Hậu tình yêu thời hiện đại

(Dân trí) - Những tưởng mình “chuột sa chĩnh gạo” khi được Chiến để mắt tới, nhưng khi bị người yêu “vứt” vào chân trợ lý cho “ông cụ” và sang Anh du học cùng lời nhắn ngắn gọn “đừng chờ anh” thì Nguyệt mới tỉnh mộng: “Chĩnh tuy nhiều gạo nhưng không phải của mình”.

Lấy bố trả thù con

 

Chiến vốn là công tử con nhà giàu, bố làm giám đốc một công ty tư nhân làm ăn rất phát đạt. Nguyệt quen Chiến nhờ làm gia sư tiếng Anh cho cậu. Lần đầu bước vào tòa biệt thự to lớn, lộng lẫy và sang trọng, cô không khỏi ngỡ ngàng, lo lắng, nhưng cậu học sinh điển trai và dễ gần đã đánh tan mọi cảm giác trong cô, thay vào đó là sự tự nhiên và gần gũi.

 

Nguyệt rất vui khi Chiến tiến bộ nhanh như thể nếu không có cô thì anh vẫn tự học được như thế hoặc hơn thế. Thực ra Chiến đã tốt nghiệp đại học và giờ đang làm tại công ty gia đình, do phải trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài nên anh học thêm tiếng Anh. Nguyệt chỉ dạy anh tiếng Anh thôi chứ còn vốn hiểu biết và sự từng trải thì anh mới là thầy của Nguyệt.

 

Chỉ một thời gian ngắn làm việc, tình cảm “cô trò” đã như quen biết từ rất lâu. Khoảng cách giữa người dạy và người học cứ ngày được rút ngắn. Chiến lại rất ga lăng, những hôm nào học muộn Chiến đều đưa Nguyệt về tận nơi, đôi khi còn không quên giúi vào tay “cô giáo” một món quà đã kỳ công chuẩn bị.

 

Mới tốt nghiệp đại học, chưa biết làm gì với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ, Nguyệt thấy thật may mắn khi làm gia sư cho anh, cô còn thấy may mắn hơn khi nghĩ đến một kết thúc có hậu. 

 

Không biết từ bao giờ Nguyệt mặc định Chiến chính là người yêu của mình mặc dù không có một lời tỏ tình của Chiến. Nguyệt luôn đinh ninh: “Có lẽ anh ấy ngại, mà tình yêu thì cần gì nói lên lời, ánh mắt đã nói lên tất cả”. Chiến chẳng biết có yêu Nguyệt hay không, nhưng có một cô gia sư “nhí” cũng khiến anh vui và học tập tốt hơn. 

 

Cái gì đến cũng đến, Nguyệt đã trao đời con gái của mình cho Chiến ngay tại căn nhà mà từ lâu cô đã coi nó là “chĩnh gạo”. Sau đó, Nguyệt được Chiến sắp xếp một chân trợ lý kiêm biên phiên dịch các hợp đồng làm ăn với đối tác nước ngoài. Cô rất hài lòng về công việc nhưng mối quan hệ giữa cô và “học trò” cứ nhạt dần.

 

Đến một hôm nhận được lời nhắn từ Chiến: “Anh sẽ sang Anh làm tiến sỹ, chưa biết bao giờ mới về, đừng chờ anh nhé” cô mới thực sự bàng hoàng, đổ vỡ. Hóa ra anh ném cô vào đây là để đền đắp những gì đã lấy từ cô. Đau đớn nhưng Nguyệt cũng hiểu được rằng tất cả chỉ do mình thêu dệt, chứ làm gì có mối tình nào giữa cô và Chiến.

 

Chuyện tưởng chỉ có vậy, cho đến một chiều Chiến nhận được điện thoại của bố: “Bố đã suy nghĩ rất kỹ, bố quyết định tái hôn, con về tham gia bữa cơm thân mật gia đình mình nhé”.

 

Trên chuyến bay về nước, bao luồng suy nghĩ cứ ẩn hiện trong đầu Chiến: “Mẹ mất đã được hơn 10 năm, biết bao người mối lái mà bố đâu có nhận đám nào. Chính Chiến cũng khuyên bố nên “đi bước nữa” để có người chăm sóc lúc tuổi già, nhưng bố cứ lắc đầu bảo ngoài mẹ con bố chỉ còn công việc. Vậy mà đùng một cái …”.

 

Chiến nửa mừng nửa lo, gặng hỏi bố trên điện thoại: “Vậy “cô dâu” là ai vậy bố?”. Như muốn làm một món quà bất ngờ cho anh nên bố chỉ trả lời: “Cứ về rồi sẽ biết”.

 

Chiến về đến nhà cùng một bó hoa và nụ cười rạng rỡ hạnh phúc mừng cho bố, nhưng nụ cười ấy vụt tắt khi hay tin cô dâu chính là…cô gia sư ngày nào.

