Thanh Hóa:

Thầy giáo dạy nhạc tự chế xe ô tô cho con trai

(Dân trí) - Thời gian gần đây, câu chuyện về thầy giáo dạy nhạc tại một trường học trên địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa tự mình mày mò, chế tạo ra một chiếc ô tô cho cậu con trai đã gây “sốt” trên mạng xã hội.

Thầy giáo dạy Nhạc tự chế xe ô tô cho con trai

Muốn con ý thức luật giao thông ngay từ nhỏ

Đó là thầy giáo Đỗ Thanh Sơn (SN 1982), ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Những ngày qua, câu chuyện thầy Sơn chế tạo xe ô tô tự lái cho con trai đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Anh Sơn vốn là giáo viên dạy Nhạc tại Trường THCS xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn.

Lý do để anh đi đến quyết định chế tạo xe cho con là vì trước đây anh cũng từng mua xe ô tô đồ chơi của Trung Quốc khá đắt tiền, nhưng hay hỏng và chỗ ngồi không vừa theo ý, kích cỡ của con mình. Là giáo viên, trong đợt nghỉ hè vừa qua, có thời gian rảnh, nên anh tiện thể chế tạo luôn xe ô tô cho con mình.

Bản thiết kế do anh Sơn tự vẽ
Bản thiết kế do anh Sơn tự vẽ

Theo anh Sơn, bước đầu tiên để chế tạo được chiếc xe, anh phải đo thông số, kích cỡ của con mình, như khớp tay, khớp chân, rồi chiều cao của cháu... làm việc phải chuyên nghiệp ngay từ đầu, nếu như tính toán được các thông số thì bước sau sẽ thiết kế rất nhanh.

Khi đã có các thông số, anh Sơn lên một bản vẽ chi tiết, vừa khớp với các thông số đã có. Tiếp đó, là bản vẽ thiết kế, vì không phải là dân kỹ thuật nên bản vẽ của anh chủ yếu theo mặt phẳng ngang.

Vì không phải là công việc chuyên môn, nên vừa làm, vừa mày mò nghiên cứu. Hơn nữa, anh không phải là nhà chế tạo công nghiệp, dây chuyền thương mại, cho nên chi phí về công cán bỏ ra cao hơn để hoàn thiện sản phẩm nếu bán ra thị trường. Tuy nhiên, anh Sơn cho rằng, anh không làm việc đó mà mục đích chế tạo xe là cho con đi chơi là chính.

Chiếc xe được làm rất chắc chắn
Chiếc xe được làm rất chắc chắn

“Mục đích làm xe là để cho cháu phát triển và hoàn thiện luật giao thông khi mình đi kèm và dạy luôn cho cháu. Sau này lớn lên cháu đã có một tư duy sẵn trong đầu đó là cách lái xe là phải như thế nào... Bởi vì xe này mình chế tạo nó khá giống với ô tô thật, nó cũng có phanh, động cơ, ga, đèn xi-nhan, còi, đèn hậu, gương chiếu hậu, nhạc...Tốc độ xe được giới hạn, bởi vì cháu còn nhỏ chưa thể làm quen với tốc độ lớn được. Lúc nào mình cũng kiểm soát, mục đích không phải là tốc độ mà là để đi trên đường. Buổi chiều về khi rảnh rỗi mình với cháu đi, cho bố con gần nhau hơn”, anh Sơn chia sẻ.

Nhìn vào chiếc xe ô tô tự chế cho các con mình chạy bon bon trên đường làng, không ai có thể nghĩ tới, "nhà sáng chế" ra chiếc xe đó lại chính là một thầy giáo dạy nhạc chỉ quen đứng trên bục giảng. Điều đó chứng tỏ về sức sáng tạo của anh và tình yêu thương, quyết tâm của người bố dành cho những đứa con mình.

Đã hứa với trẻ là phải thực hiện

Để tạo ra được chiếc xe tự chế cho con, anh Sơn đã trải qua không ít khó khăn, anh phải lặn lội ra Hà Nội đến 5-6 lần tìm mua nguyên vật liệu. Hơn nữa, không phải là dân cơ khí chế tạo nên có những bộ phận anh Sơn không thể gọi tên được nó là gì: “Mình muốn mua cái này, nhưng mô tả họ lại đưa ra cái khác, lúc đấy lại phải ngồi mô tả thật kỹ và gọi như là lục tung cả cửa hàng, lúc đó người ta mới chỉ cho cái đó tên là cái gì”.

Thầy giáo dạy nhạc tự chế xe ô tô cho con trai - 3
Các bộ phận được thiết kế cơ bản như một xe ô tô bình thường
Nhìn vào chiếc xe, không ai nghĩ đây là thành quả sáng tạo của một giáo viên dạy nhạc
Nhìn vào chiếc xe, không ai nghĩ đây là thành quả sáng tạo của một giáo viên dạy nhạc

Khi có các bộ phận rồi, để hoàn thiện và cho nó liên kết lại với nhau theo anh Sơn cũng không đơn giản chút nào: “Phải biết đến từng chi tiết và tìm hiểu kỹ mới làm. Ví dụ nguyên lý hoạt động của trục các-đăng trên ô tô nó như thế nào. Từ các-đăng thì tôi cũng mới biết, lúc đầu chỉ gọi là khớp chuyển hướng, nhưng sau này người ta mới nói cho mình đó là trục các-đăng. Thứ nữa là chuyển hướng của tay lái thì phải thiết kế ra làm sao, nó cực kỳ khó khăn. Mình phải ngồi suy nghĩ, tư duy từng tý một, không những vậy còn phải tìm hiểu thông tin trên mạng internet”.

Trong quá trình chế tạo xe cho con, đã có những lúc anh Sơn cảm thấy nản, nhưng vì con cháu, anh lại hạ quyết tâm thực hiện bằng được: “Làm sao xe mà cái bánh trước vừa lăn lại vừa chuyển hướng được đó là một quá trình thực sự khó khăn, đôi khi mình cảm thấy nản. Nhưng vì con, vì cháu cho nên mình quyết tâm làm. Sau này cũng tìm hiểu được nguyên lý, cấu tạo hoạt động của nó thì lúc đó mình bắt đầu chế tạo xong hoàn thành thôi”.

Thầy giáo dạy nhạc tự chế xe ô tô cho con trai - 5

img-0159-1474196527674

Món quà của ông bố dành cho con trai

Với sự quyết tâm, chịu khó mày mò và tư duy, sau hơn một tháng anh Sơn đã hoàn thành món quà của mình dành cho cậu con trai.

“Khó khăn nhất là các đồ phụ trợ để có thể thiết kế, hàn xì, không có sẵn mà đều phải đi mượn; không có các đồ chuyên dụng để cho thông số chuẩn xác nhất. Ví dụ khi hàn một động cơ, thanh sắt hoặc là khung chẳng hạn, cắt thường nó bị lệch một vài milimet, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu của xe, thế là lại phải cắt lại. Các xe ô tô công nghiệp thì đã có khuôn, có khung hết rồi, đây mình làm hoàn toàn bằng thủ công nên đôi khi nó cũng phải sai số”, anh Sơn nhớ lại.

Khi được hỏi về công đoạn hàn xì, anh Sơn cười: “Chính vì chưa trải qua lớp học hàn nào cho nên bạn bè nhìn thấy clip mình chia sẻ trên mạng, mọi người không hiểu cứ tưởng ảnh mình cởi trần tự sướng. Thực ra lúc đó bị bỏng hàn nên phải cởi trần để hàn”.

Tâm niệm khi bắt tay vào việc chế tạo xe cho con với anh Sơn đó chỉ đơn giản là vì đam mê và tình yêu của một người bố dành cho con mình: “Lúc đầu tiên, bản thân mình chia sẻ lên mạng để cho các bố, mẹ nào nhìn thấy vì cái niềm đam mê, tình yêu với con cái cao lên. Bố mẹ, hoặc ai đó, muốn thực hiện một việc gì để dành tặng người thân, hãy quyết tâm và thực hiện ngay, đừng để lời nói gió bay, như thế sẽ tạo ảnh hưởng không tốt tới suy nghĩ của con trẻ hoặc người khác. Vì người lớn thường hay hứa suông với trẻ con. Tôi chia sẻ điều này với mong muốn hãy dành tình yêu thương cho con trẻ, sau này mình sẽ nhận được tình yêu. Mình chỉ cần thấy con cười là quên hết mệt nhọc rồi”.

Anh Sơn và các con của mình
Anh Sơn và các con của mình

Ngoài dạy nhạc tại Trường THCS xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, anh Sơn còn thường làm công việc phối khí với các đoàn nghệ thuật ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Bản thân anh cũng đã có 10 năm gắn bó với nghệ thuật chuyên nghiệp ở Hà Nội. Cũng bởi nặng lòng với quê hương, muốn truyền thụ nghệ thuật cho những em nhỏ ở quê nhà mà anh quyết định về dạy học ở Thanh Hóa đến nay cũng đã được 6-7 năm. Công việc chính ở nhà nước là giáo viên, ngoài ra anh còn mở phòng thu và dạy đàn piano cho các cháu.

“Ở vùng quê, các cháu thường thiệt thòi so với các nơi khác. Các cháu ở thành phố được tiếp xúc với các môn nghệ thuật gần hơn. Vì trẻ em lúc nào cũng thiệt thòi cho nên mình về quê mong muốn được “truyền lửa” cho các cháu, để các cháu có thêm kinh nghiệm sống, sau này khỏi thiệt thòi so với các bạn ở nơi khác”, anh Sơn chia sẻ.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm