Nắm tay nhau cùng đi qua mùa dịch

(Dân trí) - Một ngày thường đối với tôi rất bận rộn, nhưng những ngày này lại quá đỗi vui. Việc gì cũng vậy, cả nhà cùng làm, cả nhà cùng chơi, không giục giã, không cáu gắt.

Nắm tay nhau cùng đi qua mùa dịch - 1

Buổi tối khi cả nhà cùng nằm xem phim, bộ phim yêu thích của con - “Gia đình là số 1”. Tôi bảo chồng:

- “Tháng này anh làm việc ở nhà, chỉ được hưởng 50% lương thôi à? Bên em nghỉ sản xuất cũng chỉ hỗ trợ mỗi người 50 nghìn /ngày thôi. Lấy gì mà tiêu cho đủ nhỉ”.

- “Em xem, trong khi chính phủ đang căng mình chống dịch, mình chỉ việc ở yên trong nhà mà vẫn được trợ cấp, chẳng sướng à. Công ty ngừng sản xuất vẫn phải hỗ trợ hàng nghìn nhân viên cũng phải cố gắng lắm. Khó khăn là khó khăn chung nên tinh thần cứ thoải mái thôi em ”.

Xưa nay tôi vẫn luôn cho rằng chồng tôi vô tâm, lạc quan thái quá, chuyện to anh coi như chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thường xem như chẳng có gì. Nhưng lần này thì tôi thấy anh nói đúng.

Hôm qua, trò chuyện cùng nhóm bạn thân trên zalo, bạn bè hỏi tôi: Ở nhà cách ly, mấy ngày rồi không ra ngoài thì làm gì cho hết ngày? Một vài người kêu buồn chán gò bó, nhưng rất nhiều người khác lại cảm thấy không có gì khó khăn. Chỉ là cùng nhau ở nhà thôi mà, ở nhà để gần nhau, để san sẻ và quan tâm nhau hơn, có gì đâu mà buồn.

Tôi theo dõi thông tin trên báo chí, biết rằng ở Trung Quốc, số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch. Tiền quá ít, thời gian chạm mặt nhau quá nhiều, việc nhà không phân chia công bằng… trong thời kì cách ly đã đầy nhiều cuộc hôn nhân xuống vực thẳm.

Malaysia sau khi lệnh cho 32 triệu dân làm việc ở nhà, một trong những nội dung mà chính quyền đưa ra chính là kêu gọi phụ nữ không phàn nàn chồng để gia đình yên ấm trong mùa dịch. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cướp đi hàng nghìn sinh mạng mà còn đẩy những người trong một nhà xa nhau hơn.

Là bởi cuộc sống khó khăn vượt qua mức chịu đựng của con người hay nỗi chia sẻ, cảm thông vợ chồng dành cho nhau vẫn chưa đủ?

Đại dịch hoành hành, rất rất nhiều những gia đình trên thế giới phải chịu nỗi mất mát khi người thân của họ ra đi. Những người già hấp hối nhờ bác sĩ kết nối để vĩnh biệt con qua điện thoại. Một em bé qua đời trong bệnh viện không có cha mẹ ở bên. Những người con nén nỗi đau trong khu cách ly không thể về nhà chịu tang khi cha mẹ qua đời…

Còn chúng ta, may mắn được cùng người mình yêu thương trú ẩn trong một mái nhà chờ đại dịch qua đi, chẳng phải quá là may mắn hay sao?

Chẳng cần nghĩ ngợi, toan tính hay lo lắng gì nhiều, chỉ cần để ý thế giới quanh mình để biết thế nào là đủ thôi, chắc chắn chúng ta sẽ ấm êm đi qua mùa dịch.

Hoàng Bắc