Khi cánh cửa tình yêu đã khép

(Dân trí) - Chia tay, suy cho cùng thực sự không đáng sợ. Cái đáng sợ là sau khi chia tay người ta đối xử với nhau như thế nào? Chính lúc đó cả đàn ông và đàn bà, ai tử tế hay xấu xa, ai rộng lượng hay hẹp hòi đều thể hiện rõ nhất.

Khi cánh cửa tình yêu đã khép - 1

Cô em gái ngồi phịch xuống trước mặt tôi buông một câu chán nản: “Em chắc chẳng dám lấy chồng đâu. Đấy, chị xem, chúng nó yêu nhau như thế, gia đình cấm cản, đòi sống đòi chết lấy được nhau. Từ chỗ tay trắng lập nghiệp, chạy ăn từng bữa, giờ có tiền thì sinh chuyện. Đời, đúng là chẳng biết đâu mà lần”.

Theo như em kể, cặp vợ chồng ấy một thời đã từng là hình mẫu mơ ước của bao gia đình trẻ. Nhưng đó chỉ còn là quá khứ, hiện tại lúc này mới thật là đắng cay. Khi mà sau phiên tòa kết thúc, tài sản chia đôi, con cái chia đôi, họ đã không còn về chung lối. Hai con người đã từng dắt tay nhau qua những chặng đường gian khó giờ ngoảnh mặt không nhìn nhau, dẫu đứa con trai lớn đang khản cổ khóc đòi “con muốn về với mẹ”, còn đứa con trai bé đang giơ bàn tay nhỏ chỉ trỏ khi thấy bố và anh trai rẽ lối ngược đường. Cuộc đời, có những cuộc chia ly chỉ khổ cho những người không gây ra nó.

Tôi nói với em, cuộc sống nó vốn là như vậy. Không có gì là không thể đổi thay. Tình yêu lại càng là thứ khó nắm bắt và định lượng nhất. Khi yêu là yêu thật, đòi sống chết vì nhau là có thật. Nhưng rồi đến một ngày, đừng nói là yêu thương, ngay cả đến nhìn mặt nhau cũng thấy khó chịu. Lúc đó ở với nhau mới chính là khổ ải. Những lời nói ngọt ngào khi xưa, những thề bồi, hứa hẹn. Tất thảy không phải là giả dối. Chỉ là nó đã thay đổi. Sự thật luôn phũ phàng, và chúng ta chỉ có một cách duy nhất đó là: Chấp nhận.

Ai đó đã từng nói rằng: Khi cánh cửa này khép lại, đồng thời có một cánh cửa khác đang mở ra, vậy nên đừng cố mở một cách cửa đã đóng chặt. Tình yêu chính là như thế. Chia tay suy cho cùng thực sự cũng không đáng sợ. Đôi khi nó còn là cơ hội để ta gặp một người khác tốt hơn. Khi gặp rồi lại ước “Nếu ta gặp nhau từ đầu, có lẽ sẽ không ai qua bể dâu”. Nhưng nếu ta chưa từng mất mát khổ đau, chắc gì ta đã cảm nhận được một cách đủ đầy hạnh phúc mình đang có.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc tình đỗ vỡ, rất nhiều mái nhà liêu xiêu giữa sóng gió cuộc đời. Có người chọn cách chia tay trong lặng lẽ, có người chọn cách ồn ào. Dù là chọn cách nào thì kết quả cuối cùng cũng giống nhau, vẫn là không thể bên nhau được nữa. Ồn ào, không phải lúc nào cũng có nghĩa là vui.

Có hai vợ chồng nọ sau thời kì ấm êm là bão nổi. Chồng lén lút ngoại tình, vợ cố rình rập thu thập bằng chứng và bắt quả tang. Đến khi mọi chuyện bung bét, chị nói xấu anh, anh đỗ lỗi cho chị. Cuối cùng cả hai đều cảm thấy không chịu đựng nhau được nữa, lại ầm ĩ kéo nhau ra tòa chia của chia con trong hằn học.

Nhưng cũng có những cuộc chia ly cực kì êm thấm. Vợ chồng chị họ tôi cũng đã từng thiết tha say đắm. Nhưng rồi khi cô con gái lên bốn, họ quyết định chia tay. Gia đình, bạn bè ai cũng bất ngờ, bởi chưa ai từng thấy nhà chị có mâu thuẫn gì lớn. Cũng chẳng nghe anh hay chị thở than gì. Gần đây nhất, trong đám cưới đứa em, cả nhà chị vẫn vui vẻ cùng nhau. Nhưng chị bảo: tình cảm hai người đã có những rạn nứt từ lâu. Cả hai đã thử cho nhau cơ hội nhưng cuối cùng tình yêu không đủ để hàn gắn nữa. Thôi thì đằng nào cũng không thể sống hạnh phúc tiếp với nhau, chi bằng giải thoát sớm để còn có cơ hội tìm cho mình một người phù hợp hơn. Chuyện chị kể đơn giản vậy thôi, còn rạn nứt vì lí do gì chị không nói đến. Giờ thì cả hai anh chị đều đã có riêng cho mình một tổ ấm mới. Cô con gái của chị khi thì ở nhà bố, khi thì ở nhà mẹ, vẫn hồn nhiên đi qua tuổi thơ một cách yên bình. Có lần cháu khoe tôi “Con có hai bố, hai mẹ đấy dì nhé”. Nghe con nói, lòng rưng rưng cảm động.

Li hôn đúng là không dễ dàng, dù người ta đã hết yêu nhau. Bao nhiêu nỗi sợ hãi bủa vây, sợ con cái sống thiếu cha thiếu mẹ, sợ lại phải bắt đầu… Nhưng họ lại không thể quên những tổn thương mà người bạn đời đã gây ra, không thể tha thứ cho nhau hoàn toàn. Và họ tìm cách để chịu đựng nhau. Thật tiếc, hôn nhân là thứ mà một khi đã vỡ rồi, cố nhặt nhạnh lại chỉ khiến bàn tay mình thêm xước xát và chảy máu. Từ bỏ, không phải lúc nào cũng có nghĩa là yếu đuối, đôi khi nó có nghĩa là ta đủ mạnh mẽ để buông tay.

Quan điểm cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, chia tay suy cho cùng không đáng sợ. Cái đáng sợ là sau khi chia tay người ta đối xử với nhau như thế nào? Chính lúc đó cả đàn ông và đàn bà, ai tử tế hay xấu xa, rộng lượng hay hẹp hòi đều thể hiện rõ rệt nhất. Có người sau chia tay vẫn là bạn, có người thành người dưng, và có người trở thành kẻ thù. Người ta từng yêu đó giờ đã thành của người khác. Người ta tin tưởng hết mình giờ lại phản bội ta. Phải làm gì cho hả giận đây? Bêu xấu rùm beng lên, hay tìm mọi cách trả thù? Nếu muốn vui một lúc thì cứ trả thù. Còn nếu muốn yên vui cả đời, có lẽ tốt nhất là tha thứ.

Đằng sau những cuộc chia ly luôn là những dư vị buồn đau và nuối tiếc. Có những người để tuột mất nhau rồi mới biết đó là người mình thật sự yêu thương. Cũng có những người chỉ đến khi về ở với nhau mới nhận ra rằng mình sinh ra không phải để dành cho người đó. Hôn nhân như một bài thi trắc nghiệm, có thể ta sẽ lựa chọn sai. Gặp gỡ một người là duyên phận, ở bên người đó hay không là lựa chọn của ta. Nhưng trước khi kết thúc, trước khi nói với nhau những lời cay đắng, hãy dành một chút thời gian để nhớ lại lí do vì sao ta bắt đầu.

Lê Giang