 

Thì ra sau khi anh đi, Nguyệt đã đau khổ tột cùng và tìm cách trả thù. Không yêu được con, cô đã làm tất cả để có được bố.

 

Bố anh đã yêu Nguyệt thực sự, trông bố trẻ ra và yêu đời hơn rất nhiều, có lẽ cũng vì thế mà đám cưới được tổ chức chỉ sau 10 tháng kể từ ngày anh đi học. Anh thấy mừng cho bố nhưng cũng chẳng biết nói gì về những gì đã xảy ra giữa anh và… mẹ kế. Chỉ có Nguyệt là giờ đây thỏa mãn với ý nghĩ “chĩnh gạo” đã thuộc về mình.

 

Yêu chị thay em

 

Hùng yêu Nga từ hồi hai người còn ngồi trên giảng đường đại học. Mối tình của họ đẹp như bao mối tình sinh viên khác. Đến nhà người yêu chơi nhưng người hay tiếp chuyện Hùng lại là Hiền, chị của Nga. Hiền thường xuất hiện bên cạnh hai người vì đi đâu xa lạ là Nga lại lôi chị đi cùng cho “an tâm”, “mới lại không lẽ mình đi chơi lại bắt chị ở nhà một mình?”…Lâu dần Hùng cũng quen với sự xuất hiện của Hiền, dù đôi lúc muốn làm gì “lãng mạn” cũng khó.

 

Ra trường, cả Hùng và Nga đều nhanh chóng xin được việc làm, họ bận bịu với đời sống công sở, bỏ tình yêu nguội dần trước bao cám dỗ. Nửa năm sau Nga nói lời chia tay để chạy theo tiếng gọi của trái tim, “về dinh” cùng một anh trưởng phòng có thành phần gia đình “cơ bản”, Hùng cơ đơn cùng bao lời “thề non hẹn biển” trước đây. 

 

Buồn chán, Hùng bỏ bê công việc, đến giờ anh mới nhận ra chỗ dựa tinh thần duy nhất của anh là Nga và Hiền. Anh ngơ ngác chẳng biết làm gì khi người yêu quyết định “làm đám cưới” mà chú rể không phải là mình. Nhấc điện thoại một cách vô thần gọi cho Hiền, Hùng như muốn tìm một niềm an ủi trong trái tim đang tan chảy vì tê tái.

 

Hiền ngồi hàng giờ nghe Hùng tâm sự về những gì mình đã xây dựng cho tình yêu. Không bình phẩm, không chê trách, cô tìm cách an ủi trái tim Hùng bằng cái nắm tay ấm áp của một người chị. Những cuộc hẹn cứ dày thêm lên, những buổi xem phim, mua sắm đã khiến Hùng dần lấy lại thăng bằng. Không biết từ bao giờ Nga không còn là chủ đề nói chuyện của họ nữa. 

 

Lần gặp gỡ nào họ cũng đều nói chuyện vui vẻ và ngập tràn tiếng cười, hình ảnh của Hiền đã dần thay thế Nga trong trai tim Hùng dù đôi lúc anh vẫn cảm thấy cô đơn trống trải. Họ nói đủ thứ chuyện không biết chán, từ sở thích, thói quen đến công việc… Họ thấy bất ngờ và thú vị khi có khá nhiều điểm tương đồng.

 

Nga lên xe hoa cùng chồng tại một khách sạn nổi tiếng, Hùng và Hiền đến dự như những người thân nhất. Ánh mắt họ tìm đến nhau đầy ấm áp và chan chứa tình cảm. Hùng thấy thật ngạc nhiên khi cách đây chưa đầy ba tháng anh còn đau khổ tột cùng, thế mà giờ đây lại có cảm giác như đang cùng người yêu đi dự lễ kết hôn của một cô em gái.

 

Trong buổi tiệc đứng tràn ngập hạnh phúc, Hùng ghé sát tai Hiền và nói nhỏ chỉ đủ cô nghe thấy: “Em có muốn một đám cưới như thế này cùng anh không?”. Hiền nhìn anh đầy trìu mếm: “Thế anh còn muốn làm chú rể trong đám cưới này nữa không?”. Họ cùng cười hạnh phúc và nghĩ đến một tương không xa, hai người cũng sẽ là cặp uyên ương hạnh phúc trong một không khí như thế này. 

 

Bảo hiểm vì…tình yêu

 

Khi cả công ty đang xôn xao chuyện đội mũ bảo hiểm khi ra đường, người đồng tình, kẻ phản đối thì mọi người mới chợt nhận ra một hình ảnh quen thuộc bấy lâu của Nhung. Nhung người nhỏ nhắn, đi làm bằng chiếc xe wave cũng nhỏ như cô nhưng chiếc mũ bảo hiểm thì to tướng, mà là loại có hàm và có kính hẳn hoi. 

 

Vốn là đồng nghiệp khá thân của Nhung, tôi không khỏi tò mò về một thói quen còn đang xa lạ với người Việt Nam, gặng hỏi mãi nhưng lần nào tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời duy nhất: “Chuyện dài lắm, để khi nào có thời gian em sẽ kể”.

 

Cái ngày mà Nhung “có thời gian” rồi cũng đến, Nhung gọi tôi và hẹn ra một quán cà phê tâm sự. Một cô gái nhỏ nhắn, sống nội tâm, hơi khép mình lại gọi tôi ra uống cà phê để tâm sự cho đỡ buồn đồng thời cũng để nói lời tạm biệt khiến tôi không khỏi bất an.

 

Chờ người phục vụ mang ra hai tách cà phê, ngồi nhìn từng giọt cà phê rơi đều, đôi mắt Nhung bỗng buồn xa xăm: “Ngày mai em sẽ bay vào Sài Gòn anh ạ”. Tôi quá bất ngờ, chưa kịp hỏi thêm gì thì những giọt nước mắt như thể tủi hờn đã kìm nén từ lâu lắm rồi đã lăn dài trên gò má Nhung.

 

Nhung yêu Khánh từ ngày còn là nữ sinh lớp 11. Cô ngập tràn trong tình yêu với bao ước mơ thầm kín của một trái tim thiếu nữ mới lớn. Mọi chuyện bắt đầu bất ổn từ khi cô vào đại học. Không hiểu vì sợ mất người yêu hay sao mà Khánh trở nên “côn đồ” và ghen tuông khủng khiếp.

 

Tất cả các bạn học của Nhung đều sợ Khánh, các bạn trai có ý định làm quen với Nhung là ngay lập tức nhận được thông điệp hãy từ bỏ ý định nếu còn muốn tiếp tục đi học. Điện thoại của Nhung có số nào mới là ngay lập tức người đấy bị truy vấn đến ngọn ngành. Có tin nhắn lạ trên ghẹo từ các bạn trong lớp là Nhung phải xóa ngay, có lần Khánh biết đã tát cô một cái như trời giáng: “Nó là thằng nào? Sao lại phải xóa tin?”. Cũng kể từ đây, Nhung phải chịu thêm thói “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” tay của người yêu.

 

Cứ như thế, mọi hoạt động quan hệ của Nhung đều bị Khánh kiểm soát. Nhiều hôm đi chơi mệt, Nhung muốn về sớm, lập tức Khánh đùng đùng nổi giận: “Về sớm làm gì? Hay cô còn muốn đi cùng thằng nào?”. Lời qua tiếng lại, Nhung trở thành nạn nhân của bạo lực, có khi mặt mày thâm tím.

 

Nhung chịu đựng “người yêu” hết thời sinh viên. Ra trường, cô nghĩ không thể đi làm yên ổn nếu không đủ can đảm nói lời chia tay. Một buổi chiều đi chơi về, cô đã nói lời chia tay và kiên quyết không gặp Khánh.

 

Chia tay đâu phải cứ nói là hết, Nhung trở thành mục tiêu “trả thù” của Khánh. Cô liên tục nhận được những cuộc điện thoại và tin nhắn đe dọa từ Khánh. Cực chẳng đã, cô phải thay số điện thoại. Nhưng chưa hết, một buổi chiều về nhà cô còn nhận được một mẩu giấy với dòng chữ nguệch ngoạc: “Em sẽ phải nếm mùi axit vì đã phản bội anh”. 

 

Tưởng đấy chỉ là lời đe dọa của một kẻ quen thói côn đồ, ai dè một buổi chiều đi làm về, đang loay hoay mở cổng thì một người phóng xe máy qua và hắt thẳng vào mặt cô một cái gì đó. Linh tính mách cô đó là axit, cô hét lên và ngã gục xuống, sợ hãi, kinh hoàng.

 

Một lúc sau, không thấy đau đớn, Nhung vào nhà chạy thẳng tới buồng tắm rửa ráy và soi gương, hóa ra đó không phải là axit mà là một thứ nước Nhung không thể gọi tên. Sau đó Nhung còn nhận được rất nhiều lời đe dọa kiểu như: sẽ bị xe tông, bị cắt tai…

 

Chẳng dám báo công an, mà cũng chẳng biết báo vì lý do gì, nhưng kể từ đấy, cứ ra đường là Nhung đội mũ bảo hiểm. Cô biết Khánh cũng chẳng dám làm gì nhưng ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi lòng thù hận vượt lên tính người.

 

Tách cà phê đã nguội từ bao giờ, tôi không ngờ một cô đồng nghiệp xinh xắn đến đến vậy lại là “nạn nhân” của tình yêu từ nhiều năm nay.

 

Ngày mai Nhung sẽ bay vào miền đất mới, xa Hà Thành cùng bao kỷ niệm vui buồn. Tôi thầm chúc cho cô ở nơi xa ấy sẽ tìm được tình yêu và hạnh phúc đích thực. Hy vọng cô vẫn giữ thói quen đội mũ bảo hiểm khi ra đường như một thói quen văn minh chứ không phải vì những lời đe dọa.

 

Thanh Phong