Một năm kinh hoàng

Thật khủng khiếp. Cứ nghĩ đến là mẹ thấy lạnh cả người, không thể tưởng được sao hai đứa lại có thể sống qua được những ngày ấy...

Là con một, ngày Hoa chuẩn bị lấy chồng, mẹ bảo: “Mẹ cho một trăm triệu, chi cho đám cưới bao nhiêu thì chi nhưng cố gắng tiết kiệm, còn dư thì giữ lấy sau này có cái mà tiêu”. Mẹ bảo thầm: “Tiền mừng cưới mẹ cũng sẽ cho con...”.

 

Sau đám cưới, mẹ dùng tiền mừng để sửa sang nhà cửa và mua sắm đầy đủ tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống gia đình của cô con gái. Lo đầy đủ cho con, bố mẹ Hoa mừng, thở phào sung sướng: “Thế là xong”.

 

Ai cũng bảo Khanh chuột sa chĩnh gạo nếp. Thật chẳng ngoa. Nhiều cặp vợ chồng sống đến cuối đời cũng không sắm được đầy đủ những đồ đạc như vợ chồng Khanh. Ai cũng nghĩ: Vợ chồng Khanh không còn gì phải lo nghĩ...

 

Chẳng ngờ, cưới mới hơn một tuần đã thấy Hoa chạy về nhà xin mẹ tiền chợ. Mẹ thương con, nghĩ thầm: “Con mình được nuông chiều quá, không biết lo toan, tính toán nên không biết chi tiêu”... Thế là mẹ lại đưa cho vài triệu.

 

Mỗi lần Hoa về thăm nhà, mẹ thấy con buồn buồn, đăm chiêu, không còn vô tư như trước, đâm lo. Thỉnh thoảng nhớ con, mẹ gọi điện hỏi thăm, lần nào cũng thấy anh con rể ốm. Không cảm thì ho, nhưng bệnh đau dạ dày là nặng nhất. Có lần phải vào bệnh viện nằm cả tuần.

 

Mỗi lần nghe con rể ốm, mẹ Hoa lại tất tả đến thăm và đưa cho con gái tiền để mua thuốc và bồi dưỡng. Vậy mà mãi không khỏi, hết đợt đau này đến đợt đau khác khiến cả nhà lo lắng.

 

Bố mẹ Hoa rầu cả lòng khi thấy con gái vừa lấy chồng chưa đầy năm đã vất vả mọi đường. Mà sao năm ấy Hoa lại lận đận đến thế. Chồng thì ốm đau luôn, cô lại để mất đến 2 cái xe máy.

 

Thấy con rầu rĩ, buồn phiền, mẹ Hoa tuy xót của nhưng thương con, an ủi: “Thôi, của đi thay người, đừng tiếc nữa mà sinh bệnh. Mẹ mua cho chiếc khác...”. Thế là mẹ Hoa lại bỏ tiền mua cho con xe mới. Tiền cứ trôi như nước chảy.

 

Bỗng một hôm, đứa bạn thân của Hoa gọi điện đến cho mẹ Hoa, kể: “Hoa đến vay tiền nó”. Nó còn nghe phong phanh vợ chồng Hoa vay nhiều nơi lắm... Mẹ bấn loạn, không hiểu có sự gì không hay xảy ra cho con, bèn gọi đến hỏi.

 

Gặng mãi mới biết, Khanh nghe vợ kể, mẹ sẽ cho hết tiền mừng, nên quyết làm một đám cưới ra trò để đám bạn biết tay, lác mắt. Đám cưới tổ chức ở Hà Nội, rồi ở quê. Ngày mời hai họ, cơ quan. Lại thêm ngày mời riêng bạn bè của hai cô cậu. Một đám cưới tổ chức ba lần, lại mời tứ tung khắp nơi xa gần.

 

Tiệc cưới ở quê kéo dài ba ngày. Cả xã tấm tắc. Bố mẹ hai bên chẳng là quan chức gì, tiền mừng đám cưới ở thành phố còn chẳng đủ tiền cỗ huống là ở nhà quê. Mâm cỗ ở quê tuy chỉ hai trăm nghìn đồng, tiền chỉ bằng một phần ba mâm cỗ ở Hà Nội, nhưng tiền mừng lại chỉ có một, hai chục nghìn, họa là mới có người mừng năm chục nghìn. Mà có mừng hai hoặc năm chục nghìn thì họ cũng kéo theo vài người đi ăn cỗ, có nhà đi đến bốn năm người...

 

Lỗ nặng là cái chắc, nhưng Khanh chẳng chấp, anh yên chí sau cưới sẽ có tiền mừng nên vay tạm anh bạn thân năm chục triệu trong số tiền anh ta chuẩn bị sửa nhà, hứa sau cưới sẽ trả ngay. Ngay ngày hôm sau tiệc cưới, anh bạn thân đã đến đòi tiền. Bí quá, Khanh phải đi vay lãi của bọn cầm đồ với lãi suất không thể tưởng tượng được - 10% ngày.

 

Cứ hai ngày, chủ nợ lại đến thu lãi một lần - một triệu đồng. Khanh dạm hỏi chuyện tiền mừng mà mẹ hứa cho, được biết: Mẹ đã mua sắm đồ đạc, coi như đấy là quà mừng, không đưa tiền mặt... Khanh tái xanh cả mặt, tưởng ngất.

 

Món nợ lãi mẹ đẻ lãi con nhanh đến chóng mặt, quay cuồng. Vay bạn bè, nhưng chẳng ai có nhiều, mỗi người một ít chỉ đủ trả lãi hàng ngày. Thỉnh thoảng Hoa về nhà ngoại nói dối cần mua sắm này nọ, nhưng cũng không cầm cự được mấy bữa.

 

Bí quá hai cô cậu đã phải bán xe, nhưng cũng chỉ đủ trả tiền lãi chưa đến một tháng. Vay quẩn vay quanh hết chỗ này đến chỗ khác. Vay người nọ trả người kia. Khanh trở thành Chúa Chổm.

 

Cuộc sống của hai vợ chồng căng thẳng lắm lúc tưởng phát điên vì bất lực trước món nợ ngày một lớn. Từ sau ngày cưới, ngày nào cũng có người đến đòi nợ, không có phút giây nào thanh thản để vợ chồng nghĩ đến nhau. Mẹ Hoa cho tiền để đi tuần trăng mật cũng phải để trả nợ (mà còn lòng dạ nào để đi).

 

Những lúc bí bức do bị đòi nợ gắt, cả hai vợ chồng phải tắt máy điện thoại, thậm chí còn bỏ việc về quê trốn nợ cả tuần. Căng thẳng, bí bức không lối thoát, Khanh xuất huyết dạ dày đến hai lần...

 

Bố mẹ Hoa chết lặng vì sự dại dột của các con. Dại dột vì sĩ diện, thích khoe khoang. Dại dột vì không biết tính toán lo toan, không biết liệu cơm gắp mắm. Dại dột vì không hiểu lòng bố mẹ... Giá như ngay từ đầu thật thà nói với bố mẹ thì đâu đến nỗi lãi mẹ đẻ lãi con khủng khiếp đến vậy. Đâu phải sống gần một năm hãi hùng đến mất mật như vậy. Đâu đến nỗi mất nhân cách vì trốn nợ...

 

Lẽ nào chúng không hiểu rằng: Bố mẹ luôn là chỗ dựa giúp các con chèo chống qua cơn bão táp cuộc đời để cùng các con đến bến bờ hạnh phúc? Lẽ nào chúng không hiểu: Dù con cái có lỗi lầm thế nào thì bố mẹ cũng sẵn lòng tha thứ, giúp đỡ?

 

Giận con nhưng cũng thương con đến cồn cào. Chúng không có những ngày trăng mật. Không có những kỷ niệm ngọt ngào say đắm của tình yêu. Thật đáng buồn và cũng thật tiếc. Cuộc đời đâu có đến hai lần Trăng mật.

 

Theo T. Lê Minh  

Hạnh phúc gia đình