10 phim nổi tiếng bị... "cấm vận"
(Dân trí) - Nhiều bộ phim nổi tiếng, được đánh giá cao tại Oscar, nhưng những tranh cãi xung quanh các tác phẩm kinh điển này vẫn khiến phim bị cấm chiếu tại một số quốc gia.
“All Quiet on the Western Front” (Mặt trận miền Tây bình yên - 1930)
Phim giành được 4 đề cử tại giải Oscar và rinh về hai giải, gồm Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Trong phim, nam diễn viên Lew Ayres vào vai một quân nhân Đức bị vỡ mộng khi phát hiện ra tính chất phi nghĩa của Thế chiến I.
Bộ phim khi đó vẫn được phép ra rạp ở Đức nhưng người ta đã âm thầm thả chuột vào trong rạp chiếu phim để dọa người xem và chỉ một thời gian ngắn sau thì phim ngừng chiếu. Ngoài ra, phim cũng bị cấm chiếu tại Ý cho tới tận năm 1956 nước này mới dỡ bỏ lệnh cấm.
“Mildred Pierce” (1945)
Vật lộn với cuộc sống khó khăn trong thời kỳ Đại Suy thoái, người phụ nữ đã ly hôn một lần - Mildred Pierce Beragon không biết làm thế nào để thỏa mãn tham vọng thăng tiến của cô con gái ngoài cách kết hôn với một người đàn ông chơi bời nhưng có thế lực với hy vọng có thể đổi đời cho cả hai mẹ con.
Đáng tiếc, cô con gái của Mildred Pierce vì bị ám ảnh bởi danh vọng đã tán tỉnh cả bố dượng. Một chuyện phim như vậy trong thời đại ngày nay sẽ không gây tranh luận gì to tát nhưng ngày đó, cuốn tiểu thuyết của tác giả James M. Cain đã bị cấm phát hành tại thành phố Boston, Mỹ và đương nhiên bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cũng bị cấm. Ireland khi đó cũng ra lệnh cấm chiếu đối với “Mildred Pierce”.
Tuy vậy, bất chấp dư luận, phim vẫn giành được 6 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Phim, Nữ diễn viên phụ, Kịch bản chuyển thể và Phim đen trắng xuất sắc nhất. Nữ diễn viên chính trong phim - Joan Crawford đã giành được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
“Cleopatra” (1963)
Phim từng giành được 9 đề cử tại giải Oscar và rinh về 4 giải, trong đó, “Cleopatra” còn được đề cử ở hạng mục quan trọng như Phim hay nhất. Tuy vậy, phim bị cấm chiếu tại Ai Cập và nhiều rạp chiếu của Mỹ vì những lý do bên lề.
Ai Cập cho rằng nữ diễn viên Elizabeth Taylor, người vào vai Nữ hoàng Cleopatra là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái còn các tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Mỹ lại cho rằng tư cách đạo đức của cặp diễn viên chính trong phim là quá tồi tệ, vì vậy, phim cần phải bị tẩy chay.
Việc nam diễn viên Richard Burton phải lòng nữ diễn viên Elizabeth Taylor trên phim trường và ngay lập tức ly hôn vợ để kết hôn với Taylor khi đó bị cho là một hành động vô đạo đức, không thể chấp nhận đối với những người sùng đạo.
“A Clockwork Orange” (Cỗ máy con người - 1971)
Bộ phim giành được 4 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Phim hay nhất nhưng vì chuyện phim khá bạo lực nên một số nước như Ireland, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Tây Ban Nha đã cấm chiếu ngoài rạp.
Dù chuyện này chưa bao giờ được khẳng định nhưng người ta đồn đại rằng bộ phim bất ngờ bị đạo diễn Stanely Kubrick rút khỏi các rạp chiếu ở Anh bởi ông và gia đình thậm chí đã bị gửi thư nặc danh đe dọa.
“Last Tango in Paris” (Bản tango cuối cùng ở Paris - 1972)
Đạo diễn Bernardo Bertolucci đã nhận được một đề cử tại giải Oscar với phim “Last Tango in Paris”. Chuyện phim kể về mối tình kỳ lạ giữa một người đàn ông Mỹ góa vợ và một phụ nữ trẻ người Pháp. Bộ phim khi đó đã gây ra khá nhiều tranh cãi vì những cảnh yêu đương, ân ái quá táo bạo.
Ngày nay, những chi tiết táo bạo từng được đề cập trong phim sẽ chẳng là gì so với những bộ phim “nặng đô” khác nhưng ngày đó, tòa án ở Bologna, Ý thậm chí đã ra một đạo luật cấm chiếu bộ phim. Bên cạnh đó, những nước như Singapore, New Zealand, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc cũng không chấp nhận chiếu "Last Tango in Paris" tại đất nước mình.
“The Exorcist” (Quỷ ám - 1973)
Những nhà kiểm duyệt ở Malaysia, Singapore và một số vùng ở Anh đã quá sợ hãi trước bộ phim kinh dị kể về một cô bé bị ma ám đến mức họ đã ra lệnh cấm chiếu bộ phim này. Tuy vậy, “The Exorcist” nhận được tới 10 đề cử tại giải Oscar trong đó có đề cử cho Phim hay nhất.
“The Tin Drum” (Chiếc trống thiếc - 1979)
Được chuyển thể từ cuốn truyện nổi tiếng của nhà văn Gunger Grass, “The Tin Drum” – bộ phim của Đức đã giành được giải thưởng ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Sau đó nó còn giành được giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes. Tuy vậy, phim bị cấm chiếu tại Canada (tỉnh Ontario) và Mỹ (thành phố Oklahoma) vì có một số cảnh đề cập tới quan hệ tình dục bằng đường miệng.
“The Last Temptation of Christ” (Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa - 1988)
Những bộ phim làm về đề tài tôn giáo luôn gây nên nhiều phản ứng trái chiều. Phim “The Last Temptation of Christ” khi đó cũng làm dấy lên những cuộc biểu tình dữ dội diễn ra ở Mỹ khiến phim bị cấm chiếu ở thành phố Savannah, bang Georgia.
Ban đầu các hãng đĩa còn từ chối việc bày bán các đĩa phim trong cửa hàng. Tuy vậy, đạo diễn của phim - Martin Scorsese vẫn nhận được một đề cử cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Oscar.
“Brokeback Mountain” (Núi yên ngựa - 2005)
Bộ phim đề cập tới tình yêu của hai người đàn ông đồng tính đã giành được tới 8 đề cử và rinh về 3 tượng vàng Oscar. Tuy vậy, Trung Quốc và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập khi đó đã cấm chiếu bộ phim này. Đối với Ả Rập, bộ phim đã phá hoại “những giá trị đạo đức xã hội”.
“Avatar” (2009)
Dù là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại nhưng “Avatar” vẫn không thể thoát khỏi những tranh cãi lùm xùm. Bộ phim từng được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar cũng bị cấm chiếu ngoài rạp Trung Quốc vì nội dung phim bị cho là gây kích động bất ổn và có thể gây bất lợi cho một số chính sách của nước này.