Bí mật lúc cuối đời

(Dân trí) - Ông bà cùng lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với nghề trồng hoa ở ngoại thành. Ông cường tráng khỏe mạnh, chăm hiền nhất xóm, bà thường chỉ dám đứng từ xa ngưỡng mộ ông.


Hình minh họa: Corbis
Hình minh họa: Corbis


Mặt bà đỏ bừng khi biết tin bố mẹ ông sang dạm ý nhà bà, dù gì bố mẹ bà cũng là người được kính trọng nơi đây. Bà thì là cô thôn nữ xinh xắn và ngoan ngoãn, đảm đang có tiếng. Vậy là thật xứng đôi vừa lứa với ông.
 
Khi bố mẹ có lời đôi bạn trẻ bắt đầu hò hẹn, để khi nào con trăng tròn tháng tám sẽ về với nhau.

Ngày cuối tuần ông tranh thủ về quê, chiều ý bà muốn về Hà Nội ngắm phố, đôi uyên ương sắp cưới đạp xe chở nhau đi chợ Đồng Xuân chơi, nhân thể ông cũng muốn mua đôi chiếu để chuẩn bị cho ngày vui sắp tới. Trong lúc ông lúi húi chọn chiếu bà cũng “lỉnh” đi chọn đồ cho riêng mình.

Cô gái mới lớn choáng ngợp trước phố phường Hà Nội, cô cố chọn cho mình đôi áo con thật đẹp để làm duyên. Cuối cùng cũng lựa được đôi như ý, đúng lúc đó thì người yêu tìm đến nơi, cô trả tiền rồi dúi vội đôi áo quảy bước đi, ai ngờ bàn tay run run khiến cô đánh rơi túi đồ xuống đất, mặt cô đỏ tịm như quả bồ quân, đứng chết trân vì xấu hổ. 

Ông hiểu cảnh tình, nhưng vì đang vác đôi chiếu nặng liền dựng chiếu xuống bảo: “Em đỡ chiếu để anh nhặt cho”. Có thế thôi mà suốt quãng đường về cô gái trẻ không dám nói câu nào, thẹn thùng, giấu mặt cho đến tận hôm cưới… 

Để rồi trong thâm tâm, bà lúc nào cũng thấy ông như người anh hùng, sẵn sàng ứng cứu bà mọi lúc mọi nơi. Đó là kỷ niệm đầu tiên của ông bà với tình cảm thủa ban sơ, rụt rè và ngây thơ.

Ông đi công tác miền núi, xin cho bà về cùng cơ quan. Sau bố mẹ hai bên cùng già yếu, chẳng yên tâm bà liền xin về hưu non rồi về quê. Các con trưởng thành đi Hà Nội làm ăn cả, mình ông chu du trên mảnh đất miền núi ấy. Gia đình bảo nhau cố gắng thêm vài năm công tác, lấy chế độ hưu rồi yên tâm nghỉ ngơi.

Ông vẫn đều đặn hai tuần về một lần thăm bà, thăm bố mẹ già. Ông cũng chẳng ngại làm việc gì giúp vợ. Lũ con một lòng kính trọng bố, tự hào khi kể về gia đình, bà hài lòng khi nghĩ về chồng về con, một gia đình kiểu mẫu, hạnh phúc, êm đềm cho bất cứ ai nhìn vào…

Sự ra đi vì bệnh hiểm nghèo, chỉ sau có vài năm về hưu của ông là một mất mát vô cùng to lớn trong lòng vợ con, song nỗi đau ấy lại nhường chỗ cho một sự kinh ngạc đến buốt nhói.

Chú đồng nghiệp thân tín của ông đang tất bật với việc tang gia, chạy lại thì thầm phân bua với bà: “Chị ơi, để việc này qua, có thời gian em sẽ nói chị nghe, họ đến đây không phải để tranh giành gì đâu, tâm nguyện của cô ấy chỉ là muốn thắp cho anh nhà nén hương và để cho thằng con được nhìn mặt bố lần cuối”.

Cảm giác bị dối lừa khiến bà loạng choạng, bà muốn lao lên và cho kẻ bịa đặt kia một trận, nhưng rồi nhìn đứa bé có nét quen quen, bà vẫn kịp mời người ta ngồi và bảo con lấy hương cho mẹ con nhà nọ thắp cho người đã khuất.
 
Bà đã từng chẳng chê trách được ông điều gì, giờ bà trách ông lạc lòng, trách ông sao không tin tưởng. Ông có một thời gian dài nằm giường bệnh, chứ không phải ra đi đột ngột, vậy mà ông cũng không cho bà hay, lại phải nghe từ người khác. Trong khi bao năm qua vợ chồng vốn chẳng giấu đố nhau điều gì.

Thế rồi sau bao đêm nằm thao thức, bà lại nghĩ cho ông. Phải giấu niềm riêng trong lòng, hẳn ông cũng day dứt lắm. Đang đêm bà trở dậy thắp cho ông nén hương, nước mắt lăn dài: “Tôi cứ ngỡ ông chẳng có nhược điểm nào cơ đấy...”. 

Chỉ có đêm là nghe trọn những lời tâm sự rì rầm của bà với ông bên ban thờ.

TSL