Cô độc trong nhà chồng

(Dân trí) - Tôi lấy chồng khi sắp bước vào tuổi ba mươi. Không còn quá trẻ, tôi khi ấy đã nếm trải tương đối đủ những ngọt nhạt, mặn đắng của cuộc đời. <i/>(Dauhoi_vonghia@...)</i>

Cô độc trong nhà chồng



Tôi cứ nghĩ đã đủ trải nghiệm để trở thành một người vợ đảm, một người con dâu chu toàn đạo lý. Tôi thu mình nhún nhường chờ đợi một ngày mọi người trong gia đình mới sẽ đón nhận tôi chân thành yêu mến. Nhưng rồi tôi dần thất vọng... có lẽ do hai vợ chồng gần nhau suốt hai năm trời mà tôi không đậu thai.

Thời gian đầu họ ít tỏ thái độ, đến khi biết rõ mười mươi là “lỗi của vợ”, họ quay ngoắt thái độ với tôi.

Họ “tra tấn” tôi bằng mẩu tin về người hàng xóm vừa mới sinh một đứa bé kháu khỉnh, họ “đá đểu” tôi nhờ những câu chuyện về con bé nhà ông Hà nào đó, ngày còn học đại học, ngủ với bạn trai bị chủ trọ bắt gặp làm ầm lên, thế rồi có chửa, phải đi nạo, giờ lấy được thằng khác rõ tử tế thì chẳng đẻ nổi. Rồi như có tiếng ai nói xa gần rằng, phụ nữ chẳng phải tự dưng mà lại vô sinh, có khi hồi trẻ ham chơi để rồi về già hối hận…

Lúc nào mẹ chồng cũng rên rỉ thậm thụt nói với bố chồng tôi rằng tại chồng tôi vào Biên Hòa công tác nên cái cô bé Vy đó mới ngã lòng đi lấy người khác, và rồi bà lại tiếc cô dâu hụt ở phía miền tây sông nước, ngày ấy chồng tôi có đưa về ra mắt nhưng vì người miền trong tự nhiên và thẳng thắn quá, ai lại lần đầu tiên đến nhà bạn trai mà thấy đói, hồn nhiên mở nồi cơm nguội ra rồi lấy thức ăn ăn, và trong nhà nóng quá liền bưng hẳn ra ngoài cổng ăn cho thoáng, hàng xóm đi qua cứ chỉ trỏ chẳng hiểu con bé nhà ai mà lại “vô dạng” thế. Dường như không hợp với sự cặn kẽ, khắt khe ngoài này nên ông bà góp ý là thôi, nhất quyết kéo chồng tôi về.

Những câu chuyện ấy họ kể đi kể lại, như để mua vui, nhưng tôi chẳng thấy vui tẹo nào, tôi biết họ đang tiếc và có lẽ còn tiếc thêm nhiều trường hợp nữa, còn trường hợp không đáng tiếc nhất là tôi thì tại sao cứ ngày ngày hiện hữu trước mắt họ.

Họ khiến tôi lúc nào cũng nhìn tôi bằng đôi mắt ngấn nước, bằng sự đau đớn. Ai hỏi cũng thấy họ rơm rớm rồi rơi nước mắt nói “buồn lắm cô ơi” và tôi hiểu mình đã tước đi niềm vui được bế cháu của họ.

Ở nơi này tôi không được đón chào. Có lẽ ngày tôi nói giải thoát cho con trai họ sẽ là ngày họ mở hội ăn mừng, còn vui hơn ngày chúng tôi cưới.

Mảnh đất ngày nào chúng tôi góp tiền mua cũng được họ khéo léo nhận để mình làm thủ tục cho tiện, “các con bận đi làm sợ không có thời gian”. Và giờ hẳn nhiên nếu tôi ra đi sẽ chỉ còn hai bàn tay trắng. Điều đó không sợ bằng việc cõi lòng tôi trống rỗng, vô cảm, nơi những con người sống cùng nhau đã lâu mà vẫn hoàn toàn xa lạ. Những đơn côi ghẻ lạnh khiến tôi cho rằng mình có thể sống một mình cũng không thể buồn mà chết. Tôi bỗng thấy rằng, có khi chưa con cái gì lại là điều may...