"Vài năm rồi vắng U, cái không khí trước Tết ấy không còn nữa…"

Xưa, háo hức nhất là những ngày cận Tết. Từ sau rằm là U đã tất bật sắm Tết. Mỗi ngày đi chợ U mua một ít, nấm hương, mộc nhĩ, miến, lá dong, gạp nếp… thôi thì đủ cả.

Ảnh minh họa: facebook Duc Hoa Nguyen

29, 30 Tết, khi nồi bánh chưng đã xong, bánh đã được "phân bổ" đâu vào đấy thì mâm ngũ quả và trang trí ban thờ là mối quan tâm, là câu chuyện thường trực giữa U và các chị em trong nhà hay với con dâu.

- "Nãy gặp con bé bán hoa chở từ vườn lên, mẹ mua được bó thược dược đẹp quá, lại rẻ nữa. Mà đừng mua bưởi nữa nhé, hôm qua chị Hải cho 2 quả để trên nóc tủ kia kìa", tiếng U dặn vợ.

- "Mẹ sắm mâm ngũ quả chưa? Em qua chợ Tăng C thấy mấy quả phật thủ đẹp quá, em mua mấy quả, biếu mẹ một quả đây này", tiếng chị gái hoặc đứa em gái đi chợ rẽ qua thăm U loáng thoáng dưới nhà.

Chợ chỉ cách nhà một đoạn, siêu thị thì cũng khắp nơi, muốn sắm Tết chắc chỉ cần nửa buổi là đủ, nhưng với U, dường như vậy là không giống Tết. Có thể vì thói quen từ xưa, lúc tiền không có, hàng hóa cũng khan hiếm nên phải mua tích trữ từ nhiều ngày trước đó, sau thành thói quen khó bỏ. Hoặc cũng có thể U tìm được niềm vui từ việc nhúc nhắc sắm Tết ấy.

Năm nào mà tôi mua được cành đào đẹp là U thích lắm và kiểu gì U cũng khoe với vợ chồng anh hàng xóm sát bên nhà hoặc mấy người cùng ngõ với thái độ rất hãnh diện.

Trong cuốn "Thương nhớ mười hai", tác giả Vũ Bằng, người đàn ông tha hương ở phương Nam viết về những cái Tết ở xứ Bắc, không hiểu sao đọc đến đoạn ông tả Tết nhà ông, tôi cứ thấy hình ảnh nhà mình ở trong đó, dù Tết trong sách của ông đã cách đây cả thế kỷ.

Vài năm rồi vắng U, cái không khí trước Tết ấy không còn nữa. Mọi thứ hai vợ chồng chuẩn bị rất nhanh gọn, các chị em trong nhà cũng không còn thói quen nhân tiện đi đâu thì rẽ qua thăm U, khoe mua cái này, biếu U cái kia nữa.

Tất cả đã trở thành quá khứ.

Tôi cũng không còn giữ thói quen và hứng thú đi chợ hoa Quảng Bá lùng mua đào nữa. Tết giờ trở nên đơn giản và gọn nhẹ, chỉ ký ức là vẫn ám ảnh.