7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên

(Dân trí)- Có những người đã cống hiến không nhỏ, đã có những phát minh làm thay đổi cuộc sống, nhưng lại ít khi được nhắc đến.

1.Scott Falham, người đưa ra các biểu tượng cảm xúc

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên

Các biểu tượng cảm xúc (emoticon) xuất hiện ở khắp nơi, từ các mạng xã hội, email, tin nhắn cho đến các văn bản không chính thức. Có người thích chúng, và những người khác thì ghét chúng, nhưng tất cả chúng ta đều sử dụng emoticon. Chúng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1982, khi Scott Falham, một giáo sư ở trường Đại học Carnegie Mellon gửi đi thông điệp có hình một mặt cười nằm ngang và dấu gạch ngang thay cho cái mũi. Dù ban đầu ông mong đợi ý tưởng mới của mình sẽ gặp một số thành công, nhưng ông không thể ngờ rằng nó đã trở nên phổ biến vượt xa mong đợi.

2. James Goodfellow, cha đẻ của máy ATM và hệ thống mã PIN

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên


Ông là người đã sáng chế ra máy rút tiền tự động ATM (automatic teller machine) và quan trọng hơn cả là tạo nên khái niệm về mã số cá nhân PIN (personal identification number). Nhờ có ông mà người ta có thể rút tiền ở ngoài các ngân hàng và yên tâm về tính bảo mật khi thực hiện các giao dịch này. Và mặc dù nó được hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sử dụng mỗi ngày, Goodfellow cho biết rằng phát minh này chưa hề mang lại một đồng xu nào cho ông.

3. Sir John Harrington, cha đẻ của "toilet"

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên


Sir John Harrington là con đỡ đầu của Nữ hoàng Elizabeth I. Vào giữa thời Trung cổ tại châu Âu, khi các hệ thống cống rãnh tràn ngập các loại chất thải, ông đã đưa ra ý tưởng về hệ thống thoát nước hiện đại. Và chính ông cũng là người đã sáng chế ra chiếc toilet xả nước đầu tiên vào năm 1596. Nguyên mẫu đầu tiên của Harrington rất đắt tiền, và chỉ được lắp đặt riêng cho một số hộ gia đình, bao gồm cả cung điện của Nữ hoàng.

4. Dennis Ritchie, cha đẻ của lập trình máy tính hiện đại

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên


Mặc dù các tỉ phú như Steve Jobs hay Bill Gates được cho là đã "cách mạng hóa" máy tính ngày nay, nhưng chính Dennis Ritchie là người đã tạo ra ngôn ngữ lập trình C và Unix, những ngôn ngữ vẫn được sử dụng để tạo ra bộ khung cho mọi hệ thống máy tính hiện đại ngày nay. Ritchie thường bị xem nhẹ trong vai trò là một trong những người góp công phát triển máy tính, nhưng các phát minh của ông vẫn được sử dụng hàng ngày, và chắc chắn sẽ mở đường cho các ý tưởng với thành tựu mới trong lĩnh vực máy tính.

5. Pellegrino Turri, người sáng chế ra máy đánh chữ

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên


Máy đánh chữ là ông tổ của bàn phím máy tính ngày nay. Những chiếc máy đánh chữ ban đầu là những cỗ máy cồng kềnh, hoạt động chậm chạp và thường xuyên gặp lỗi, nhưng chắc chắn nó vẫn là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử. Chiếc máy đánh chữ đầu tiên được tạo ra bởi nhà sáng chế Italia có tên là Pellegrino Turri. Ông thiết kế và chế tạo chiếc máy này cho người bạn bị mù của mình.

6. Willis Haviland Carrier, cha đẻ của điều hòa không khí

7 câu chuyện về vấn đề bản quyền bị lãng quên


Bất cứ ai phải trải qua những ngày hè nóng nực đều biết việc sở hữu một chiếc điều hòa không khí tuyệt vời như thế nào, nhưng không phải ai cũng biết về lịch sử ra đời của nó. Vào năm 1901, Willis H. Carrier đăng kí bằng sáng chế cho chiếc máy điều hòa không khí đầu tiên. Trước phát minh của ông, các phương pháp điều hòa không khí chỉ là các hệ thống thông gió và không thể tạo ra không khí mát lạnh. Cỗ máy của Carrier có thể thu khí nén và đưa qua một hệ thống làm mát trước khi thổi tới những nơi cần thiết. Công ty mà ông sáng lập, Carrier Engineering Corporation, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay và là nhà sản xuất chế tạo các thiết bị điều hòa không khí lớn nhất thế giới.

 

 
Phan Hạnh
Theo Top Tenz