Năm 2012 là năm “không có gì để nói” về điện ảnh Việt. Thần sắc, tiếng nói của điện ảnh Việt năm 2012 đã được thể hiện rõ nét qua Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội tổ chức hồi cuối tháng 11 vừa qua. Báo chí đã nhắc nhiều đến bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng và Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Cát nóng chiếu khai mạc, Đam mê tham gia dự thi, nhưng cả hai đã mang đến cho điện ảnh Việt một gương mặt nhợt nhạt, thiếu sức sống, “ốm yếu” về cá tính tại LHP Quốc tế Hà Nội. Đặt cạnh những bộ phim của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hồng Kông… Những phim Việt thiếu hẳn một cái tôi sáng tạo, cái tôi mới lạ, cá tính. Cả Cát nóng- câu chuyện về công cuộc đổi mới của một khu resort và Đam mê với những mâu thuẫn nội tại của các cá nhân trong một gia đình hiện đại đều thể hiện lối tư duy đã cũ kỹ, sáo mòn.
Năm 2012, điện ảnh Việt lép vế “toàn tập” tại các rạp chiếu phim. Phim Mỹ, phim Hàn Quốc vẫn “làm mưa làm gió” thị trường điện ảnh Việt. Các rạp chiếu Việt Nam náo nức nhập những bom tấn của điện ảnh ngoại về quảng bá. Phim Việt chỉ giống như “ánh sáng le lói cuối đường hầm” với đôi ba dự án nhỏ lẻ. Scandal- Bí mật thảm đỏ, bộ phim mới của đạo diễn Victor Vũ được lăng-xê quảng bá rầm rộ, nhưng cũng nhanh chóng chìm nghỉm giữa sự “lũng đoạn” của phim Mỹ.
Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh khi ra rạp được kỳ vọng là một phim nghệ thuật có doanh thu, tuy nhiên, xét về tính nghệ thuật, Lấy chồng người ta chỉ được đánh giá là một bộ phim trung bình khá, có kịch bản tương đối tròn trịa, tuy nhiên không có gì đặc sắc.
Bên cạnh Scandal- Bí mật thảm đỏ, Lấy chồng người ta, những bộ phim khác như Nàng men chàng bóng… được ví như những “thảm họa” siêu nhảm của dòng phim giải trí Việt.
Nhiều dự án điện ảnh được triển khai bấm máy trong năm 2012 như Bước khẽ tới hạnh phúc (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Mùa hè lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải)… nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ra rạp.
Bộ phim được ví là thảm họa của năm 2012
Vẫn trông đợi vào lối làm ăn mùa vụ, điện ảnh Việt đang rục rịch chuẩn bị cho mùa phim Tết. Nhiều bộ phim điện ảnh đang được “ém quân” cho mùa làm ăn sôi động nhất trong năm là thị trường Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Nhưng, điểm danh những cái tên cho mùa phim Tết năm nay, đa số đều hứa hẹn những “thảm họa”, “siêu nhảm” mới chuẩn bị được “tung” ra.
Bế tắc với lối làm ăn mùa vụ, trào lưu làm phim “ăn xổi” chụp giật với thị trường, chỉ “tung quân” ồ ạt mùa Tết, phim Việt le lói, nhợt nhạt giữa thị trường phát hành tràn ngập phim ngoại.
Trả lời bên lề LHP Quốc tế Hà Nội 2012, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh có nói “Nếu cứ lấy đồng tiền làm mục đích, nếu cứ để đồng tiền chi phối điện ảnh, phim Việt sẽ đi về đâu? Chúng ta không thể trông chờ vào dòng phim bán lấy tiền. Nếu muốn giới thiệu điện ảnh Việt đến thế giới, phải là những câu chuyện đời sống, phải là những câu chuyện nhân văn, phải là những câu chuyện giàu giá trị văn hóa… Không thể giới thiệu với thế giới về điện ảnh Việt bằng những phim giải trí nhảm nhí, nhạt nhẽo sản xuất ra chỉ với mục đích kiếm tiền”.
Theo đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, điện ảnh Việt đang bị chi phối mạnh mẽ bởi đồng tiền. Các hãng tư nhân bỏ tiền làm phim chỉ "chăm chăm" tìm cách thu lợi nhuận. Những bộ phim nhảm nhí với dàn "chân dài", siêu xe, biệt thự hào nhoáng đang làm "mờ mắt" các nhà làm phim Việt. Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, đã đến lúc, những đạo diễn có tâm, có trách nhiệm với mỗi thước phim của mình cần tỉnh táo nhìn nhận lại những giá trị đích thực, những sứ mệnh đích thực của nghệ thuật điện ảnh.
Phim Việt lép vế hoàn toàn tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012
Trên thực tế, điện ảnh Việt đã bế tắc hàng thập kỷ nay khi bị "kẹt" giữa sức ép doanh thu và giá trị nghệ thuật. Các đạo diễn chia làm nhiều phe phái tranh cãi kịch liệt để tìm ra "chân lý" cuối cùng, nên làm phim nghệ thuật, hay nên làm những phim giải trí vui vẻ để kiếm tiền? Chính những cuộc tranh cãi nảy lửa đã đẩy điện ảnh Việt đi đến bế tắc. Một nền điện ảnh vốn đã ốm yếu nay càng thêm dặt dẹo, mất bản sắc, mất cá tính, quay cuồng giữa những giá trị ảo.
Mải mê tranh cãi, các nhà làm phim Việt quên mất rằng, các anh có thể làm bất kỳ bộ phim gì, với đề tài nào, mục đích là giải trí hay bán vé... Tất cả đều là quyền tự do sáng tạo của mỗi cá nhân. Khán giả chỉ cần một điều duy nhất, đó là một bộ phim chất lượng. Hẳn khi làm Đam mê, khi làm Cát nóng, cả đạo diễn Phi Tiến Sơn và đạo diễn Lê Hoàng đều tin chắc, họ đang chắt chiu cho một tác phẩm nghệ thuật đích thực, đầy tâm huyết, đầy nhân văn, nhưng khán giả xem xong chỉ thấy... toát mồ hôi!
Khi đứng trước một bộ phim, số đông khán giả đều không quan tâm đó là phim giải trí hay phim nghệ thuật, khán giả không dò xét xem phim đó làm ra với mục đích gì, khán giả chỉ muốn xem một bộ phim chất lượng. Chỉ mong câu chuyện được kể ra có thể chạm tới trái tim mình.
Tất nhiên, chất lượng phim đến đâu còn tùy thuộc vào tài năng và tự trọng của từng đạo diễn.
"Hơn bao giờ hết, điện ảnh Việt đang cần những tài năng để tái sinh, để vực dậy. Đừng tranh cãi làm gì, suy cho cùng, cái mà điện ảnh chúng ta đang thiếu nhất, chỉ là một chữ Tài"- một đạo diễn từng phát biểu.
Hào Hoa