1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

6 phim điện ảnh Châu Á kể về tình yêu bị chia lìa bởi... cái chết

(Dân trí) - Có những tình yêu bền chặt chỉ có thể bị chia lìa bởi định mệnh - cái chết. Điện ảnh Châu Á đã có những phim hay kể về những chuyện tình đẹp và buồn như thế.

"More Than Blue" (Chỉ cần em hạnh phúc - 2009)


"More Than Blue" (Chỉ cần em hạnh phúc - 2009)  

Bộ phim làm lại của điện ảnh Đài Loan sắp ra rạp trong những ngày đầu năm 2019 này - "More Than Blue" (Chỉ cần em hạnh phúc) - dựa trên chuyện phim lấy nước mắt của điện ảnh Hàn Quốc ra rạp hồi năm 2009.

Chuyện phim "More Than Blue" (Mong em hạnh phúc - 2009) với diễn xuất của cặp đôi Kwon Sang-woo, Lee Bo-young đã từng để lại những xúc cảm đẹp trong người xem. Chuyện phim mới lần này sẽ do cặp đôi diễn viên Đài Loan - Lưu Dĩ Hào (32 tuổi) và Trần Ý Hàm (36 tuổi) đảm nhận.


"More Than Blue" (Chỉ cần em hạnh phúc - 2019)

Dù sẽ có nhiều tình tiết mới so với phim gốc, nhưng có thể hiểu chuyện phim vẫn sẽ xoay quanh một chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian sống chỉ còn rất hạn hẹp, anh cố gắng che giấu bệnh tình trước cô gái mà mình đem lòng yêu, cố gắng thu xếp cho cô một tương lai ổn định, viên mãn để có thể yên tâm rời xa thế giới.

Dù vậy, định mệnh không bao giờ dễ dàng tuân theo mong muốn và chủ đích của con người. Những chuyện tình bị chia cắt bởi cái chết từ lâu đã là một chủ đề được nhiều nhà làm phim Châu Á khai thác bởi dễ chạm tới xúc cảm của người xem và thường có những dư âm đọng lại.

"C'est la Vie, Mon Cheri" (Tân bất liễu tình - 1993)


"C'est la Vie, Mon Cheri" (Tân bất liễu tình - 1993)  

Bộ phim của điện ảnh Hồng Kông với diễn xuất của Lưu Thanh Vân, Viên Vịnh Nghi và Lưu Gia Linh đã từng "càn quét" tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông, giành về 6 giải trong đó có giải "Phim hay nhất".

Hóa ra điện ảnh Hồng Kông mới là nền công nghiệp làm phim đầu tiên sáng tạo nên chuyện phim dạng "chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta". Trong phim, đạo diễn Nhĩ Đông Thăng đã cho sử dụng âm nhạc như một công cụ đưa đẩy cảm xúc người xem.

Nam diễn viên Lưu Thanh Vân vào vai một nhạc công đang trong giai đoạn suy sụp, anh tình cờ gặp một cô gái (vai diễn của Viên Vịnh Nghi) là thành viên trong nhóm biểu diễn hí kịch đường phố.

Trước đó, anh chàng nhạc công vừa chia tay với người bạn gái nay đã là một nữ ca sĩ có tiếng (vai diễn của Lưu Gia Linh). Chuyện tình của cặp đôi nhạc công và cô gái hát hí kịch diễn ra êm đẹp, cho tới khi cô gái biết mình bị tái phát ung thư xương...

"Christmas in August" (Giáng sinh tháng 8 - 1998)


"Christmas in August" (Giáng sinh tháng 8 - 1998)  

Lại thêm một bộ phim tình cảm lãng mạn của Hàn Quốc xuất hiện trong danh sách, đơn giản bởi các nhà làm phim xứ kim chi vốn nổi tiếng biết cách "lấy nước mắt người xem". Chuyện phim xoay quanh Jung-won, một thợ chụp ảnh có một cửa tiệm nhỏ.

