V-League sẽ lại cuốn hút người hâm mộ đến sân?
(Dân trí) - Nếu có nhiều trận đấu như Hà Nội T&T – SL Nghệ An ở vòng 4 thì V-League chắc chắn sẽ ngày càng hấp dẫn, chất lượng và lôi kéo được người hâm mộ đến sân trở lại…
Từ choáng ngợp rồi đến sung sướng có lẽ là cảm giác của nhiều khán giả thủ đô có mặt trên sân Hàng Đẫy chiều chủ nhật vừa qua. Đơn giản vì lâu lắm rồi, nói theo khẳng định của nhiều người là đã gần 15 năm trôi qua, kể từ Tiger Cup 1998, giải đấu mà ĐTVN chơi thăng hoa và sân Hàng Đẫy lần đầu tiên chật kín khán giả, họ mới được sống trong một không khí bóng đá đúng nghĩa: nóng bỏng, cuồng nhiệt, nghẹt thở…
Hình ảnh các CĐV Nghệ An trên sân Hàng Đẫy chiều 7/4 - Ảnh: Gia Hưng
Bất cứ một ai yêu bóng đá được chứng kiến những hình ảnh trên đều cảm thấy sướng, đều khó lòng quay lưng với V-League, giải đấu vốn là niềm tự hào, là nơi tôi luyện những nhân tài cho các ĐTQG.
Người Nghệ An xưa nay nổi tiếng với bóng đá và cả tình yêu bóng đá. Bất cứ một trận đấu nào của SL Nghệ An đá ở sân Vinh, CĐV kéo đến sân chật kín, biến nơi đây thành chảo lửa, kể cả những trận đấu sân khách quan trọng. Nên chẳng lạ gì khi đội nhà đá với “đại kình địch” Hà Nội T&T, CĐV xứ Nghệ kéo về thủ đô đông như thế để “uy hiếp” tinh thần.
Ngoài truyền thống, chúng ta cũng nên nhìn tình yêu bóng của người Nghệ ở một góc độ khác. Đó là vì họ đang có một đội bóng bản sắc. SL Nghệ An của hiện tại rặc chất Nghệ, từ quân đến tướng. Ngay cả đứa con lưu lạc như Công Vinh cũng tìm về quê hương đủ thấy bóng đá Nghệ An đang tìm lại chính mình.
Và nhắc đến hai từ bản sắc mới cảm thấy chạnh lòng cho V-League bởi còn có đội bóng “nhập cư”, thay tên đổi họ xoành xoạch khiến những trận đấu “sân nhà” của họ chỉ lèo tèo khán giả. Cũng đã xuất hiện tình trạng CLB bỏ tiền ra “thuê” dàn chân dài, những gánh hát về mua vui như một “chiêu” hút khán giả đến sân. Chừng đó thôi đủ thấy, có một sự thiếu bền vững trong cách nghĩ về tình yêu bóng đá của những người làm bóng đá.
Với những đội bóng không bản sắc như SL Nghệ An thì làm gì để lôi kéo được người hâm mộ đến sân cổ vũ họ. Câu trả lời khả quan nhất chính là phải luôn ra sân với tinh thần cống hiến, kế đến là xây dựng cho được một lực lượng vững mạnh, một lối đá bản sắc. Hà Nội T&T có thể là ví dụ rõ nhất.
Còn nhớ lần đội bóng của bầu Hiển đăng quang V-League 2010, không khí trên sân nhà Hàng Đẫy thật “lạnh lẽo” khi có rất ít khán giả đến chia vui. Nhưng đến bây giờ, những trận đấu bình thường của họ thôi cũng khá đông khán giả. Có được điều này là nhờ thầy trò HLV Phan Thanh Hùng luôn biết hướng đến người hâm mộ bằng cách tạo ra một tập thể có bản sắc, có sức cống hiến cao để dần đà khán giả thủ đô quen rằng Hà Nội T&T chính là đội bóng của họ.
Ngoài SL Nghệ An, Hà Nội T&T, V-League hiện có nhiều đội bóng sở hữu lực lượng CĐV rất cuồng nhiệt, đó là SHB Đà Nẵng, V. Hải Phòng, K. Kiên Giang, Đồng Nai…
Sân Chi Lăng ít trận nào dưới 10.000 khán giả đến sân cổ vũ cho thầy trò Lê Huỳnh Đức. Khán giả Đà Nẵng cuồng theo cách riêng nhưng nhiệt chẳng kém ai. Xét về khán giả, sân Chi Lăng rất có bản sắc. Hay như Lạch Tray, sân bóng này xưa nay được mệnh danh là “chảo lửa” bởi người hâm mộ bóng đá đất cảng Hải Phòng nổi tiếng cuồng nhiệt.
Sân Biên Hòa bây giờ cũng được xem là giàu sức sống bóng đá. Người hâm mộ Đồng Nai vẫn còn một tình yêu thuần khiết với bóng đá sau khi thầy trò HLV Trần Bình Sự được đặc cách lên V-League. Nói không quá, suất dự V-League của Đồng Nai như món quà vô giá, giải tỏa cơn khát bóng đá của người hâm mộ nơi đây. Vấn đề đặt ra là Đồng Nai phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa mới có thể chống chọi với sự cạnh tranh khắc nghiệt của V-League, để giữ lửa bóng đá trong trái tim người hâm mộ…
Khi bóng đá Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng đầu mùa giải này, có nhiều ý kiến bi quan rằng V-League sẽ “chết”, ít nhất ở góc độ không có khán giả. Thế nhưng, nếu có thêm những đội bóng như SL Nghệ An, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng… thì lo gì V-League số phận hẩm hiu.
Khánh Quang