Chuyện con đi học: Khi “tuần trăng mật” đã qua

(Dân trí) - Hầu hết các ông bố bà mẹ đều tỏ thái độ ngạc nhiên, tự hào khi thấy em bé nhà mình trong giai đoạn đầu đi lớp không khóc nhè hoặc thích nghi rất tốt. Song chỉ một vài tháng sau, mọi sự đã khác, bắt đầu có những trận mè nheo...


Nguyên lí “tuần trăng
mật”



Nguyên lí “tuần trăng mật”

Trẻ em tự nhiên có bản năng kiềm giữ những cảm xúc căng thẳng, các bé chỉ thoải mái bộc lộ trạng thái tâm lý này giữa những người thân thương nhất.

Khi một đứa trẻ bước vào môi trường lớp học hoàn toàn xa lạ, nó sẽ rất cẩn trọng, đơn giản vì chưa có được cảm giác an toàn như khi ở bên bố mẹ hay những người lớn mà nó thấy tin tưởng. Các bé không biết chắc sẽ thế nào nếu mình “hành xử không được tốt”, cũng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình la khóc hay bộc lộ bản thân quá nhiều.

Thời gian qua đi, lòng tin được xây dựng và mối quan hệ giữa trẻ với các cô giáo được củng cố. Cô giáo được trẻ đưa vào trong “vòng tròn tin tưởng” và trẻ bắt đầu thoải mái hơn với cô, ngay cả trong việc bộc lộ những cảm xúc nóng giận của mình.

Dấu hiệu “trăng mật” đã đi qua

Thông thường khoảng 4-6 tháng sau ngày đầu tiên con tới lớp, bạn sẽ nhận thấy cách ứng xử của con với việc đi học có nhiều thay đổi.

Đứa trẻ có thể có những lúc la khóc mất bình tĩnh khi đến giờ đi học, hoặc ỉu xìu nói với mẹ rằng bé không muốn đến trường. Bạn có thể cũng bắt đầu được nghe cô giáo thông báo lại rằng con mình có những thay đổi trong hành vi, ví dụ trở nên “đanh đá” hơn với các bạn cùng lớp.

Đây thường là những dấu hiệu cho thấy con bạn đã thoải mái hơn với môi trường lớp học, với cô giáo và bạn bè. Từ lúc này bé đã thấy an toàn và bắt đầu mở rộng ranh giới, “thò chân ra thử nước”.

Bố mẹ nên làm gì?

Điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy rõ ràng với con về những mong muốn của bố mẹ và những ranh giới dành cho con. Trao đổi với cô giáo để cô nói chuyện với con thường xuyên hơn và uốn con vào cách cư xử đúng mực, đưa ra những “hình phạt” phù hợp nếu con phá bỏ kỷ luật. Phải chắc chắn rằng mỗi sáng con đều phải đến trường, không có chuyện nhượng bộ mong muốn được ở nhà của con. Hãy ngợi khen con khi cô giáo có những thông báo tích cực về con đến bố mẹ.

Khi có thể còn vấn đề gì khác...

Bất cứ khi nào đứa trẻ muốn nói với bạn về việc đi học của bé ở trường, hãy lắng nghe cẩn thận, điều đó rất quan trọng. Bởi, cho dù quen với môi trường lớp học, cô giáo và bạn bè là lý do thông thường cho sự thay đổi hành vi của trẻ, bố mẹ vẫn nên tìm hiểu thật kỹ để biết rõ ràng chuyện gì đang diễn ra.

Trong khi cố gắng tìm hiểu thêm thông tin về những điều con đang nói, hãy hỏi những câu hỏi mở như: “Hôm nay điều gì con thích nhất/ không thích nhất ở trường?” để có cái nhìn sâu hơn về tình hình của con. Bất ngờ ghé thăm trường con cũng giúp bạn có thêm thông tin và hiểu rõ bé được chăm sóc ở trường như thế nào.

Cũng giống như một cuộc hôn nhân, khi mọi người bắt đầu thực sự hiểu nhau, thì càng nhiều đặc điểm tính cách, lối cư xử được bộc lộ. Khi tin tưởng cô giáo hơn và phát triển được những mối quan hệ của riêng mình, con bạn sẽ trở nên thoải mái và tự tin đến lớp.

HA
Theo MST