Bình Định:

“Kỹ sư” học lớp 3 chế tạo máy đánh dây thừng độc đáo

(Dân trí) - Học mới hết lớp 3, cũng không hề biết gì về cơ khí, nhưng ông Quyền lại là tác giả của nhiều loại máy đánh dây thừng độc đáo phục vụ cho nghề biển. Đặc biệt, trong đó có chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi “có 1 không 2” ở Bình Định.

Bình Định: “Kỹ sư” học lớp 3 chế tạo máy đánh dây thừng độc đáo

Ngư dân Lê Văn Quyền (63 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định) được biết đến là người chế tạo ra máy đánh dây thừng 8 tao đôi. Sản phẩm được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định năm 2017 và là 1 trong 16 giải pháp được dự thi hội thi toàn quốc năm nay.

Cả nước chưa ai chế tạo ra!

Không bản vẽ, thiết kế,… tất cả từ đam mê nghề và kinh nghiệm. Ông Quyền tự lần mò chế tạo ra những chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi “có 1 không 2” ở Bình Định làm nên thương hiệu dây thừng Quyền Phú được ngư dân cả nước tin dùng.

Ngư dân - Kỹ sư chân đất Lê Văn Quyền sáng chế ra nhiều loại máy đánh dây thừng độc đáo phục vụ cho ngư dân làm nghề biển
Ngư dân - "Kỹ sư chân đất" Lê Văn Quyền sáng chế ra nhiều loại máy đánh dây thừng độc đáo phục vụ cho ngư dân làm nghề biển

Dưới tầng hầm của ngôi biệt thự hoành tráng, nơi các công nhân đang vận hành giàn máy sản xuất dây thừng. Ông Quyền giới thiệu sơ qua các loại máy đánh dây thừng do chính ông chế tạo ra trong suốt quá trình làm nghề. Trong đó, thành công nhất phải kể đến chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi. Theo quan sát, chiếc máy này được thiết kế khá đơn giản gồm: 4 bộ nhông dây chuyền, 4 trụ sắt đường kính 100mm, 8 ống ru-lô và một số chi tiết khác. Cách vận hành máy khá đơn giản, chỉ cần 1 công nhân điều khiển, chiếc máy nhịp nhàng chạy rồi nhả ra từng cuộn dây thừng xoắn chắc, trông chẳng khác gì công nghệ của máy nhập ngoại.

“Nhìn thấy đơn giản vậy, nhưng để chế tạo ra chiếc máy này, tôi phải nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm hơn 10 năm. Lúc đầu, tôi chế tạo từ máy nhỏ đến lớn, từ đơn giản với máy đánh tao đơn rồi lần mò cho ra đời chiếc máy tao đôi phức tạp này. Nhiều người cũng bắt chước chế tạo theo, máy vẫn chạy bình thường nhưng cho ra dây thừng kém chất lượng. Tôi nghĩ cả nước chưa có ai làm được! Cách đây 5 ngày, cũng có đoàn từ Sài Gòn ra tìm hiểu rồi đặt mua máy của tôi”- ông Quyền khoe.

Theo ông Quyền, chi phí làm chiếc máy sản xuất dây thừng đánh 8 tao đôi có giá khoảng 800 triệu đồng. Số tiền này, với ông không hề nhỏ nhưng so với máy nhập ngoại thì rẻ hơn rất nhiều. Điều quan trọng, khi đưa vào sản xuất chiếc máy mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công. Đặc biệt, về độ bền và thẩm mỹ thì các ngư dân đã sử dụng đánh giá không thua kém hàng nhập ngoại.

Ông Quyền tự lần mò, nghiên cứu chế tạo ra các máy đánh dây thừng phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của gia đình ông
Ông Quyền tự lần mò, nghiên cứu chế tạo ra các máy đánh dây thừng phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của gia đình ông

“Trước đây, để sản xuất 100m dây thừng phải mất đến 10 công lao động trong 10 giờ, nay chỉ mất 1-2 công lao động trong 8 giờ. Kỹ thuật đánh dây xoắn bằng máy giúp sản phẩm có độ bền cao. Đặc biệt, sản phẩm làm ra rất cạnh tranh khi giá bán 70.000 đồng/kg, trong khi cũng loại hàng này được sản xuất bởi liên doanh Thái Lan - Malaysia thì giá thị trường đến 95.000 đồng/kg”- ông Quyền cho hay.

Ông còn “khoe” vừa chế tác thành công máy đánh chì luồn bên trong dây thừng. Sản phẩm này, trước đây ông phải nhập về từ Malaysia. Hiện nay, ngoài làm cho cơ sở của gia đình, ông Quyền còn sản xuất nguyên liệu thô bỏ sỉ cho các công ty sản xuất lớn ở TP Hồ Chí Minh. “Ai cũng có một nghề riêng để lo cho cuộc sống gia đình. Nếu muốn tồn tại bằng cái nghề của mình thì phải cố gắng tự tìm tòi, học hỏi, chứ tôi chẳng tài giỏi gì cả”- ông Quyền nói.

Từ ngư dân đến… “kỹ sư”

Sinh ra ở làng chài xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định), học hết lớp 3, ông Quyền phải nghỉ học. 14 tuổi, ông Quyền phải theo tàu đi bạn mưu sinh. Sau khi lấy vợ, ông Quyền vẫn bám lấy cái nghề nhiều rủi ro, có khi cược tính mạng trên biển mà thu nhập thì bấp bênh. Ông nghĩ, còn bám lấy nghề này thì chẳng biết lúc nào mới khấm khá lên rồi ông chuyển sang học nghề làm dây thừng của cha vợ ở huyện Hoài Nhơn.

Ông Quyền vừa chế tạo ra máy đánh chì luồn vào bên trong dây thừng mà trước đây ông phải nhập từ Malaysia
Ông Quyền vừa chế tạo ra máy đánh chì luồn vào bên trong dây thừng mà trước đây ông phải nhập từ Malaysia

Thời gian này, ông Quyền lấy dây thừng từ Hoài Nhơn về bán cho ngư dân ở xã Nhơn Lý kiếm thêm thu nhập. Nhận thấy nghề này có tương lai, ông Quyền bán nhà rồi dẫn vợ con vào TP Quy Nhơn, sát cảng cá Quy Nhơn - trung tâm tàu thuyền ra vào để phát triển nghề. Vào Quy Nhơn, ông Quyền tiếp tục làm nghề sản xuất dây thừng bằng phương pháp thủ công.

“Trước đây, nghề làm dây thừng hoàn toàn bằng thủ công nên sản phẩm cho ra không được nhiều, chất lượng lại kém. Trong khi, trên thị trường các sản phẩm dây thừng ngày càng nhiều, canh tranh khốc liệt. Từ chế tạo máy đánh dây thừng tao đơn: 3 tao, 4 tao… nhưng vẫn không đáp ứng thị trường. Từ đó, tôi tiếp tục mày mò chế tạo ra chiếc máy 8 tao đôi này”- ông Quyền nói.

Ông Quyền thành công với chế tạo máy đánh dây thừng 8 tao đôi có 1 không 2 ở Bình Định, thậm chí cả nước
Ông Quyền thành công với chế tạo máy đánh dây thừng 8 tao đôi "có 1 không 2" ở Bình Định, thậm chí cả nước

Theo ông Quyền, mỗi năm cơ sở của ông xuất ra thị trường khoảng 300 tấn dây thừng và ngư lưới cụ. Để mở rộng sản xuất, ông mở thêm 2 cơ sở kinh doanh khác trên đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Từ nghề làm dây thừng, ông Quyền trở thành chủ của cả cơ sở sản xuất lẫn phân phối khắp các tỉnh, thành. Nơi nào có biển, ở đó có sản phẩm dây thừng và ngư lưới cụ của Quyền Phú.

Năm 2014, Sở KH&CN tỉnh Bình Định mời ông lên để làm đăng ký độc quyền sáng chế cho máy đánh dây 8 tao đôi độc đáo, nhưng ông Quyền thấy nhiều rườm rà quá nên cũng không màng cái danh. “Tui học ít, lại chưa từng qua lớp đào tạo cơ khí, chỉ biết làm ra chiếc máy, còn bản vẽ, thiết kế, thuyết minh mô hình gì đó thì tui… bó tay!”- ông Quyền nói.

Sản phẩm dây thừng của gia đình ông Quyền không thua kém hàng nhập ngoại kể cả về độ bền và thẩm mỹ
Sản phẩm dây thừng của gia đình ông Quyền không thua kém hàng nhập ngoại kể cả về độ bền và thẩm mỹ

Dù vây, chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi độc đáo của ông Quyền được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định năm 2017 và là 1 trong 16 giải pháp được dự thi hội thi toàn quốc năm nay.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm