28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1)

(Dân trí) - Trong lịch sử điện ảnh thế giới, mới chỉ có 28 bộ phim từng cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ ngoài phòng vé.

Khi giá vé ngoài rạp chiếu đang dần tăng và xuất hiện những loạt phim bom tấn siêu anh hùng đình đám ăn khách trên quy mô thế giới, những bộ phim cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ sẽ dần trở nên thường thấy hơn. Cho tới giờ, mới chỉ có 28 bộ phim trong lịch sử điện ảnh từng đạt tới mức doanh thu huyền thoại này.

Dưới đây là câu lạc bộ “những phim doanh số hơn một tỷ đô la Mỹ” của điện ảnh thế giới, hiện tại, câu lạc bộ này vừa gia nhập thêm một thành viên trong tháng 1 vừa qua và có tổng cộng 28 thành viên:

“Rogue One: A Star Wars Story” (Rogue One: Star Wars ngoại truyện - 2016)

Doanh thu: 1.034.000.000 đô la Mỹ (phim vẫn đang chiếu ngoài rạp ở nhiều nước)

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 1

“Rogue One” đã cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ doanh thu phòng vé trong những ngày cuối tháng 1 vừa qua và là bộ phim đầu tiên cán mốc doanh số huyền thoại trong năm 2017. Đây là một phần phim “ngoại truyện” không nằm trong mạch phim chính của loạt phim khoa học viễn tưởng “Star Wars”. Bộ phim đã đạt mức doanh số một tỷ đô la Mỹ trong ngày thứ 39 ra rạp.

Cho tới thời điểm hiện tại, những phim cán mốc doanh số hơn một tỷ đô la Mỹ vẫn được xem là những huyền thoại của phòng vé thế giới. Giờ đây câu lạc bộ “một tỷ đô la Mỹ” đó đã có thêm một thành viên mới gia nhập, đó là “Rogue One”. Hiện tại, Rogue One là phim thứ 28 trên thế giới có doanh thu phòng vé ở mức một tỷ đô la Mỹ trở lên (không xét tới yếu tố đồng tiền lạm phát).

“The Dark Knight” (Hiệp sĩ bóng đêm - 2008)

Doanh thu: 1.004.600.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 2

Dù là một phim bom tấn mang đậm yếu tố giải trí thị trường, nhưng “Hiệp sĩ bóng đêm” là một phim hiếm hoi thuộc dòng phim siêu anh hùng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và thậm chí được xem là một trong những phim hay nhất của điện ảnh những năm 2000, chưa kể đây là một trong những phim siêu anh hùng hay nhất từng được thực hiện.

Phim đã nhận được nhiều nhận xét tích cực và lập nhiều kỷ lục phòng vé. “Hiệp sĩ bóng đêm” xuất hiện trong danh sách top 10 phim hay nhất năm 2008 nhiều hơn bất cứ bộ phim nào khác.

Trước nay, có rất ít phim siêu anh hùng nhận được đề cử tại giải Oscar nhưng “Hiệp sĩ bóng đêm” đã làm được điều này, phim nhận được 8 đề cử, và giành về tượng vàng cho Nam phụ xuất sắc nhất - Heath Ledger - một điểm sáng về diễn xuất của phim.

6 tháng trước khi phim ra rạp, Ledger đã qua đời vì sốc thuốc ở tuổi 28, vai Joker mà Ledger đảm nhận trong phim được xem là một trong những vai diễn huyền thoại của nam diễn viên đoản mệnh.

“The Hobbit: An Unexpected Journey” (Người Hobbit: Hành trình bất ngờ - 2012)

Doanh thu: 1.021.100.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 3

Khi tập phim đầu tiên của loạt phim “The Hobbit” cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ, người ta đã kỳ vọng rằng những phần tiếp theo cũng sẽ “ăn nên làm ra” như vậy, nhưng “duyên ai phận nấy”, chỉ có duy nhất tập phim đầu này cán mốc doanh số huyền thoại, hai phần phim sau đó đều chỉ ngấp nghé con số một tỷ đô la Mỹ mà không thể nào cán mốc.

“Zootopia” (Phi vụ động trời - 2016)

Doanh thu: 1.023.800.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 4

“Zootopia” là một phim hoạt hình của Disney. Đây là một trong 4 phim hoạt hình Disney cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ.

“Alice In Wonderland” (Alice ở xứ sở thần tiên - 2010)

Doanh thu: 1.025.500.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 5

Khi bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney được đạo diễn Tim Burton làm sống lại trong một diện mạo mới của hoạt hình hiện đại “live-action”, “Alice ở xứ sở thần tiên” đã trở thành phim thứ 6 trong lịch sử điện ảnh cán mốc doanh số huyền thoại. Kể từ năm 2010 đến nay, đã có thêm hơn 20 phim gia nhập câu lạc bộ “một tỷ đô la Mỹ” của điện ảnh.

Dù “Alice ở xứ sở thần tiên” thành công là vậy, nhưng phần phim tiếp theo - “Alice Through the Looking Glass” (Alice ở xứ sở trong gương - 2016) lại là một phim làm ăn “bết bát” khi chỉ thu về gần 300 triệu đô la Mỹ từ mức đầu tư 170 triệu đô la Mỹ.

“Star Wars: Episode 1 - The Phantom Menace” (Chiến tranh giữa các vì sao - Phần I: Bóng ma đe dọa - 1999)

Doanh thu: 1.027.000.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 6

“Bóng ma đe dọa” là tập phim đầu tiên của loạt phim “Star Wars” cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ. Có được điều này là nhờ phim đã ra rạp lần thứ hai ở định dạng 3D hồi tháng 2/2012, tức 13 năm sau lần đầu ra rạp. Nếu không có lần tái xuất thứ hai ấy với doanh số thu về hơn 100 triệu đô la Mỹ, bộ phim đã khó lòng gia nhập câu lạc bộ “một tỷ đô la Mỹ”.

“Finding Dory” (Đi tìm Dory - 2016)

Doanh thu: 1.027.900.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 7

Người yêu điện ảnh đã đổ ra rạp trong mùa hè năm 2016 để xem phần phim hoạt hình tiếp theo của “Đi tìm Nemo”. Đây là phim hoạt hình thứ hai của năm 2016 cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ, trước đó có “Zootopia” (Phi vụ động trời). Doanh số phòng vé của “Đi tìm Dory” giúp phim trở thành phim hoạt hình có doanh thu lớn thứ 5 trong lịch sử điện ảnh.

“Jurassic Park” (Công viên kỷ Jura - 1993)

Doanh thu: 1.029.200.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 8

“Công viên kỷ Jura” có một lần tái xuất thứ hai ở định dạng 3D hồi năm 2013, ở thời điểm kỷ niệm tròn 20 năm ngày phim lần đầu ra rạp. Chính lần tái xuất thứ 2 này đã góp phần giúp nâng cao doanh thu phòng vé và đưa “Công viên kỷ Jura” cán mốc doanh số huyền thoại, gia nhập câu lạc bộ “một tỷ đô la Mỹ”.

“Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides” (Cướp biển Caribbe 4: Dòng chảy lạ - 2011)

Doanh thu: 1.045.700.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 9

Hiện tại đã có 4 phim “Cướp biển Caribbe” ra mắt khán giả (sắp tới sẽ là 5 phim). Hai trong số này đã gia nhập câu lạc bộ “một tỷ đô la Mỹ”. Bộ phim còn lại nằm… ngay bên dưới.

“Pirates of the Caribbean: Dead Man's Chest” (Cướp biển vùng Caribbean 2: Chiếc rương tử thần - 2006)

Doanh thu: 1.066.200.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 10

Hồi năm 2006, “Chiếc rương tử thần” chỉ mất có 3 tháng để cán mốc doanh số một tỷ đô la Mỹ. Tại thời điểm bấy giờ, phim đã lập kỷ lục là phim điện ảnh cán mốc doanh số huyền thoại nhanh nhất trong lịch sử điện ảnh.

“Toy Story 3” (Câu chuyện đồ chơi 3 - 2010)

Doanh thu: 1.067.000.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 11

Tập phim hoạt hình thứ 3 trong loạt phim “Toy Story” đã làm nên chuyện ngoài phòng vé, trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất của Pixar (một hãng phim thuộc sở hữu của Disney). Thành công của “Toy Story 3” đã giúp phần phim thứ 4 được đưa vào sản xuất sau nhiều lần trì hoãn. “Toy Story 4” dự kiến ra mắt năm 2019.

“The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy - 2012)

Doanh thu: 1.084.900.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 12

Trong loạt 3 phim làm về Người Dơi do đạo diễn Christopher Nolan dàn dựng, phần 2 và phần 3 đặc biệt thành công. Phần 2 “The Dark Knight” (Hiệp sĩ bóng đêm - 2008) đã được nhắc tới ở trên, phần 3 “The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy - 2012) còn thành công hơn - xét về doanh thu phòng vé.

Thành công này nằm ngoài sức tưởng tượng của nhà sản xuất khi đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ: một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra tại một rạp chiếu phim ở thành phố Aurora, bang Colorado, Mỹ, trong một xuất chiếu phim “Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy”, khiến cả thế giới khi đó rúng động.

“Transformers: Age of Extinction” (Transformers: Kỷ nguyên hủy diệt - 2014)

Doanh thu: 1.104.000.000 đô la Mỹ

28 bộ phim lẫy lừng lịch sử điện ảnh với doanh số… một tỷ đô la Mỹ (Bài 1) - 13

Bộ phim là một minh chứng cho thấy đánh giá của giới phê bình và sự tiếp nhận của người xem có thể rất khác biệt, thậm chí đối lập. Phim khi ra rạp đã bị giới phê bình chê bai tơi tả, cho rằng thời lượng quá dài, diễn xuất dở tệ, kịch bản chán ngán. Theo đánh giá của các chuyên trang điện ảnh, đây là bộ phim tệ nhất trong loạt phim “Transformers”.

Tại giải Mâm Xôi Vàng, phim nhận tới… 7 đề cử, trong đó có đề cử cho Phim tệ nhất và Phần phim tiếp theo tệ nhất, thậm chí, đạo diễn Michael Bay và nam diễn viên Kelsey Grammer còn lần lượt “giành giải” Đạo diễn tệ nhất và Nam phụ tệ nhất. Dù vậy, doanh thu của phim ngoài phòng vé thì… “không thể đùa”.

Người xem vẫn đổ ra rạp và khen ngợi phim bởi hiệu ứng hình ảnh cùng những pha hành động ngoạn mục, nhạc phim và diễn xuất của dàn diễn viên vẫn rất hấp dẫn trong mắt người xem. Điều hài hước chính là “Transformers: Kỷ nguyên hủy diệt” lại trở thành phim có doanh thu cao nhất năm 2014 và cao thứ 2 trong loạt phim “Transformers”.

Bích Ngọc
Theo Business Insider/Box Office Mojo