17 tỉnh tham gia tổ chức Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ 2

(Dân trí) - Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ 2 dự kiến sẽ tổ chức trong 2 ngày của tháng 10/2016 tại tỉnh Hà Giang. 17 tỉnh có đông dân tộc Mông sẽ cùng chung tay tổ chức Ngày hội này.

Ngày hội nhằm thể hiện sự tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây là dịp để các tỉnh tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp các ngành và đồng bào dân tộc Mông về ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triến nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày hội do các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Hà Giang, các Sở VH,TT&DL các tỉnh tham gia Ngày hội phối hợp với các cơ quan có liên quan dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang.

Ngày hội văn hoá dân tộc Mông sẽ diễn ra cùng thời điểm với Lễ hội hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang. Ảnh: TL.
Ngày hội văn hoá dân tộc Mông sẽ diễn ra cùng thời điểm với Lễ hội hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang. Ảnh: TL.

Quy mô tổ chức Ngày hội gồm 17 tỉnh có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Với chủ đề là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển của đất nước”, Ngày hội sẽ diễn ra chính thức trong 2 ngày, dự kiến trước ngày 15/10/2016 tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây cũng là thời điểm trùng với Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ II năm 2016 vào đầu tháng 10/2016, thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ và đẹp nhất trong năm.

Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và hấp dẫn như: Festival khèn Mông; Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; Thi hát dân ca dân tộc Mông; Thi ẩm thực dân tộc Mông; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Mông; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc Mông, tái hiện lại cuộc sống sản xuất của người Mông như: cày trên nương đá, xếp tường rào đá, chế biến ẩm thực... Thi đấu một số một số môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mông.

Tại Lễ khai mạc Ngày hội, Ban tổ chức sẽ công bố các quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với một số di sản của dân tộc Mông.

Hà Tùng Long