Rối tiêu biểu đến từ các quốc gia, châu lục: Đoàn Nghệ sĩ Múa Rối Vương quốc Campuchia, Đoàn Múa Rối quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đoàn Múa Rối Lunaria - Cộng hòa Philippines, Phường Múa Rối Tookkatoon - Vương quốc Thái Lan, Đoàn Múa Rối Une Tribu Collectif - Wallonie Bruxelles (Vương quốc Bỉ), Nhà hát Múa Rối Tarabates - Cộng hòa Pháp, Đoàn Múa Rối O Que De Que - Cộng hòa Liên bang Brasil và 04 đơn vị nghệ thuật Múa rối chuyên nghiệp của nước chủ nhà Việt Nam: Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Múa Rối Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa Rối Thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi tiết mục, vở diễn mang đến Liên hoan đều gửi gắm những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn về con người, về môi trường…được thể hiện bằng ngôn ngữ Rối giàu hình ảnh qua nhiều thể loại từ Rối bóng, Rối nước, Rối que, cho đến Rối tay, Rối mặt nạ… Các nghệ sĩ đã thể hiện sinh động và lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, tuy không cùng chung ngôn ngữ nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự đồng điệu và hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán từng nước thông qua nghệ thuật Múa rối.
Phát biểu về Liên hoan, NSND Vương Duy Biên – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đã đánh giá rằng: Thông qua Liên hoan, các nghệ sĩ đã giới thiệu đến khán giả các tác phẩm khá đa dạng về loại hình từ rối cạn cho đến rối nước. Bản chất hấp dẫn của Rối chính là sự khéo léo và bất ngờ. Nhiều tiết mục có sự sáng tạo, đan xen, phối hợp các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú đa dạng thêm nhưng không làm mờ nhạt bản chất vốn có của Rối.
Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao một số chương trình quốc tế, ít người, kiệm lời nhưng các nghệ sĩ quốc tế đã thể hiện được tính triết lý, nhân văn trong các tiết mục, vai diễn một cách rất thông minh, hiệu quả. Có thể nhận thấy, sự khác biệt giữa Rối và các loại hình khác bởi ngôn ngữ của rối là các trò, các động tác, cử chỉ và kỹ thuật khéo léo. Trên cơ sở nền tảng vốn cổ truyền thống, nghệ sĩ khai thác, cập nhật ứng dụng thời đại, chắp cánh cho những sáng tạo bay lên.
Phần lớn lực lượng khán giả chiếm ưu thế của Múa Rối chính là các khán giả nhí, chính vì vậy, tính giải trí, sự hài hước, dí dỏm phải đưa lên hàng đầu và phải được sử dụng một cách thông minh, mang lại tiếng cười trí tuệ.
Bên cạnh đó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra nhược điểm của một số tiết mục, vở diễn, đó là còn thoại nhiều, rườm rà, nên “nói ít hiểu nhiều” vì Liên hoan mang cả yếu tố trong nước và quốc tế nên làm sao để khán giả quốc tế cũng như Việt Nam có thể xem, cảm nhận được bằng hình ảnh, hành động của nghệ thuật rối muốn truyền tải, không nên áp đặt ý chủ quan của đạo diễn vào nhân vật mà nên để nhân vật gợi mở cho khán giả…
“Sau một tuần biểu diễn, sáng tạo với tinh thần đoàn kết hữu nghị, say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao, Liên hoan Múa Rối quốc tế lần V - Hà Nội 2018 đã khép lại. Và chúng ta cùng mong muốn Liên hoan sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các nghệ sĩ quốc tế và các nghệ sĩ quốc tế cũng như Việt Nam sẽ để lại những tình cảm, sự yêu mến trong lòng khán giả Thủ đô…”, NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ chia sẻ thay lời bế mạc.
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng dành cho 02 vở diễn, tiết mục xuất sắc nhất: vở rối nước “Trê – Cóc” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và tiết mục “Âm thanh của nhà tôi” (Đoàn Múa Rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). 03 Huy chương Bạc cho các vở: rối nước “Công chúa tóc mây” (Nhà hát Múa rối Thăng Long), “Gaspard” (Đoàn Múa Rối Une Tribu Collectif Vương quốc Bỉ), “Cây đàn kỳ diệu” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng).
Về cá nhân, đã có 07 Huy chương Vàng và 13 Huy chương Bạc đã được trao. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: Đạo diễn xuất sắc: NSƯT Nguyễn Phương Nhi – NS Bạch Quốc Khanh (Nhà hát Múa Rối Thăng Long - Vở “Công chúa tóc mây”); Tạo hình con rối xuất sắc: Đoàn Múa Rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Trang trí sân khấu xuất sắc: Ngô Thắng (Nhà hát Múa Rối Việt Nam - vở rối “Trê – Cóc”); Âm nhạc xuất sắc: Đoàn Nghệ sĩ Múa Rối Vương quốc Campuchia; Trang phục xuất sắc: phường Múa Rối Tookkatoon (Vương quốc Thái Lan); giải Tài năng trẻ xuất sắc đã thuộc về cậu bé 10 tuổi Christian Elijah G. Lunaria (Đoàn Múa rối Lunaria, Cộng hòa Phi-lip-pin) và 01 giải Chương trình ấn tượng dành cho “Sông nước phương Nam” (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam).
Nguyễn Hằng
Ảnh: Hương Giang