Thử nghiệm robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh ở Bệnh viện Nhiệt đới

(Dân trí) - Sáng 15/4, robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đặc biệt, robot có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly

Thử nghiệm robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh ở Bệnh viện Nhiệt đới - 1

Sáng 15/4, robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đề tài nghiên cứu, chế tạo robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ thực hiện đã hoàn thành trong vòng hơn 2 tuần. Các robot có thể hoạt động trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế công việc lau sàn nhà dùng chất khử khuẩn. 

Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài cho biết thêm, robot NaRoVid1 có thể chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động và làm việc liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nhờ được gắn các cảm biến, robot có thể tự động di chuyển, tránh mọi vật cản trên đường đi. Với thiết kế đặc biệt, robot có thể dễ dàng đi vào dưới giường bệnh, đi vào mọi ngóc ngách của phòng bệnh để vệ sinh và khử khuẩn một cách sạch sẽ. 

Thử nghiệm robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh ở Bệnh viện Nhiệt đới - 2

“Điều đặc biệt là robot có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly. Đây là một tính năng mới, đảm bảo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.  Ngoài ra, NaRoVid 1 cũng có tính năng di chuyển theo chu trình do người vận hành thiết lập linh hoạt, tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình”, PGS Mai Anh Tuấn nói. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Quân, Phó Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, việc ứng dụng robot giúp các y bác sĩ tiết kiệm nhiều thời gian, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Khả năng chứa dung dịch của robot cũng giúp cho việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn được giãn cách, nếu cứ 30 phút lau một lần, robot mất khoảng 15 phút để hoạt động, như vậy một ngày nhân viên y tế chỉ cần 3 lần bổ sung dung dịch, thay vì phải ra vào phòng bệnh đến hàng chục lần một ngày nếu lau thủ công.  

Thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến robot để đáp ứng tốt hơn trong quá trình hoạt động thực tế. Viện Ứng dụng công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị sản xuất để chuyển giao công nghệ, lên phương án sản xuất robot với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng, căn cứ vào năng lực của nhóm nghiên cứu và ý kiến các chuyên gia đầu ngành, Bộ KH&CN đã quyết định giao cho Học viện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.

Thử nghiệm robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh ở Bệnh viện Nhiệt đới - 3

Trước đó, robot Vibot phiên bản 1a cũng được chế tạo thành công và hiện đã đưa vào sử dụng ở  Bệnh viện Bắc Thăng Long. 

Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, cũng chỉ trong vòng 2 tuần robot mang tên Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,... từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg.

Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Ngoài chức năng vận chuyển, với đường truyền được thiết lập riêng, từ Trung tâm các bác sỹ, người thân có thể thăm bệnh, tư vấn, động viên từ xa tới bệnh nhân bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.

Hiện robot Vibot đang được triển khai vận hành tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội nơi đang dùng để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 sau khi có phát hiện ca nhiễm ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. 

Nguyễn Hùng