5 bộ phim đáng xem về tình phụ tử
(Dân trí) - Cha là người sinh thành, nuôi dưỡng, chở che, dạy bảo… Trong những hình dung đẹp đẽ nhất về cha, đề tài về tình phụ tử đã trở thành một mảng đề tài lớn cho điện ảnh.
Dưới đây là những bộ phim hay nói về tình phụ tử đã được thực hiện xuyên suốt trong tiến trình phát triển của điện ảnh, từ buổi sơ khai cho tới điện ảnh đương đại hôm nay.
The Kid (Đứa trẻ - 1921)
“Vua hài” Charlie Chaplin là cha của 10 người con nhưng ông không biết cha ruột của mình là ai. Sớm phải sống trong cảnh nghèo túng, không có cha mẹ ở bên, Charlie hiểu rất rõ nỗi khổ của một đứa trẻ nghèo bơ vơ.
Khi quyết định chuyển từ những phim hài ngắn sang phim điện ảnh dài, cậu thanh niên Charlie khi đó còn chưa có con, đã lựa chọn thực hiện bộ phim dài đầu tay “The Kid”. Phim khai thác câu chuyện cảm động về tình phụ tử giữa hai con người không cùng huyết thống.
Charlie hóa thân vào vai “gã lang thang” The Tramp tình cờ bắt gặp một đứa trẻ bị bỏ rơi. Charlie đã nhập vai anh chàng The Tramp vụng về rất thuyết phục, cố gắng xoay xở để nuôi lớn đứa trẻ và dạy dỗ cậu bé trở thành một con người tử tế.
Khi hai cha con đã thực sự gắn bó với nhau cũng là khi nhà chức trách nhận ra mối quan hệ không cùng huyết thống giữa họ, đứa trẻ bị đưa vào trại trẻ mồ côi. “The Kid” có những khoảnh khắc khóc và cười. Mối quan hệ giữa hai cha con được tạo ra một cách bất thường nhưng đã thực sự sưởi ấm cuộc đời của cả hai.
The Kid (Đứa trẻ - 1921)
Bicycle Thieves (Kẻ cắp xe đạp - 1948)
Làm cha không phải một hành trình đơn giản, đặc biệt khi trọng trách ấy bị đặt trong một bối cảnh đời sống nghèo khó, bần cùng, lúc đó trọng trách bỗng trở thành gánh nặng khó lòng đảm đương nổi. “Bicycle Thieves” lấy bối cảnh nước Ý ngay sau Thế chiến II. “Kẻ cắp xe đạp” là một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất của Ý.
Chuyện phim buồn bã xoay quanh người chồng, người cha của gia đình - anh Antonio, một người đàn ông đang tìm kiếm việc làm trong cơn tuyệt vọng, giữa bối cảnh đời sống xã hội ở Rome thời hậu chiến đang rất khó khăn.
Cuối cùng, Antonio cũng tìm được một công việc - đi dán poster phim xung quanh thành phố, dù vậy, công việc này đòi hỏi anh phải có xe đạp, nhưng Antonio lại không có xe. Vợ anh đành lấy những tấm ga giường đẹp đẽ - món đồ có giá trị cuối cùng của gia đình đem đi bán để có tiền cho chồng mua xe.
Dù vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi Antonio và cậu con trai Bruno bắt đầu công việc, có người đánh cắp mất chiếc xe đạp của hai bố con. Suốt cả ngày sau đó chứng kiến hai cha con tất tả đi khắp nơi tìm kiếm lại chiếc xe cho tới khi Antonio, vì quá tuyệt vọng, đã quyết định “đánh liều” một phen chỉ để nhận lại một vố đau đớn.
Bộ phim khiến trái tim người xem thắt lại khi cuộc sống gia đình đặt trong những biến động của thời cuộc đôi khi cũng vô cùng sóng gió và bi kịch. Điều cay đắng hơn nữa là tất cả tấn bi kịch đó diễn ra trước đôi mắt trẻ thơ.
Bicycle Thieves (Kẻ cắp xe đạp - 1948)
The Godfather (Bố già - 1972)
Lấy bối cảnh thành phố New York (Mỹ) thời kỳ hậu Thế chiến II, chuyện phim xoay quanh câu chuyện về gia đình mafia của ông trùm Vito Corleone. Sinh trưởng trong một gia đình có bối cảnh đời sống dị biệt, các con của ông trùm Vito đều có những nét bất thường, tất cả đều không khiến ông cảm thấy có gì đáng để hy vọng, ngoại trừ cậu con trai út Michael.
Michael là một thanh niên trẻ thông minh, điềm tĩnh, có giáo dục, từng tham gia quân đội. Anh là người con được ông trùm Vito hy vọng nhiều nhất và tin rằng sẽ có thể tự lực tồn tại, thoát khỏi hoạt động mafia của gia đình.
Dù vậy, khi ông trùm Vito rơi vào nguy khốn vì bị kẻ thù tấn công, Michael là người duy nhất có khả năng báo thù cho cha, từ đây, số phận của Michael đã bị định đoạt, dù thoạt tiên muốn trốn thoát khỏi hoạt động mafia của gia đình, nhưng cuối cùng, Michael buộc phải bước đi cùng một con đường như cha mình.
Loạt phim “Bố già” không chỉ là bộ phim làm về đề tài tội phạm, ý nghĩa nội dung của phim rộng lớn hơn thế nhiều. Đó câu chuyện về cách các thế hệ tạo ảnh hưởng tới nhau, cách những sợi dây liên kết trong gia đình có thể giằng buộc, bủa vây và bóp nghẹt tương lai số phận của các thành viên.
The Godfather (Bố già - 1972)
Kramer vs Kramer (Gà trống nuôi con - 1979)
Thập niên 1970 chứng kiến những đổi thay quan trọng trong quan niệm về gia đình truyền thống của người Mỹ. Trước đó, người ta vẫn còn coi chuyện ly hôn là đề tài cấm kỵ, và một khi chia tay, không có gì phải tranh cãi, con sẽ sống với mẹ, người cha sẽ chỉ có thể tới gặp con vào mỗi dịp cuối tuần. Sự việc luôn luôn bị xem như một bi kịch lớn.
Nhưng cùng với những đổi thay trong quan niệm xã hội, cách nhìn nhận đối với chuyện hôn nhân tan vỡ cũng dần đổi khác. Bộ phim “Gà trống nuôi con” ra mắt đã đạt được thành công lớn và khiến dư luận bấy giờ xôn xao. Phim từng đoạt giải Oscar cho Phim hay nhất.
Phim xoay quanh chuyên viên quảng cáo Ted Kramer - người đàn ông yêu công việc hơn gia đình. Một ngày, Ted trở về nhà với niềm sung sướng vì đạt được thành công mới trong công việc, nhưng bất ngờ vợ anh - Joanna - đòi ly hôn để đi tìm lại chính mình. Joanna để cậu con trai 5 tuổi Billy lại cho Ted nuôi nấng.
Trước đó, Ted hầu như không dành thời gian cho con, vì vậy, anh chẳng hiểu gì con, việc để hai cha con tự lo liệu cho nhau đã làm nảy sinh nhiều tình huống bi hài, nhưng rồi hai cha con dần học cách cùng nhau vượt qua, giúp nhau thực sự trưởng thành. Họ đã lần đầu tiên thực sự yêu thương nhau trước khi người mẹ quay lại và đón Billy về nuôi.
Một thông điệp quan trọng của bộ phim, đó là khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, không có bên nào hoàn hảo. Ted đã không phải một người chồng tốt, còn Joanna thì quá dễ từ bỏ, nhưng cả hai người họ đều yêu thương Billy. Cái kết khiến cả ba người đều có được và mất.
Dù hiện tại, “Gà trống nuôi con” có thể chỉ là một bộ phim làm về gia đình “quá đỗi bình thường”, nhưng đã có thời điểm đây là một bộ phim đột phá trong cách tiếp cập hôn nhân và đặc biệt là cách thể hiện vai trò của người cha trong gia đình hiện đại.
Kramer vs Kramer (Gà trống nuôi con - 1979)
Life is Beautiful (Cuộc sống tươi đẹp - 1997)
“Cuộc sống tươi đẹp” là một tác phẩm kinh điển khác của điện ảnh Ý. Bộ phim từng giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Chuyện phim lấy bối cảnh nước Ý trong thời kỳ Thế chiến II, người đàn ông Do Thái làm nghề bán sách - Guido - đã bị đưa tới trại tập trung cùng với cậu con trai nhỏ Giosue.
Guido vốn là một người hài hước và là một người cha yêu con. Nghĩ rằng con trai mình sẽ vô cùng sợ hãi trại tập trung nếu biết bản chất thật sự của nơi này, Guido quyết định vận dụng tất cả sức mạnh tinh thần để biến trại tập trung trở thành một trò chơi tưởng tượng thú vị nhằm “đánh lừa” cậu bé Giosue, khiến cậu khỏi hoảng sợ.
Toàn bộ phim là tiếng cười xen lẫn nước mắt, dù Guido cố gắng bao nhiêu để biến bi kịch thành hài kịch nhằm vỗ về cậu con trai, thì sự thực vẫn quá tàn khốc, cái kết đau nhói nhưng cũng chính ở đó, tình phụ tử đã giúp Guido ngay cả trong những giờ khắc bi kịch cuối cùng vẫn có thể tìm tới “vũ khí” là sự hài hước, để bảo vệ cho tâm hồn đứa con bé nhỏ.
Life is Beautiful (Cuộc sống tươi đẹp - 1997)
Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema