Những công trình sáng tạo kỹ thuật của học sinh xứ Nghệ

(Dân trí) - Dù mới chỉ ở dạng công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhưng những sản phẩm do học sinh làm đã có người tìm đến đặt hàng hoặc đang kêu gọi đầu tư để sớm hoàn thiện, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đời sống.

Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2015 - 2016 do Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức đã thu hút 32 trường THPT, 18 phòng GD&ĐT tham dự. Đã có 123 dự án thuộc 14 lĩnh vực khoa học như hóa học, hóa sinh, kỹ thuật môi trường, y sinh và khoa học sức khoẻ, khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật cơ khí… được trưng bày tại cuộc triển lãm do Sở GD-ĐT tỉnh này tổ chức vào trung tuần tháng 1 vừa qua. Các công trình, dự án nghiên cứu khoa học của các em học sinh được đánh giá là bám sát thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao.

Công trình máy chuyền nước của học sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (lớp 9C, Trường PT dân tộc nội trú THCS Tương Dương, Nghệ An) gây ấn tượng mạnh với khách tham quan. Chỉ với một bộ xi lanh, pít tông và 6 tấm tôn mỏng gắn lên vành xe đạp cũ kết hợp với thanh truyền chuyển động tịnh tiến để kéo và đẩy pít tông, chiếc máy chuyền nước sử dụng thủy năng của Huyền có thể lấy và đẩy nước lên độ cao 20m.

Máy chuyền nước sử dụng thủy năng của Nguyễn Thị Thanh Huyền.
Máy chuyền nước sử dụng thủy năng của Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Huyền cho biết, ý tưởng thực hiện công trình này được nhen nhóm khi hàng ngày Huyền thấy mẹ và các bà, các chị trong bản phải gùi nước từ khe suối về dùng hay dùng guồng đưa nước lên ruộng sản xuất, tốn nhiều thời gian mà hiệu quả không cao. Huyền ước ao làm sao chế tạo được máy đưa nước từ chỗ này đến chỗ khác nhưng không tốn nhiên liệu, công sức. Sau khi tìm hiểu nguyên lý về lực, Huyền trình bày ý tưởng với thầy giáo Lê Hồng Nhân.


Công trình máy gọt vỏ mía của hai học sinh Trường PT dân tộc nội trú THCS Tương Dương.

Công trình máy gọt vỏ mía của hai học sinh Trường PT dân tộc nội trú THCS Tương Dương.

Thấy được tính khả thi của ý tưởng, thầy giáo Nhân dành nhiều thời gian để hướng dẫn và giảng giải cho Huyền về nguyên lý vận hành, hoạt động… Từ những hướng dẫn của thầy, Huyền về lục tung “kho” dụng cụ sửa xe của bố. Từ dạng ý tưởng đến lúc hình thành một máy chuyền nước có thể phát huy được công năng thiết kế là cả một quá trình dài với những lần tháo, lắp, thử nghiệm rồi lại tháo, lắp.

Có những lần thất bại khiến Huyền muốn bỏ cuộc nhưng rồi cứ tự động viên mình cố gắng. Bố Huyền và thầy giáo Nhân cũng thường xuyên góp ý, giúp Huyền sửa chữa, lắp đặt, mang ra suối thử nghiệm. Dần dần, sau nhiều lần cải tiến, thay đổi, chiếc máy chuyền nước cũng được hoàn thiện. Lần đầu tiên thấy nước từ khe suối được pít tông hút và đất lên cao, cô học trò nhỏ mừng đến phát khóc. Công trình của cô học trò miền núi này đạt giải Nhì tại cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh năm học 2015-2016.

“Khi chiếc máy chuyền nước của Huyền vận hành thành công có nhiều người dân đến hỏi mua, có cả đơn vị bộ đội cũng đến đặt hàng vì đơn vị hành quân, vẫn thường phải lấy nước từ khe, suối lên sử dụng. Hiện tại máy chuyền nước của Huyền mới chỉ lắp 1 pít tông nhưng có thể cải tạo để nâng cấp lên 2-3 pít tông, khi đó năng suất sẽ được nâng lên nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Khang - bố Huyền cho biết.

Có những công trình sáng tạo kỹ thuật của các em học sinh mặc dù không giành được giải cao tại cuộc thi nhưng đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực. Đơn cử như máy cạo vỏ mía của hai học sinh Hoàng Thị Ngọc Hà và Chế Nguyễn Minh Tùng (Trường TP dân tộc nội trú THCS Tương Dương).

“Mỗi lần đến chơi thấy mẹ bạn Hà bán nước mía nhưng phải cạo vỏ mía bằng tay khá vất vả nên em nảy sinh ý tưởng làm một chiếc máy cạo vỏ để giảm sức lao động cho những người bán nước mía. Đưa ý tưởng chia sẻ với Hà thì được biết bạn ấy cũng đang ấp ủ ý tưởng như thế nên hai đứa bắt tay vào làm.

Công trình sân thượng thông minh của nhóm tác giả Trường THPT Nguyễn Trường Tộ.
Công trình sân thượng thông minh của nhóm tác giả Trường THPT Nguyễn Trường Tộ.

Sau nhiều tháng mày mò bên mô tơ, bugi, dây cu roa… với sự giúp đỡ của thầy giáo chiếc máy cạo vỏ mía đã hình thành. Có những lúc bọn em chán nản muốn bỏ cuộc khi máy không chạy hay chạy giữa chừng thì đột ngột dừng lại… Phải qua 8 lần thử nghiệm, chiếc máy cạo vỏ mía mới có thể hoạt động đúng với ý tưởng của hai đứa”, Chế Nguyễn Minh Tùng chia sẻ.

Công trình sân thượng thông minh của nhóm tác giả Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh, Nghệ An) là 1 trong 6 công trình giành được giải Nhất cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật năm học 2015-2016 do Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức. Với hệ thống cảm biến mắc phơi có thể tự động đưa quần áo ra, vào thông qua một hệ thống điều khiển từ xa bằng tin nhắn điện thoại, chiếc sân thượng thông minh của hai học sinh này đã giải quyết được những bất tiện trong việc phơi quần áo ở những khu vực thành phố đông đúc, chật hẹp, giảm được công đoạn leo sân thượng thu dọn quần áo khi trời đổ mưa đột ngột… Ngoài ra, sân thượng thông minh của nhóm tác giả này có thể tận dụng để trồng rau xanh nhờ có hệ thống tưới nước tự động.

Chia sẻ về công trình sáng tạo khoa học kỹ thuật này, cô Lương Thị Mai Thủy - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, người trực tiếp hướng dẫn thực hiện đề tài sân thượng thông minh cho biết: “Mặc dù mới ở dạng sơ khai nhưng công trình đã được sự đón nhận của nhiều bậc phụ huynh bởi tính thực tiễn cao. Hiện các thầy cô và các em học sinh đang cố gắng hoàn thiện thêm công trình sân thượng thông minh để đưa đi tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Sau kỳ thi cấp quốc gia, nhà trường sẽ tính đến việc đăng kí bản quyền, kêu gọi các nhà đầu tư để ý tưởng của các em có thể sớm ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.

Vĩnh Khang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm