6 vai diễn gái giả trai “đỉnh” nhất màn ảnh
(Dân trí)- Khi xem những nữ diễn viên dưới đây hóa thân vào các vai nam, khán giả sẽ thực sự tin rằng họ là những người đàn ông.
Phim “Albert Nobbs” (2011)
Phim kể về số phận của những người phụ nữ sống ở thế kỷ 19 tại Ireland, khi đó, “nam nữ bình quyền” là một khái niệm chưa hề tồn tại. Chỗ của phụ nữ là ở trong bếp. Ước mơ của phụ nữ khi đó là lấy được người đàn ông giàu có. Nếu không, tốt nhất họ cũng nên có một tấm chồng để không phải “phơi mặt” ra đường kiếm sống một cách nhọc nhằn.
Những công việc tử tế khi đó hiếm khi được dành cho phụ nữ. Hoàn cảnh buộc nữ nhân vật chính Albert Nobbs (Glenn Close) phải đóng giả làm nam giới để có được việc làm. Kể từ đó, Albert sống cuộc đời của một người đàn ông. Định mệnh đã sắp đặt để Albert gặp được một người phụ nữ đồng cảnh ngộ với mình - Hubert Page (Janet McTeer).
Phim nhận được 3 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Glenn Close - người vào vai Albert Nobbs, và đề cử cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất - Janet McTeer - người vào vai Hubert Page. Đề cử Oscar thứ 3 là dành cho Hóa trang xuất sắc nhất bởi các nữ diễn viên đã được biến hóa rất tài tình để trở thành những người đàn ông.
Phim “She’s the Man” (2006)
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là cô thiếu nữ Viola Hastings (Amanda Bynes). Là con gái nhưng Viola mạnh mẽ như con trai và rất yêu bóng đá. Điều đáng buồn là trường trung học của cô vừa giải tán đội bóng đá nữ. Chân sút Viola coi như bị “treo giò” vĩnh viễn. Không chấp nhận đầu hàng, Viola xin gia nhập đội bóng nam của trường nhưng bị gạt phắt đi.
Bất mãn, Viola quyết định đóng giả làm người anh trai sinh đôi Sebastian Hastings để tới học ở trường của anh, trong khi anh mải mê lên thành phố theo đuổi giấc mơ ca hát. Ở trường mới và mang một giới tính mới, Viola có thể tiếp tục theo đuổi đam mê đá bóng. Nhưng vấn đề bắt đầu nằm ngoài tầm kiểm soát khi bạn học nữ theo đuổi Viola và bạn học nam ghen tị với cô.
Phim “Transamerica” (2005)
“Transamerica” xoay quanh chủ đề về người chuyển giới. Sabrina Osbourne (Felicity Huffman) vốn là một người đàn ông, cô đang chuẩn bị cho một ca phẫu thuật chuyển giới để hoàn toàn trở thành phụ nữ, bắt đầu một cuộc sống mới, giã từ quá khứ. Khi đang lâng lâng hạnh phúc chờ tới ngày được sống như mình mong muốn bấy lâu, Sabrina bỗng bị một cú “trời giáng”.
Từ đâu rơi xuống cho cô một cậu con trai - kết quả của cuộc tình thoảng qua thời tuổi trẻ. Ước mong giã từ quá khứ hoàn toàn vụt tắt. Sabrina hiểu rằng mình sẽ không thể trở thành một người phụ nữ đích thực nếu không đủ can đảm đối mặt với gia đình, với quá khứ, nhất là với cậu con trai đang đi tìm cha.
Trong “Transamerica”, nữ diễn viên Felicity Huffman vẫn giữ nguyên tạo hình nữ, nhưng cô phải lồng ghép vào giọng nói, cử chỉ, biểu cảm của mình những nét thô vụng, lóng ngóng, có phần “nam tính”. Quả thực, cách diễn xuất của Felicity Huffman khiến người ta tin rằng đây đúng là một người đàn ông chuyển giới. Xét trên khía cạnh nào đó, Felicity Huffman cũng đã đóng giả nam một cách tài tình.
Phim “Boys Don't Cry” (1999)
Chuyện phim kể về Brandon Teena (Hilary Swank) - một người phụ nữ đồng tính chưa qua chuyển giới. Khao khát được sống, được yêu như một người đàn ông, nhưng Brandon luôn gặp phải sự ngáng trở từ những người xung quanh, khiến cuộc đời Brandon trở thành một chuỗi bất hạnh kéo dài.
Brandon từng tìm được những người phụ nữ yêu mình, nhưng những người xung quanh không chấp nhận tình yêu của họ. Brandon luôn bị xỉ nhục, bị hành hạ đến tận cùng đau đớn. Cả bộ phim là chuỗi bất hạnh không có điểm dừng, để tồn tại, Brandon phải luôn tự nhủ rằng: “Đàn ông không khóc”.
Phim “Shakespeare in Love” (1998)
Phim được đề cử 13 giải Oscar, trong đó, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow giành về giải cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khi vào vai Viola, con gái của một thương nhân giàu có. Ở thế kỷ 16, phụ nữ không được phép đóng kịch trên sân khấu bởi đó bị coi là một hành động khiếm nhã. Trên sân khấu kịch, chỉ có nam giới, nam giới đóng cả những vai nữ.
Nữ nhân vật chính Viola de Lesseps (Gwyneth Paltrow) vốn là một cô gái yêu kịch nghệ. Để có thể đến thử vai cho vở kịch mới của chàng biên kịch trẻ điển trai William Shakespeare (Joseph Fiennes), Viola buộc phải hóa trang thành đàn ông. Hành động táo bạo này đã đưa cô gái bước vào mối tình lãng mạn với nhà biên kịch lừng danh.
Phim “Victor Victoria” (1982)
Lấy bối cảnh là Paris thập niên 1930, cô ca sĩ Victoria Grant (Julie Andrews) đang chật vật đi xin thử giọng ở các quán bar. Đến đâu, cô cũng bị từ chối, tiền thì sắp cạn kiệt. May mắn sao Victoria gặp được Carroll Todd (Robert Preston).
Một tình huống bất ngờ xảy đến khiến Todd nảy ra ý tưởng biến Victoria trở thành một người đàn ông, như vậy, khả năng kiếm được việc làm và đạt được thành công của Victoria sẽ lớn hơn. Từ Victoria, người phụ nữ xinh đẹp bỗng trở thành một quý ông lịch lãm có tên Victor.
Chuyện giới tính “nhập nhèm” của Victoria đã khiến cô rơi vào bao rắc rối, phức tạp. Vai diễn đã đem lại cho nữ diễn viên Julie Andrews một đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Tổng hợp