43 tỷ đồng trùng tu Ngọ Môn Huế

(Dân trí) – Sáng 21/3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã làm lễ khởi công trùng tu Ngọ Môn – Biểu tượng của di sản Huế với tổng số tiền trên 43 tỷ đồng, kéo dài 34 tháng cho giai đoạn 1.

Theo đó, chủ đầu tư của dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn giai đoạn 1” là Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Đơn vị tư vấn và thi công là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thuộc Bộ Xây dựng. Kinh phí dự án trên 43 tỷ đông.

Trong thời gian 34 tháng từ 21/3 đến 21/12/2015, nhiều hạng mục quan trọng sẽ được hoàn tất. Gồm phần nền Đài: bảo tồn, gia cố nền móng, vệ sinh khoa học thân Đài, hệ thống cửa và vòm cửa; Lầu Ngũ phụng: Tu bổ, phục hồi và lắp dựng khung chịu lực chính (cột, kèo, xuyên, trến), hệ dàn mái, ván, vách và liên ba, cửa các loại, trần, sàn, lan can. Phần trang trí tại lầu sẽ là phục hồi mái lợp hoàng lưu ly và thanh lưu ly, bờ nóc, bờ quyết trang trí hình rồng, giao, phục chế thiên hồ, màu sắc của các cấu kiện gỗ, hoa văn họa tiết trang trí bằng pháp lam.

Quang cảnh lễ khởi công Ngọ Môn tại lầu Ngũ Phụng
Quang cảnh lễ khởi công Ngọ Môn tại lầu Ngũ Phụng

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã yêu cầu các đơn vị trong quá trình thi công, giám sát, thiết kế phải phối hợp chặt chẽ, nắm vững nguyên tắc trùng tu. Thi công phải đúng kỹ thuật, trình tự và ứng xứ một cách đúng đắn nhất về nguyên tắc tu bổ di tích, hoàn thành đúng tiến độ.  

“Tại Ngọ Môn, chúng ta cần phải tiến hành tu bổ phục hồi, bảo tồn kết hợp với khai thác tham quan, giới thiệu công tác tu bổ theo đúng nguyên tắc bảo tồn cao nhất các giá trị nguyên gốc bằng các phương pháp truyền thống kết hợp kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, tôn tạo hoàn thiện tổng thể không gian cảnh quan trong khu vực” – ông Hải nhấn mạnh.

Vì hiện Ngọ Môn là công trình cực kỳ quan trọng của Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1993, là bộ mặt của Huế nên tất cả các khâu khi trùng tu phải thực hiện cực kỳ chặt chẽ, nghiêm ngặt. Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phát biểu tại buổi lễ cũng đã nhắc lại quá trình gian khổ được công nhận là di sản thế giới, và sự tuyệt vời của một di sản đồ sộ mà cha ông đã để lại Huế, trong đó có Ngọ Môn. Qua đó, yêu cầu mọi thành phần tham gia vào trùng tu Ngọ Môn phải cố gắng hết sức để không phụ lòng tiền nhân đi trước.

Phối cảnh toàn bộ không gian Ngọ Môn sau khi trùng tu
Phối cảnh toàn bộ không gian Ngọ Môn sau khi trùng tu

Ngọ Môn hiện đã xuống cấp đến mức nguy hiểm nhưng hàng ngày vẫn phải tiếp nhận một lượng du khách lớn. Các kết cấu chính của lầu Ngũ Phụng và Tả, Hữu Dực lâu 2 bên chủ yếu làm bằng gỗ, mái ngói nặng. Trải qua năm tháng đã có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Qua nhiều biến cố của lịch sử, Ngọ Môn hầu như chỉ được tu bổ mang tính chất gia cố bảo tồn cấp thiết, chưa tương xứng với giá trị của di tích.

Việc bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn, một di tích mang tính biểu tượng có giá trị quan trọng nhất bậc nhất về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trong hệ thống kiến trúc cung đình, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn là góp phần từng bước hoàn thiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại khu vực Đại Nội cũng như của quần thể di tích cố đô Huế.

Phối cảnh toàn bộ không gian Ngọ Môn sau khi trùng tu
Ông Ngô Hòa, PCT UBND tỉnh TT-Huế đánh trống khởi công dự án rất quan trọng về tầm vóc văn hóa của tỉnh nhà

Được xây dựng vào năm 1833 khi vua Minh Mạng cho quy hoạch lại tổng thể kiến trúc Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Ngọ Môn vừa là cửa chính của Hoàng Thành, vừa là lễ đài dùng trong các lễ lớn của triều đình như lễ Ban sóc (phát lịch hàng năm), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô (xướng danh các tiến sĩ tân khoa)… Đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại, trao quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 30/8/1945, chấm dứt thời kỳ phong kiến cuối cùng tại Việt Nam và chế độ quân chủ vua Nguyễn sau 143 năm cai trị đất nước (1802-1945).

Sau gần 2 thế kỷ tồn tại, Ngọ Môn đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Ngọ Môn là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mang đậm chất cung đình: trang trọng uy nghi, cân đối và hài hòa trong tổng thể kiến trúc của Hoàng thành Huế. Không những mang trên mình những vẻ đẹp tự thân mà còn là điểm nhấn cho quần thể kiến trúc cung đình ở đây. Công trình gần gũi với thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm tế nhị của con người xứ Huế. Ngọ Môn đã trở thành biểu tượng văn hóa của cố đô Huế. Chính vì vậy, Ngọ Môn là điểm tham quan du lịch không thể thiếu khi đến Huế với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển ngành du lịch, ngành công nghiệp không khói của tỉnh TT-Huế một cách bền vững. 

Dưới đây là những hình ảnh cuối cùng của Ngọ Môn cũ sáng 21/3 trước khi khởi công trùng tu:

Ngọ Môn nhìn từ lầu Ngũ Phụng đã bị chằng chống chuẩn bị trùng tu
Ngọ Môn nhìn từ lầu Ngũ Phụng đã bị chằng chống chuẩn bị trùng tu
Bộ vì kèo chạm trổ công phu
Bộ vì kèo chạm trổ công phu
Cột chống trong lầu Ngũ Phụng sơn đỏ với rồng thếp vàng đã bị phai màu qua thời gian
Cột chống trong lầu Ngũ Phụng sơn đỏ với rồng thếp vàng đã bị phai màu qua thời gian
Bộ trần gỗ chắc chắn dựng trên nền đá tảng ở lầu Ngũ Phụng hiện đã xuống cấp, rệu rã
Bộ trần gỗ chắc chắn dựng trên nền đá tảng ở lầu Ngũ Phụng hiện đã xuống cấp, rệu rã
Tả Dực lâu có thể sập bất cứ lúc nào
Tả Dực lâu có thể sập bất cứ lúc nào
Mái ngói thanh lưu ly với rêu phong
Mái ngói thanh lưu ly với rêu phong
Mái ngói thanh lưu ly với rêu phong
Trên lầu Ngũ Phụng có 1 bức tranh miêu tả một lễ trước Ngọ Môn xưa với đầy đủ vua, quan, binh lính, voi ngựa, người dân
Gạch ốp lan can tại Ngọ Môn
Gạch ốp lan can tại Ngọ Môn
Toàn cảnh Ngọ Môn - biểu tượng di sản Huế trong lòng mọi người và du khách
Toàn cảnh Ngọ Môn - biểu tượng di sản Huế trong lòng mọi người và du khách
Toàn cảnh Ngọ Môn - biểu tượng di sản Huế trong lòng mọi người và du khách
Sau khi trùng tu, Ngọ Môn hiện tại sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, phương án trùng tu bảo tồn theo nguyên gốc phải cực kỳ chặt chẽ, khoa học mới đưa lại một "Ngọ Môn như xưa" hoàn chỉnh

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm