2012- năm nhiều nhà báo thiệt mạng nhất trong lịch sử

(Dân trí)– Năm 2012, thế giới chứng kiến 135 nhà báo thiệt mạng, 879 nhà báo bị bắt giam, 38 nhà báo bị bắt cóc, 73 nhà báo phải sống lưu vong ở nước ngoài và 1993 nhà báo bị tấn công hoặc đe doạ.

2012- năm nhiều nhà báo thiệt mạng nhất trong lịch sử


Nữ nhà báo kỳ cựu Marie Colvin của tờ The Sunday Times có trụ sở chính tại London đã thiệt mạng tại Syria hồi tháng 2 năm nay

Chưa năm nào chứng kiến nhiều phóng viên thiệt mạng như năm nay. Năm 2012, thế giới có tổng cộng 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thiệt mạng, cụ thể, có 88 nhà báo chuyên nghiệp, 47 nhà báo công dân.

Con số 88 nhà báo chuyên nghiệp bị thiệt mạng chứng kiến sự gia tăng đáng sợ - hơn 1/3 so với năm ngoái. Càng ngày, báo chí càng biết tới những “phóng viên công dân”, họ có thể không phải là phóng viên chiến trường chuyên nghiệp nhưng bằng những cách của mình, bằng sự thông thạo tình hình của mình, họ tìm mọi cách để ghi lại những bất ổn, xung đột đang diễn ra tại đất nước mình, và nhiều khi họ bị đàn áp thẳng tay.

Theo Ông Christophe Deloire, chủ tịch Hiệp hội Nhà báo không biên giới: “Số lượng nhà báo bị thiệt mạng trong năm nay phần nhiều do cuộc xung đột xảy ra tại Syria, những bất ổn ở Somalia và bạo lực ở Pakistan. Những người hành hung, gây thiệt mạng những nhà báo, phóng viên ảnh và quay phim hoạt động ngoài chiến trường thường không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào vì vậy tình hình càng tồi tệ hơn.”

Ở Syria, những thông tin về cuộc xung đột xảy ra rất ít lọt ra ngoài và gần như thế giới không thể được biết chính xác những gì đang diễn ra tại nơi đây nhưng những “phóng viên công dân” đã đưa tin và giúp thế giới được chứng kiến sự việc thông qua con mắt của người trong cuộc.

Những đoạn băng, hình ghi được dù không chuyên nghiệp và chỉ sử dụng những thiết bị đơn giản như điện thoại di động về cảnh hỗn chiến trên phố, người bị thương chờ được cấp cứu tại bệnh viện hay những thiệt hại bị gây ra bởi những cuộc đánh bom đã giúp những hãng thông tấn có thể khắc hoạ chân dung cuộc sống ở những khu vực bất ổn và nguy hiểm nhất.

“Nếu không có sự tham gia của họ, những thế lực phong toả thông tin có thể đã gây ra những hậu quả khôn lường. Nhờ những phóng viên này mà thế giới có thể thực hiện những hành động kịp thời để giúp trấn áp những thế lực nguy hiểm.”

Những thông tin giám sát chi tiết của lực lượng an ninh mạng đã cho phép các chính phủ có thể theo dõi ai là người đã đưa thông tin này lên mạng và họ hiện đang ở đâu. Từ đó, những hành động quân sự có thể kịp thời được thực hiện và can thiệp nếu cần thiết. Nhưng nếu những người này bị đe doạ, họ thường không được hỗ trợ kịp thời để có thể ra nước ngoài lánh nạn.

Trong khi các lực lượng vũ trang đổ lỗi cho sự hỗn loạn của các cuộc xung đột đã dẫn tới việc một số nhà báo bị thiệt mạng thì Hiệp hội Nhà báo không biên giới cho rằng những kẻ nổi loạn có thể đã lợi dụng hoàn cảnh để đứng sau những vụ sát hại nhà báo có chủ đích này. Năm nay, Syria bị coi là tử địa của các nhà báo. 17 nhà báo chuyên nghiệp, 44 nhà báo công dân và 4 cộng tác viên đã bị giết tại đất nước này trong năm nay.

Somalia là đất nước ẩn chứa nhiều nguy hiểm thứ hai đối với phóng viên, nơi đây đã chứng kiến sự ra đi của 18 nhà báo. Pakistan 10 nhà báo và Mexico 6 nhà báo. Không chỉ thiệt mạng vì đưa tin về những hành động quân sự, họ còn thiệt mạng trong quá trình theo sát những hoạt động tội phạm có tổ chức như buôn lậu hay buôn bán heroin.

Ngoài ra, theo con số thống kê của CNN, năm 2012 còn có 879 nhà báo bị bắt giam, 38 nhà báo bị bắt cóc, 73 nhà báo phải sống lưu vong ở nước ngoài và 1993 nhà báo bị tấn công hoặc đe doạ.

 
Pi Uy
Theo Huff Post