Bánh chưng tày và duyên chồng vợ

(Dân trí) - Mỗi năm Tết đến, quê tôi có truyền thống gói 2 loại bánh chưng: bánh chưng vuông và bánh chưng tày. Bánh chưng tày giống y bánh tét của người Nam bộ. Nhưng người quê tôi không gọi nó là bánh tét, mà gọi là bánh tày.

  

Bánh chưng tày và duyên chồng vợ - 1

Ảnh: Kiwi

Điểm đặc biệt là bánh tày không bao giờ được mang lên bàn thờ thắp hương. Bánh thường được treo lủng lẳng trên gian buồng hoặc ở nơi khô, mát. Chờ đến tháng Giêng, khi bọn trẻ con đã quay lại đi học, bánh sẽ được xắt khoanh (khoanh tròn như khoanh giò), rán với mỡ, thành món quà sáng vàng ươm và giòn tan.

 

Muốn bánh giòn nhiều thì nên xắt khoanh mỏng. Thích bánh ít giòn hơn thì xắt khoanh có độ dày vừa phải. Cái độ giòn khi rán với mỡ lợn của bánh chưng tày thì bánh chưng vuông không thể sánh được. Nếu để ăn không thì bánh tày thường có độ cứng nên phải chờ ra Giêng rán thì bánh mới ngon và giòn. Tuy nhiên, cũng có khi thời tiết ấm nóng thì bánh chưng tày sẽ sớm lên meo (mốc) xanh, nhất là quanh 2 đầu bánh hoặc dọc thân bánh.

 

Ngoài bánh chưng tày truyền thống, tức là nhân thịt lợn và đỗ xanh, gọi là bánh mặn thì bánh chưng tày còn có loại ngọt. Loại này chỉ có nhân đỗ xanh ngào với đường đỏ, cũng có thể thay đường bằng mật. Khi cắn một miếng, dòng mật đỏ từ nhân tứa ra khỏi miệng, vị ngọt đậm đà thật khó quên. Nhà nào cũng có hai loại bánh mặn và ngọt, để đổi khẩu vị và cũng là để làm quà biếu cho những người con tha hương, quay trở lại thành phố học tập và làm việc.

 

Đầu những năm 1970, mẹ mới 18, còn bố 19. Lần đầu tiên, mẹ gặp bố là khi cả hai tham gia vở kịch của văn công xã. Bố vào vai anh bộ đội trẻ. Còn mẹ đóng vai người mẹ lên đơn vị thăm con trai - là bố - vào dịp Tết. Mẹ nhờ ông ngoại gói cho một chiếc bánh chưng tày từ hôm trước để mang đi đóng kịch.

 

Khi mẹ chuẩn bị về thì xe đạp bỗng dở chứng… tuột xích. Bố, lúc đó, đóng vai một người hùng hăm hở lắp xích xe cho mẹ. Trời xuân, lạnh se se mà bố mồ hôi đầm đìa, còn mẹ vừa ngồi trên vỉa hè của kho hợp tác xã vừa ôm bánh chưng, vừa e ngại nhìn ông thợ sửa xe bất đắc dĩ. Lụi cụi một hồi thì xe cũng chạy ngon lành. Mẹ chưa kịp cảm ơn thì bụng bố phát ra âm thanh lạ, cứ sôi eo éo như tiếng còi báo máy bay địch. Bố cười cười giãy bày: “Tại mải đi đóng kịch, chưa kịp ăn cơm tối”.

 

Mẹ nhanh nhẹn chỉ tay vào cái bánh: “Hay ăn bánh nhé” (bố mẹ chênh nhau một tuổi nhưng hồi đó, toàn nói trống không như thế). Bố gật đầu, mẹ hồ hởi tháo lạt, bóc lớp lá đầu tiên rồi lật mặt trong của lá dong, dải lên chỗ sạch nhất của sân kho. Kẹp chặt một đầu lạt trong miệng, đầu lạt còn lại nằm trên tay phải của mẹ, còn tay trái giữ chắc phần thân bánh. Muốn cắt một khoanh bánh, mẹ dùng tay phải đưa lạt thành một vòng tròn. Sản phẩm lần lượt là một khoanh bánh tròn như bánh xe đạp. Tương tự như cách người ta cắt giò lụa, nhưng không thể dùng dao vì bánh chưng phải được cắt bằng chính cái lạt buộc ở thân nó.

 

“Ăn đi”, mẹ nhìn bố, gợi ý. Bố lại cười, rồi chìa bàn tay đen xì dầu nhớt của xích xe đạp. Mẹ ngượng ngượng, đề nghị: “Lót lá cho ăn vậy nhé”. Bố gật đầu. Mẹ khéo léo bọc một lớp lá dày vào nửa vòng bánh và đưa cho bố. Hai người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ.

 

Mải mê đến mức, chị gái của mẹ phải đạp xe ra sân kho, gọi: “Gái (ở nhà mẹ được ông bà ngoại gọi thế), về ngay. Thầy sắp mang roi đi tìm đấy” thì mẹ và bố mới cuống quýt chia tay.

 

Sau lần đó, chẳng hiểu bố lấy tin kiểu gì mà nhanh chóng kết bạn được với người cháu ruột của mẹ. Hai cô cháu bằng tuổi, ở sát nhà, chung một cái ngõ vào, lại rất thân nhau. Mỗi lần thấy bố đến chơi với cháu mình, mẹ lại hỏi một câu thật ngốc: “Đi đâu thế? Vào đi, nó (cháu của mẹ) đang ở trong nhà ý”. Nói xong, mẹ “tót” sang nhà cô bạn gái thân. Nhiều lần như thế, bố ức lắm mà không làm gì được. Lấy hết can đảm, chỉ chờ nghe mẹ nói: “Nó ở trong nhà ý” là bố cương quyết: “Không chơi với nó. Đến chơi với Gái mà”. Thế là, “tèn tén ten”…

 

Đúng Tết năm sau, bố mang bánh chưng tày biếu cho ông bà ngoại. Nhưng đến cổng thì bị con chó đẻ nhà mẹ nhăm nhe đòi… đớp mông. Bố quẳng xe đạp, nhảy ùm xuống cái ao bên trái nhà, thoát thân. Lúc ông bà ngoại và mẹ chạy ra thì thấy bố lóp ngóp dưới ao, mấy cái bánh chưng chênh vênh ở mép ao, có cái bị ngâm nước ao quá nửa.

 

Mẹ chạy sang nhà cháu ruột tìm quần áo cho bố. Còn ông ngoại dạy bố làm bánh chưng tày, coi như để hoàn lại số bánh bố định biếu nhưng hỏng. Sau đó, bố đi bộ đội, vào Nam. Còn mẹ làm bán hàng cho một cửa hàng lương thực trên thị xã. Bố mẹ vẫn thư từ cho nhau đều đặn. Mẹ còn thêu khăn tay có đôi chim bồ câu trắng, tặng bố. Mãi đến năm 24 tuổi, mẹ mới kết hôn cùng bố. Bây giờ, mỗi dịp Tết đến, mẹ thường nhắc lại kỷ niệm đẹp của hai người, với biết bao yêu thương.

 

Trang Nhung