5 bộ phim khiến cuộc rượt đuổi Oscar 2013 trở nên gay cấn

(Dân trí)- Được truyền thông nhắc đến nhiều nhất, được giới phê bình ngợi khen "nức nở" nhất, được kỳ vọng sẽ gây bất ngờ, sửng sốt tại lễ trao giải Oscar sắp tới... 5 bộ phim này khiến cuộc rượt đuổi Oscar 2013 trở nên gay cấn.

Silver Linings Playbook

Trong 9 bộ phim được đề cử ở hạng mục Phim xuất sắc nhất tại giải Oscar 2013, “Silver Linings Playbook” được coi là “ông lớn” gây bất ngờ nhất so với 8 đề cử còn lại. Tuy là một phim tâm lý tình cảm, nhưng phim có tên trong danh sách đề cử ở những hạng mục quan trọng nhất: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam-nữ chính, phụ xuất sắc nhất...

Trong khi “Zero Dark Thirty”, “Lincoln”, “Argo” thuộc thể loại phim chính trị - lịch sử, “Amour”, “Les Miserables” là phim tâm lý, “Beasts Of The Southern Wild”, “Life of Pi” thuộc thể loại phim giả tưởng, “Django Unchained” thuộc thể loại sử thi, một mình “Silver Linings Playbook” trấn giữ thể loại phim hài tình cảm. Điều đáng nói là thể loại phim này thường không được đánh giá cao và khó giành giải lớn tại các giải thưởng điện ảnh. Vậy mà “Silver Linings Playbook” nhận đuợc tới 8 đề cử tại giải Oscar, sánh ngang với “Les Miserables”, chỉ đứng sau “Lincoln” và “Life of Pi”.  
 
 
 

Nhân vật nam chính của phim – Pat (Bradley Cooper) – một người đàn ông phải sống 8 tháng trong trại tâm thần vì có những hành vi bạo lực được cho phép trở về nhà để “tái hòa nhập cộng đồng”.

Pat gặp Tiffany (Jennifer Lawrence) – một cô gái có tính cách gàn dở sau cái chết đột ngột của chồng. Bộ phim khiến người xem xúc động trước sự ấm áp của tình người khi những cuộc đời bất hạnh tình cờ gặp nhau.

Phim có cốt truyện, bối cảnh đơn giản, nhưng được đánh giá cao ở khả năng phát triển tâm lý nhân vật một cách tinh tế và thuyết phục.

Tờ Hollywood Reporter khen ngợi diễn xuất hoàn hảo của dàn diễn viên, từ vai chính cho tới những vai phụ rất nhỏ. Tờ Time nhấn mạnh vai trò của Jennifer Lawrence, rằng “diễn xuất của Lawrence - cô gái mới 21 tuổi là một trong những hiện tượng hiếm có của điện ảnh. Trong quá trình diễn xuất, người ta thấy cả sự trưởng thành của Lawrence”.

Argo

“Argo” nhận được 7 đề cử tại giải Oscar trong đó có đề cử cho Phim hay nhất. “Argo” dựa vào một sự kiện có thật về 6 con tin người Mỹ ở Iran được giải cứu nhờ sự giúp đỡ của một đoàn làm phim cải trang, dẫn đầu là điệp viên CIA Tony Mendez (Ben Affleck).
 
 
 

Tại giải Quả Cầu Vàng vừa qua, Ben đã thắng lớn khi rinh về 2 giải thưởng cho Phim chính kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tờ New York Times khen ngợi “Argo” đã hoà trộn được chất hồi hộp, gay cấn, diễn biến nhanh của phim hiện đại và chất cổ điển trong bối cảnh thập niên 1970. “Phim đề cao trí tuệ của những người hoạt động trong quân đội hơn là khả năng tiêu diệt kẻ thù. Argo là một tác phẩm điện ảnh tôn vinh tài thao lược trong quân đội”.

Tờ Chicago Sun Times đánh giá “Argo” là “bộ phim hiếm có” vì “rất dễ nếu sản xuất một bộ phim hành động gay cấn với những màn rượt đuổi và sử dụng súng đạn nhưng Argo đã không đơn thuần sử dụng những ý tưởng quen thuộc đó.” Phim được cho 4/4 sao và xuất hiện trong danh sách những bộ phim hay nhất năm của Chicago Sun Times.

