Độc đáo chiếc máy búa rèn của người con xứ Nghệ

(Dân trí) - Là một người con xứ Nghệ, anh Lê Văn Thỏa luôn mang trong mình nỗi trăn trở, đó là làm thế nào vừa có thể duy trì nghề rèn truyền thống vừa có thể giảm bớt nỗi cực nhọc cho người thợ rèn. Sau nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm, cuối cùng chiếc máy búa rèn của anh đã được chế tạo thành công.


Anh Lê Văn Thỏa trong một lần thử nghiệm chiếc máy rèn.

Anh Lê Văn Thỏa trong một lần thử nghiệm chiếc máy rèn.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại máy búa rèn đang được sử dụng, phục vụ cho việc sản xuất ở các xưởng cơ khí. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì những chiếc máy búa rèn này cũng có những điểm hạn chế như: dùng hơi khí nén, yêu cầu chế tạo chính xác, phức tạp cho việc chế tạo và sử dụng vì cần thêm hệ thống khí nén, bình hơi …; điều khiển cắt hành trình búa rèn qua khâu khớp nhiều khi bị kẹt; giá thành máy búa rèn cao.


Chiếc máy búa rèn nhìn từ trên cao xuống.

Chiếc máy búa rèn nhìn từ trên cao xuống.

Để đáp ứng và giải quyết một phần khó khăn trong công việc sửa chữa các thiết bị máy thi công công trình, chế tạo phôi cho các sản phẩm cơ khí, cũng như sản xuất các sản phẩm, đồ dùng gia dụng, anh Lê Văn Thỏa (thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đã chế tạo máy búa rèn phục vụ việc gia công rèn dập cho các xưởng cơ khí và dân sinh.

Máy thực hiện được việc rèn dập nhờ kết cấu truyền động kiểu tay đòn lệch tâm cùng tự trọng búa kết hợp với xung lực giãn nở của lò xo khi bị ép tạo nên lực đập từ 100 – 150 kg lên đe để gia công chi tiết. Điều khiển cắt hành trình búa rèn bằng côn thủy lực hoặc côn cơ khí, rất thuận tiện cho việc rèn dập của các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, mang lại hiệu quả cao.


Điểm khác biệt làm nên giải pháp công nghệ này đó là tác giả đã sử dụng cơ cấu lệch tâm.

Điểm khác biệt làm nên giải pháp công nghệ này đó là tác giả đã sử dụng cơ cấu lệch tâm.

Điểm khác biệt làm nên giải pháp công nghệ này đó là tác giả đã sử dụng cơ cấu lệch tâm, kết hợp cộng lực của lực xung khi lò xo bị ép giãn nở, điều này đã giúp làm thay đổi chuyển động quay thành chuyển động tịnh tiến của búa rèn.

Một điểm mới nữa của giải pháp công nghệ này đó là tác giả đã triệt tiêu các xung lực có hại bằng cách sử dụng hai cánh cung và cộng hưởng thêm lò xo, giúp tăng thêm lực đập, lực phản hồi vào búa.

Nguyễn Hùng-Hoàng Công