Sau những gặp gỡ tình cờ đầy thiện cảm với nữ cảnh sát giao thông Da-rim, những tưởng một chuyện tình sẽ bắt đầu, nhưng đúng lúc này, anh phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Jung-won quyết định sẽ sử dụng những ngày tháng còn lại của cuộc đời thật hiệu quả, theo cách lạc quan và có ý nghĩa nhất có thể. Thực tế, những bộ phim dạng này có thể dễ dàng bị đánh giá là "sến sẩm" với mô-típ đã quá quen thuộc. Nhưng biến cố, thậm chí là bệnh tật hiểm nghèo, hay cái chết... đều có thể bắt chúng ta phải đối diện ở một thời điểm nào đó trong đời.

Khi xem những bộ phim nói về cái chết, ta luôn có sự lắng lại để nghĩ về cuộc đời, về cách chúng ta đang sống, những việc ta làm, cách ta sử dụng thời gian của mình... Và câu hỏi có thể sẽ xuất hiện trong đầu rằng: "Nếu là mình, mình sẽ làm thế nào?". Có lẽ đó cũng là một gợi ý hay để ta biết trân trọng sinh mệnh, cuộc sống, thời gian của mình hơn.

"…ing" (2003)


"…ing" (2003)

Min-ah là một cô gái bệnh tật, từ nhỏ đến lớn, cô thường xuyên phải ra vào bệnh viện điều trị. Vì sức khỏe kém nên Min-ah gần như không có một đời sống xã hội giống như những người bình thường khác, cô chỉ biết tới người mẹ tận tụy chăm sóc cho mình.

Cuộc sống của Min-ah bắt đầu thay đổi khi một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi với tính cách hoạt bát, vui tươi, chuyển tới sống trong khu nhà tập thể và bắt đầu quan tâm để ý cô. Một kết thúc buồn là điều không thể tránh khỏi ngay từ khi bắt đầu bộ phim, nhưng "...ing" nhấn mạnh vào hiện tại, vào từng khoảnh khắc mà chúng ta đang sống.

Hãy sống thật tích cực, lạc quan cho hiện tại và tận hưởng ngay khi mình còn đang tồn tại. Đó là lựa chọn duy nhất và đúng nhất trong cuộc đời cô gái bệnh tật Min-ah.

"Crying Out Love in the Centre of the World" (Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới - 2004)


"Crying Out Love in the Centre of the World" (Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới - 2004)

Sử dụng cấu trúc phim dạng hồi tưởng đầy chất cổ điển, "Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới" bắt đầu bằng tình tiết nhân vật nam chính Saku tìm lại được cuốn băng cát-sét ghi lại những tâm sự của người bạn gái thời trung học, người bạn gái ấy đã sớm qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.

Từ đó, quá khứ và hiện tại bắt đầu đan xen, cũng như chuyện tình trong quá khứ và chuyện tình trong hiện tại chồng chéo đầy day dứt. Cho tới giờ, bộ phim vẫn được đánh giá là một chuyện phim tình cảm rất đáng xem của điện ảnh Nhật Bản.

"Under the Hawthorn Tree" (Chuyện tình cây táo gai - 2010)


"Under the Hawthorn Tree" (Chuyện tình cây táo gai - 2010)

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã tạo nên sự bất ngờ thú vị với chuyện phim tình cảm nhẹ nhàng, day dứt của một cặp đôi trẻ tuổi, đặt giữa những biến động thời cuộc và sự khắt khe của quan niệm xã hội.

Được chuyển thể dựa trên một tác phẩm văn học, chuyện tình buồn giữa một cô nữ sinh trung học xinh đẹp và một nam sinh viên địa chất với những khác biệt quá lớn về xuất thân, gia thế giữa hai người.

Mặc dù lý trí hiểu rằng hai người không thể đến với nhau, nhưng đôi bạn trẻ vẫn không thể thắng nổi những rung động dành cho nhau.

Thế rồi định mệnh bắt họ phải chia lìa bằng cái chết, khi chàng trai bị chẩn đoán ung thư máu, anh lựa chọn cách âm thầm rời xa tình yêu thời thanh xuân của mình, không một lời bày tỏ, tự mình chịu đựng mà không gây phiền lụy, không tạo thêm đau khổ cho cô gái vốn dĩ đã có nhiều bất hạnh.

Bích Ngọc
Theo SCMP