100 năm Hoa hậu Mỹ Miss America: Liệu có đi thêm được 100 năm nữa?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Hoa hậu Mỹ Miss America đã đi qua 100 năm tổ chức. Liệu cuộc thi này có tồn tại thêm 100 năm nữa không? Đó là câu hỏi được sử dụng làm tiêu đề cho bài phân tích trên tờ tin tức USA Today (Mỹ).

100 năm Hoa hậu Mỹ Miss America: Liệu có đi thêm được 100 năm nữa? - 1

Cuộc thi Hoa hậu Mỹ đầu tiên được tổ chức vào ngày 8/9/1921. Trong ảnh, các thí sinh tham gia cuộc thi đầu tiên ấy đang xếp hàng để xuất hiện trước ban giám khảo (Ảnh: USA Today).

Cuộc thi Hoa hậu Mỹ Miss America đã đi tới năm tổ chức thứ 100, một câu hỏi đặt ra là liệu cuộc thi này có còn thực sự duy trì được tầm ảnh hưởng và có còn mối liên hệ chặt chẽ với đời sống đại chúng tại Mỹ nữa hay không.

Cuộc thi Miss America bắt đầu từ một cuộc thi nhan sắc được tổ chức tại thành phố Atlantic hồi năm 1921. Trước đó một năm, phụ nữ Mỹ vừa có quyền đi bầu cử. Vì vậy, cuộc thi này được tổ chức như một sự kiện có tính cộng hưởng trong làn sóng nữ quyền đang xuất hiện mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng Mỹ thời bấy giờ.  

Dù vậy, mức độ hào hứng của thí sinh tham gia cũng như số lượng người theo dõi cuộc thi đã dần sụt giảm kể từ thời kỳ hoàng kim của cuộc thi này hồi thập niên 1960.

Vào đêm thứ 5 tuần này theo giờ Mỹ, tân Hoa hậu Mỹ Miss America sẽ được xướng tên, nhưng khán giả sẽ chỉ có thể theo dõi qua kênh trực tuyến của đài NBC, chương trình sẽ không còn chiếu trên khung giờ vàng của sóng truyền hình nữa.

Dù có những băn khoăn, nhưng ban tổ chức của cuộc thi vẫn tin rằng cuộc thi này rồi sẽ đổi thay qua thời gian và sẽ luôn đồng hành cùng phái đẹp. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ Miss America cũng nhấn mạnh rằng họ là đơn vị trao đi rất nhiều suất học bổng hỗ trợ cho việc học tập của các nữ giới tham gia cuộc thi.

100 năm Hoa hậu Mỹ Miss America: Liệu có đi thêm được 100 năm nữa? - 2

Thuở ban đầu, cuộc thi chia ra thành hai hạng mục Inter-City và Bather's Revue. Inter-City dành cho những người đẹp "không chuyên", còn các người mẫu và diễn viên chuyên nghiệp sẽ tham gia hạng mục Bather's Revue, để rồi những thí sinh có điểm cao nhất ở hai hạng mục sẽ cùng tranh tài ở vòng cuối, tìm ra Hoa hậu (Ảnh: USA Today).

Cuộc thi Miss America được xem là đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều nữ giới, mở ra những cánh cửa mới cho họ trong công việc và cuộc sống.

Hoa hậu Mỹ Miss America 2004 - cô Ericka Dunlap cũng từng nhận được một suất học bổng từ cuộc thi và đã tốt nghiệp Đại học mà không phải chịu gánh nặng nợ nần học phí, sau khi ra trường, cô đã thành lập một công ty truyền thông và có một sự nghiệp ổn định.

Chia sẻ về cuộc thi, cô Ericka Dunlap nhận định: "Tôi nghĩ một số người đã hiểu sai rằng cuộc thi Hoa hậu Mỹ Miss America cũng chỉ là một nơi để các người đẹp trưng diện và cố làm sao để bản thân nổi bật, thật hoàn hảo trên sân khấu, nhưng chắc chắn cuộc thi không chỉ có vậy...".

Áp lực đến từ sự đổi thay, làm mới

Trong khi cuộc thi nỗ lực để làm mới qua thời gian, cũng có một số ý kiến cho rằng cuộc thi này đã dần để mất đi những gì thuộc về sự tinh túy, cốt lõi ban đầu.

Các fan của cuộc thi hiện tại chia thành hai nhóm xung quanh định hướng phát triển của cuộc thi. Một nhóm muốn cuộc thi vẫn tiếp tục đề cao vẻ đẹp nhan sắc và hình thể, một nhóm muốn cuộc thi đề cao tài năng, tố chất của các người đẹp.

Bên cạnh đó, cuộc thi Miss America cũng đang phải đối diện với áp lực cần gia tăng sự đa dạng trong vẻ đẹp của các thí sinh, để thể hiện quan điểm văn minh tiến bộ. Những điều này khiến cuộc thi Miss America đang phải chịu áp lực lớn về những bước đi tiếp theo.

100 năm Hoa hậu Mỹ Miss America: Liệu có đi thêm được 100 năm nữa? - 3

Hoa hậu đầu tiên của cuộc thi - Margaret Gorman được trao danh hiệu "Nàng tiên cá vàng". Thời ấy, biểu tượng chiến thắng là một chiếc chìa khóa được thị trưởng thành phố trao cho người đẹp giành chiến thắng cao nhất với hàm ý đây là chiếc chìa khóa mở ra tương lai vận hội cho cả thành phố và người đẹp (Ảnh: USA Today). 

Từ thập niên 1930 tới thập niên 1950, quy định tại cuộc thi Miss America từng yêu cầu các thí sinh "phải là phụ nữ da trắng". Năm 1968, cuộc thi Hoa hậu Mỹ Da đen (Miss Black America Contest) đã được tổ chức để thể hiện sự phản đối trước quy định này. Sau đó, cuộc thi Miss America đã dần tiếp thu và sửa đổi.

Tới năm 1984, Hoa hậu da đen đầu tiên được trao vương miện tại cuộc thi Miss America, đó là cô Vanessa Williams. Sau cùng, đã có ít nhất 11 người đẹp không phải phụ nữ da trắng từng giành được vương miện tại cuộc thi.

Chủ tịch kiêm CEO của Miss America - bà Shantel Krebs khẳng định rằng cuộc thi Miss America luôn đề cao vẻ đẹp đa dạng, sự bình đẳng, tính công bằng. Bà Krebs cũng đánh giá cuộc thi đã luôn phản ánh những vấn đề thời sự trong xã hội Mỹ suốt 100 năm qua.

Kể từ năm 2018, cuộc thi Miss America đã loại bỏ phần thi áo tắm, trước sự đổi thay này, có nhiều ý kiến tranh luận. Có những người cho rằng đây là sự thay đổi giúp cho cuộc thi trở nên hiện đại hơn, nhưng cũng nhiều người phản đối quyết định này vì khiến cuộc thi mất đi một phần sức hấp dẫn.

Dù cuộc thi không ngừng nỗ lực làm mới là vậy, nhưng người đẹp da màu từng giành vương miện Hoa hậu Mỹ Miss America 2004 - cô Ericka Dunlap vẫn cho rằng cuộc thi cần nỗ lực hơn nữa trong việc gia tăng sự đa dạng của thí sinh, để có thể thực sự đồng hành cùng nữ giới.

Nhiều phụ nữ da màu tại Mỹ cảm thấy khó có thể tham gia vào hệ thống các cuộc thi nhan sắc ngay từ cấp độ địa phương, bởi chi phí để tham gia các cuộc thi này vẫn khá cao và họ khó lòng trang trải nổi. Ví dụ, khi tham gia, thí sinh sẽ phải sẵn sàng chi phí cho phục trang, trang điểm, làm tóc, chi phí tự chuẩn bị cho phần thi tài năng...

Nếu cuộc thi có giải pháp để hỗ trợ thí sinh chi phí tham gia ngay từ vòng thi ở cấp độ địa phương, nhiều cô gái sẽ có cơ hội tham gia, từ đó, họ sẽ có thêm những cơ hội thay đổi cuộc đời nếu có thể tiến sâu và được trao học bổng tại cuộc thi.

Từ chiếu trên truyền hình chuyển sang chiếu trực tuyến

100 năm Hoa hậu Mỹ Miss America: Liệu có đi thêm được 100 năm nữa? - 4

Người chiến thắng đầu tiên tại cuộc thi Miss America là Hoa hậu Margaret Gorman đến từ thủ đô Washington. Khi tham gia cuộc thi, Gorman mới 16 tuổi. Giờ đây, thí sinh tham gia ít nhất phải đủ 17 tuổi và không được quá 25 tuổi (Ảnh: USA Today).

Hiện tại, trước quyết định đưa đêm thi chung kết của Miss America lên nền tảng trực tuyến của đài NBC, người ta đang có nhiều sự lo ngại, rằng liệu đây có phải là một tín hiệu về "số phận" của cuộc thi này hay không, bởi chương trình sẽ không còn chiếu trên sóng truyền hình theo phương thức truyền thống nữa.

Dù vậy, bà Krebs khẳng định rằng quyết định đưa cuộc thi đến với khán giả thông qua hình thức trực tuyến chính là lựa chọn của ban tổ chức cuộc thi và không hề liên quan gì tới vấn đề tỉ suất người xem truyền hình.

Năm 2019, đêm chung kết Miss America chiếu trên sóng truyền hình của đài NBC đã thu hút 3,6 triệu lượt xem, đây là con số... thấp nhất từng thấy. Ở thời kỳ hoàng kim của cuộc thi, như hồi năm 1954, đã có tới 27 triệu lượt khán giả theo dõi đêm thi chung kết.

Bà Krebs giải thích: "Nếu chúng tôi muốn cuộc thi tồn tại thêm 100 năm nữa, chúng tôi phải nghĩ tới nền tảng trực tuyến bởi tương lai của cuộc thi nằm ở đó". Hiện tại, cuộc thi hướng tới đối tượng khán giả trẻ và người trẻ quan tâm nhiều tới các nội dung trực tuyến. Đó là lý do của sự chuyển dịch này.

Việc cuộc thi chuyển sang hình thức chiếu trực tuyến khiến nhiều người cảm thấy lo ngại rằng đây có thể là một bước lùi của cuộc thi vốn được xem là "show truyền hình thực tế đầu tiên" của Mỹ, cuộc thi đã bắt đầu phát trực tiếp trên truyền hình Mỹ kể từ năm 1954.

Để biết liệu cuộc thi Miss America có thể đi tiếp 100 năm nữa hay không, cần thêm thời gian mới có được câu trả lời, và câu trả lời ấy sẽ bắt đầu được quan sát kể từ đêm chung kết năm nay, đêm chung kết đánh dấu tròn 100 năm ngày cuộc thi Miss America ra mắt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm