17/61 tác phẩm gây quỹ hồi sinh Nhà Lang đã được bán
(Dân trí) - Theo thông tin từ họa sỹ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, đến thời điểm ngày 26/11, 17 tác phẩm đã được bán với trị giá gần 500 triệu đồng
Bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật ủng hộ nhà Lang đã khép lại Triển lãm “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nhưng lại mở ra những kỳ vọng và dự định mới với thái độ lạc quan và ý thức trân trọng văn hóa, lịch sử.
Họa sĩ Thành Chương, một trong những người nhiệt tình tham gia tổ chức triển lãm tiếp tục đánh giá cao tinh thần góp sức của đông đảo nghệ sĩ bằng thái độ “không vô can” và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Nhà sử học Dương Trung Quốc là người đầu tiên trả giá tác phẩm “Mùa thảo quả” của nhà điêu khắc Phạm Thái Bình với giá: 1.002 đô la. Ông chia sẻ: “Triển lãm “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” trong mấy ngày qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận và mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc, kết nối chúng ta hơn trên hành trình đóng góp cho văn hóa. Sự kiện này càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức trong dịp kỷ niệm 10 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23-11”.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội di sản văn hóa Việt Nam đại diện cho Hội tặng họa sĩ Vũ Đức Hiếu một món quà nhỏ với mong muốn một chút vào cuộc phục dựng nhà Lang. TS Trụ cho biết, hiện nay cả nước có 148 bảo tàng, trong đó có 25 bảo tàng ngoài công lập. Trong số này, Bảo tàng không gian văn hóa Mường và giám đốc Vũ Đức Hiếu được đánh giá cao về tâm huyết, hiệu quả bảo tồn văn hóa. Ông cũng chúc cho giấc mơ hồi sinh nhà Lang sớm thành hiện thực.
Là chủ nhân của tác phẩm được đấu giá cao nhất, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “57 họa sĩ, nhà điêu khắc ở cả 3 miền, thuộc 4 thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại góp mặt trong Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh” đã cho công chúng hình dung một bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật đương đại Việt Nam”.
Quan sát sự chuyển động của đời sống mỹ thuật Việt Nam thời gian qua, nhà nghiên cứu này cho biết, từ khoảng sau năm 1990, những biến động, bất an, sự bề bộn của đời sống xã hội hầu như ít được các nghệ sỹ thành danh từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước quan tâm.
“Sự bàng quan này là một vấn đề của mỹ thuật. Nó lấy đi sức sống của nghệ thuật vốn cần cọ sát liên tục với đời sống. Trong khi đó, những người trẻ thể hiện thái độ ráo riết hơn. Tuy nhiên, họ lại thiếu sự viễn vọng khi đưa nghệ thuật quá gần sự thật và đòi hỏi sự thật theo ý mình. Hai chiều kích khác nhau này cho thấy bức tranh nghệ thuật Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống cần lấp đầy,” họa sỹ Phan Cẩm Thượng cho hay.
“Cùng với số tiền do cộng đồng ủng hộ trong suốt năm 2015 vừa qua, ngày 27-11 tới, bảo tàng quyết định sẽ bắt đầu triển khai công tác phục dựng nhà Lang với mục tiêu phục hồi nguyên trạng”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ,
Số tác phẩm chưa bán từ triển lãm sẽ tiếp tục đươc giới thiệu trên website nhalang.muong.vn để kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng, nhằm đảo bảo cho tiến trình phục dựng di sản nhà Lang được thuận lợi.
Bài: Quỳnh Nguyên
Ảnh: BTC