Les Miserables

Phim “Les Miserables” (Những người khốn khổ) vừa qua cũng thắng lớn tại giải Quả Cầu Vàng với 3 hạng mục thắng giải dành cho Phim nhạc kịch, Nam diễn viên chính (Hugh Jackman) và Nữ diễn viên phụ (Anne Hathaway) xuất sắc nhất.
 
 
 

Tờ Daily Telegraph dành cho phim 5/5 sao và gọi “Les Miserables” là “bom tấn” với những hiệu ứng cảm xúc đặc biệt khiến khán giả “nổ tung trong đau đớn, bùng cháy trong lãng mạn và vỡ òa vì những tình tiết đau tim”. Tờ Guardian nhận định “dù là những khán giả không say mê thể loại phim nhạc kịch, bạn vẫn sẽ bị bộ phim hấp dẫn tới mức có những trường đoạn như bị thôi miên”.

Lincoln

Xét về số lượng hạng mục đề cử, “Lincoln” của đạo diễn Steven Spielberg dẫn đầu (12 đề cử). Bộ phim lịch sử khắc hoạ lại cuộc đời vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ - Abraham Lincoln. Trước “Lincoln” đã có nhiều phim điện ảnh làm về vị Tổng thống tài ba lỗi lạc của Mỹ nhưng chưa có bộ phim nào mang tính hệ thống và đạt tầm cao xứng đáng với nhân vật mà nó khắc hoạ như “Lincoln” của đạo diễn Spielberg.
 
 
 
 
Tờ Chicago Sun-Times cho phim 4/4 sao và nhận định “điểm nhấn của phim nằm ở diễn xuất tuyệt vời của Daniel Day-Lewis, ông đã tạo cho nhân vật một sự tự tin điềm tĩnh, một sự kiên nhẫn thiện chí, một chính trị gia lỗi lạc hàng đầu nhưng vô cùng chân thực, không hề bị huyễn hoặc hay hình tượng hóa”.

Tờ Star Tribune nhận định “Lincoln” là một trong những dự án điện ảnh hiếm có hội tụ cả đạo diễn, diễn viên và biên kịch xuất sắc. “Đạo diễn Steven Spielberg, diễn viên Daniel Day-Lewis và biên kịch Tony Kushner đã làm nên một trong những tác phẩm điện ảnh thành công nhất, hội tụ cả tính báo chí - lịch sử”.

Amour

“Amour” là câu chuyện giản dị, xúc động về tình yêu trong những năm tháng cuối đời, khi tuổi già và bệnh tật làm người ta rệu rã. Ở “Amour” người xem thấy giá trị nhân văn của một bộ phim điện ảnh đích thực, không kỹ xảo hiện đại, không diễn viên trẻ đẹp nổi tiếng và cũng không ôm đồm những thông điệp lớn lao. “Amour” có sức lay động người xem bằng câu chuyện tình yêu giản dị, chân thật và đau đớn của cặp vợ chồng già khi họ phải đối diện với bệnh tật và chia lìa bằng cái chết.
 
 
 

Tại Oscar, phim giành được 5 đề cử, trong đó có 3 đề cử quan trọng gồm: Phim, Phim nói tiếng nước ngoài và Nữ diễn viên chính (Emmanuelle Riva) xuất sắc nhất. Phim cũng giành giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2012.

Tờ Guardian đánh giá “Amour đạt tới đỉnh cao trong việc phát triển tâm lý nhân vật, một cách tiếp cận đề tài thông minh và thể hiện sự am hiểu của người trong cuộc”. Tạp chí điện ảnh Total Film dành cho “Amour” 5/5 sao và nhận xét “đạo diễn Michael Haneke còn hơn cả lạnh lùng, ông đã đưa vào phim những kiến thức khoa học chuẩn xác về tâm sinh lý con người. Phim là một tác phẩm điện ảnh tinh tế chứa đựng đầy tính nhân văn làm xúc động trái tim người xem”.

 
Pi Uy