10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông

(Dân trí) - Sức nóng của bộ phim võ thuật “Diệp Vấn 3” ngoài rạp chiếu những ngày này khiến dòng phim võ thuật Hồng Kông như được tiếp thêm sinh khí. Đối với thế giới điện ảnh phương Tây, đây chính là một trong những diện mạo đặc sắc nhất của điện ảnh Châu Á.

Đối với giới điện ảnh phương Tây, phim kinh dị của Nhật Bản, phim tội phạm của Hàn Quốc, và phim ca nhạc của Ấn Độ góp phần tạo nên diện mạo điện ảnh Châu Á. Tuy vậy, sẽ là không đầy đủ nếu bỏ quên phim võ thuật của Hồng Kông.

Bắt đầu từ thập niên 1960, những bộ phim hành động đầu tiên được thực hiện bởi hãng phim Thiệu Thị huynh đệ, sau đó là những phim của Lý Tiểu Long, của Thành Long, đã tạo nên một dòng phim “kung fu” hấp dẫn cả khán giả phương Tây.

Thời gian trôi qua, dòng phim võ thuật Hồng Kông chứng kiến sự góp mặt của những nhà sản xuất phim mới như Đỗ Kỳ Phong, Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm. Họ khai thác những pha đấu súng thay vì võ thuật truyền thống và tạo nên một nét mới trong dòng phim hành động Hồng Kông.

Tuy vậy, dòng phim võ thuật chính cống đậm chất “cine” vẫn tiếp tục phát triển với sự nổi lên của những cái tên như Lý Liên Kiệt, Lưu Đức Hoa, Chân Tử Đan. Những cái tên này cho tới giờ vẫn còn sức hút rất lớn.

Dưới đây là những phim võ thuật Hồng Kông đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người yêu điện ảnh:

Loạt phim “Ip Man” (Diệp Vấn - từ 2008 đến 2015)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 1

Loạt phim 3 phần xoay quanh người thầy của diễn viên võ thuật nổi tiếng thế giới Lý Tiểu Long, cũng là gương mặt nổi bật của môn võ Vĩnh Xuân - sư phụ Diệp Vấn. Chính qua loạt phim này, nhiều người đã hiểu và yêu môn võ chứa đựng đầy triết lý.

Tập phim đầu tiên sản xuất năm 2008 lấy bối cảnh ở Phật Sơn - một thành phố ở miền đông nam Trung Quốc, nơi vốn được coi là cái nôi của võ học Trung Hoa. Võ sư Diệp Vấn là một người đức cao vọng trọng, được nể phục khắp vùng.

Dù vậy, Diệp Vấn rất khiêm tốn, luôn lánh xa những cuộc tỷ thí võ nghệ. Các sự việc trong cuộc sống thường nhật và cả những đổi thay của bối cảnh lịch sử đã tạo nên những tình huống buộc một con người vốn không ưa khuếch trương phải bước vào những cuộc phân tranh cao thấp.

Người xem sẽ bị cuốn hút bởi những màn đấu võ của Diệp Vấn. Dù bộ phim làm về một nhân vật có thật, nhưng nội dung đã được biến tấu nhiều. Thành công của phim nằm ở việc nó đã phản ánh được thời cuộc lịch sử một cách mềm mại và hấp dẫn.

Trailer "Diệp Vấn 3" (2015)

Nhắc đến Chân Tử Đan, người ta sẽ nhắc ngay đến vai diễn đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nam diễn viên 52 tuổi này - Diệp Vấn. Chính nhờ loạt phim này mà tên tuổi của Chân Tử Đan càng được nhiều người yêu điện ảnh trên thế giới biết tới.

Không thể phủ nhận vai diễn Diệp Vấn như được “đo ni đóng giày” cho Chân Tử Đan khiến người ta tin rằng không ai có thể đảm nhận vai diễn này thành công như họ Chân.

Dragon (Võ hiệp - 2011)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 2

“Võ hiệp” là phim đem lại sự khởi sắc cho dòng phim võ thuật Hồng Kông sau vài năm trầm lắng. Chuyện phim xoay quanh một võ sư đã về ở ẩn tại một ngôi làng nhỏ cùng vợ con, bỏ lại tất cả quá khứ phía sau để sống một cuộc đời mới yên ả hơn.

Tuy vậy, một vụ cướp xảy ra đã khiến võ sư này buộc phải ra tay hành động cứu người lương thiện. Cái chết của hai tên tội phạm đã khiến vị võ sư không thể quy ẩn được nữa. Đạo diễn Trần Khả Tân đã pha trộn chất rùng rợn vào trong bộ phim võ thuật của mình, đưa lại một bộ phim kịch tính, gay cấn.

Trailer "Võ hiệp" (2011)

7 Swords (Thất Kiếm - 2005)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 3

“Thất Kiếm” là bộ phim chứng kiến sự trở lại đầy thuyết phục của đạo diễn nổi tiếng - Từ Khắc. Dưới triều nhà Thanh, có một thời kỳ dân thường không được phép học võ. Binh lính triều đình lợi dụng việc thực thi luật pháp để đàn áp dân chúng, giết hại nhiều võ sư, võ sinh và dân thường vô tội. Một đội gồm 7 võ sư đã quyết định ra tay ngăn chặn sự tàn bạo của binh lính.

Đạo diễn Từ Khắc không chỉ tập trung vào những màn võ thuật mà còn xây dựng một chuyện phim có nội dung dày dặn, tuy vậy, cách liên kết bị đánh giá là lỏng lẻo, vì vậy, phim có những chỗ khá khó hiểu. Sau tất cả, “Thất Kiếm” vẫn được xem là một phim võ thuật hay. Tiết tấu phim chậm, mang vẻ trữ tình hiếm thấy.

Những pha hành động trong phim càng về sau càng trở nên ấn tượng khi các nút thắt dần được mở ra, những pha đánh võ đẹp nhất sẽ đến ở 15 phút cuối phim.

SPL (Sát Phá Lang - 2005)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 4

Chuyện phim xoay quanh thanh tra Trần và mục tiêu lớn nhất cuộc đời của anh - bắt tên tội phạm khét tiếng Vương Phá ra chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vì mục tiêu này, cuộc đời của thanh tra Trần đã phải trải qua nhiều phen điêu đứng, mất mát. Liệu cuối cùng chính có thể thắng được tà khi chính thì quá non yếu còn tà lại quá hùng mạnh?

“Sát Phá Lang” có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao phim võ thuật Chân Tử Đan, ngoài ra còn có những gương mặt ấn tượng khác như Ngô Kinh, Hồng Kim Bảo và Nhậm Đạt Hoa. Sự hợp tác giữa các ngôi sao phim võ thuật thuộc hai thế hệ đã đưa lại cho bộ phim một sự cân bằng, vừa có được sự kịch tính hiện đại trong mạch phim, vừa trưng trổ được võ thuật truyền thống.

Fist of Legend (Tinh Võ anh hùng - 1994)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 5

Đây là bộ phim làm lại của “Fist of Fury” (Tinh Võ Môn - 1972) với diễn xuất chính của Lý Tiểu Long. “Tinh Võ anh hùng” khắc họa một nhân vật hư cấu nổi tiếng trong dòng phim võ thuật Hồng Kông - Trần Chân. Đây được coi là một trong những phim hay nhất của nam chính Lý Liên Kiệt và chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình.

Trần Chân sau khi hay tin một võ sĩ người Nhật đã ra tay sát hại sư phụ của mình trong một cuộc tỷ thí không công bằng đã quyết định trở về trả thù cho thầy.

“Tinh Võ anh hùng” là một phim võ thuật điển hình của phim võ thuật Hồng Kông khi xây dựng hình ảnh anh hùng nghĩa hiệp, ra tay diệt ác; thêm vào đó, tất cả đạo diễn, kịch bản và diễn xuất đều tập trung vào những pha đấu võ, tất cả mọi tình tiết diễn ra trong phim đều để dẫn tới những pha hành động trưng trổ võ nghệ.

Trailer "Tinh Võ anh hùng" (1994)

Once Upon A Time in China 2 (Hoàng Phi Hồng 2: Nam nhi đương tự cường - 1992)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 6

Lý Liên Kiệt - gương mặt nổi bật trong dòng phim võ thuật Hồng Kông - còn xuất hiện trong “Hoàng Phi Hồng 2: Nam nhi đương tự cường” - tập phim thành công nhất trong loạt 6 tập phim trứ danh làm về Hoàng Phi Hồng.

Phần 2 này được chỉ đạo võ thuật bởi Viên Hòa Bình - vị đạo diễn nổi danh hàng đầu Hồng Kông, vì vậy, hiệu ứng tạo nên từ những cảnh đấu võ trong phim cũng gây ấn tượng mạnh mẽ. Viên Hòa Bình về sau còn tham gia thực hiện những bộ phim nổi tiếng như “Ma trận” (1999), “Ngọa hổ tàng long” (2000) hay “Cô dâu báo thù” (2003)…

Sự hợp tác giữa Viên Hòa Bình với hai ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan cùng đạo diễn Từ Khắc đã tạo nên một bộ phim điện ảnh võ thuật thuộc vào hàng đỉnh cao. Những cuộc tỷ thí giữa Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan trong tập phim này cũng được xem là những cảnh đấu võ hay nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Lý Liên Kiệt.

Project A (Kế hoạch A - 1983)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 7

Chuyện phim trong “Kế hoạch A” xoay quanh Mã Long cùng các đồng đội trong lực lượng tuần duyên dọc bờ biển Hồng Kông. Họ theo đuổi cuộc chiến không cân sức với bọn hải tặc và xây dựng phương án tấn công bí mật mang tên Kế hoạch A.

Phim có sự tham gia diễn xuất của những tên tuổi lớn trong dòng phim võ thuật Hồng Kông gồm Thành Long, Hồng Kim Bảo, Nguyên Bưu. Tất cả các pha hành động trong phim đều gây được hiệu ứng mạnh đối với người xem. “Kế hoạch A” đã rất thành công ngoài rạp chiếu Hồng Kông và được yêu thích tại nhiều nước Đông Nam Á ở thời điểm bấy giờ.

Trailer "Kế hoạch A" (1983)

Drunken Master (Túy Quyền - 1978)

Đây là một phim do Viên Hòa Bình đạo diễn - người được xem là tài năng hàng đầu trong dòng phim võ thuật Hồng Kông. Viên Hòa Bình đã khởi nghiệp đạo diễn với “Túy Quyền”.

Khi đóng “Túy Quyền”, nam chính Thành Long đã được xem là người kế vị Lý Tiểu Long. Cho tới giờ, “Túy Quyền” vẫn được xem là một trong những phim xuất sắc nhất của Thành Long, hội đủ tất cả những tố chất riêng của nam diễn viên này.

Trong phim, Thành Long vào vai Hoàng Phi Hồng, tuy vậy, khác với những phim trước đó, Hoàng Phi Hồng của Thành Long vừa đánh võ hay vừa có chất hài, khiến người xem thích thú từ đầu tới cuối. Những màn trưng trổ võ thuật của Thành Long cũng chân thực, sống động và hiện đại hơn, không mang nặng sự phô diễn như các bộ phim võ thuật thường thấy trước đó.

Trailer "Túy Quyền" (1978)

Enter the Dragon (Long tranh hổ đấu - 1973)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 8

Bộ phim được làm ra để trở thành huyền thoại bởi đây là bộ phim nói tiếng Anh duy nhất của Lý Tiểu Long, cũng là bộ phim cuối cùng của ngôi sao võ thuật bởi anh đã qua đời từ trước khi bộ phim hoàn thành. Một nét đặc biệt nữa là đạo diễn của phim - Robert Clouse (người Mỹ) - vốn bị khiếm thính.

Trong phim, Lý Tiểu Long vào vai Lý - một để tử Thiếu Lâm vâng lời sư phụ đi trừng phạt kẻ phản bội sư môn. Hay tin chị gái mình đã bị chính băng nhóm của tên phản đồ hại chết, Lý quyết định bằng mọi cách phải trả thù.

Thông qua “Long tranh hổ đấu”, Lý Tiểu Long đã bày tỏ một số quan điểm về võ thuật của mình, đúng như mong ước của anh lúc sinh thời là dùng điện ảnh để truyền bá võ thuật. Về sau, phim được làm lại với tên mới “Fist of Legend” do Lý Liên Kiệt thủ vai chính. Bộ phim làm lại cũng rất xuất sắc và được xem là một trong những đỉnh cao của phim võ thuật Hồng Kông.

Trailer "Long tranh hổ đấu" (1973)

One-Armed Swordsman (Độc tí đao - 1967)

10 phim võ thuật kinh điển của điện ảnh Hồng Kông - 9

Hãng phim Thiệu Thị huynh đệ có công rất lớn đối với dòng phim võ thuật Hồng Kông và được coi là “ông tổ” của dòng phim này. “Độc tí đao” được thực hiện trong thời kỳ hoàng kim của hãng phim - hồi thập niên 1960 - khi họ có tới 35 công ty con, 130 rạp chiếu, 9 công viên và 3 xưởng phim.

“Độc tí đao” là phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông đạt mức doanh thu 1 triệu đô la Hồng Kông. Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Phương Cương. Cha của Phương Cương là gia nhân của sư phụ Tề, ông đã hy sinh tính mạng để bảo vệ sư phụ, nên Phương Cương được sư phụ Tề nhận làm đệ tử.

Nhưng Phương Cương lại bị các huynh đệ ức hiếp rồi lại bị con gái của sư phụ Tề chặt đứt cánh tay. Anh bỏ đi và được Tiểu Mạn, một cô gái miền quê cưu mang. Cô tặng anh cuốn bí kíp võ nghệ do cha cô để lại. Bộ phim dù không thật xuất sắc nhưng đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của dòng phim võ thuật Hồng Kông trong buổi sơ khai.

Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm