Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 16
Lực sỹ Hoàng Anh Tuấn khó giữ huy chương châu Á
(Dân trí) - Đang là đương kim Á quân Olympic Bắc Kinh 2008 và đương kim Á quân ASIAD 15, thế nhưng việc bảo vệ được tấm HCB với Hoàng Anh Tuấn tại ASIAD 16 đang trở nên rất xa vời...
3 bức tường cao chờ đón
Nếu như tại ASIAD 15 và cả Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ số 1 Việt Nam chỉ để thua 2 đối thủ vỏn vẹn có 2kg để nhận HCB trong sự nuối tiếc thì tại ASIAD lần này, đối thủ của Hoàng Anh Tuấn không chỉ còn một người duy nhất. Suốt từ tấm HCB lịch sử tại kỳ Olympic 2008, thành tích của Hoàng Anh Tuấn liên tục đi xuống cả ở cấp độ quốc tế và giải VĐQG.
Điểm nhấn trong sự tụt dốc không phanh của lực sĩ quê Bắc Ninh chính là thất bại ê chề tại SEA Games 25 sau khi trắng tay ở giải đấu tưởng chừng không có đối thủ này. Thế nhưng, thất bại khiến nhiều người lo nhất chính là tại giải VĐTG mới kết thúc hồi giữa tháng 9.
Trước khi bước vào phần thi của mình, nếu chỉ nhìn vào thành tích đã có và cả những báo cáo tập luyện đầy “màu hồng”, Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có thể bước lên bục huy chương của sân chơi thế giới. Tuy nhiên, Tuấn đã cho thấy mình không còn là một “hiện tượng” như 2 năm trước đây khi chỉ đứng hạng tư chung cuộc với thành tích cử giật là 123kg, cử đẩy 150kg (tổng cử 273kg).
Bên cạnh sự xuống phong độ cùng tâm lý thi đấu không được cải thiện nhiều thì một nguyên nhân lớn khác khiến lực sĩ VN thất bại là do các đối thủ quá mạnh. Người đứng thứ nhất là Wu Jingbiao (Trung Quốc), cử giật 132kg - cử đẩy 160kg, tức là hơn Tuấn tới 19kg (tổng cử). Ngay cả người đứng thứ 2 cũng là một lực sĩ của Trung Quốc, Qingquan Long đoạt thành tích 127-161, hơn Tuấn tới 15kg.
Nhiệm vụ vượt qua 2 lực sĩ này của Anh Tuấn là gần như không thể, song vị trí thứ 3 với Anh Tuấn cũng trở nên mong manh khi lực sĩ Cha Kum Chol (CHDCND Triều Tiên) cũng hơn hẳn Tuấn tới 8kg. Đây chính là 3 bức tường cao nhất tại ASIAD lần này, nếu như Hoàng Anh Tuấn không chiến thắng được ít nhất 1 đến 2 người, cơ hội giành huy chương sẽ tan biến.
Còn 1% cũng phải cố gắng
Sau thất bại tại giải VĐTG, Trưởng bộ môn cử tạ (TC TDTT) Đỗ Đình Kháng cho rằng đó không phải là sức mạnh thực của Hoàng Anh Tuấn. Là người trực tiếp huấn luyện cho Tuấn cũng như được báo cáo rất chi tiết thành tích tập luyện của Tuấn từ Trung Quốc gửi về, ông Kháng khẳng định, Tuấn đủ sức đạt thành tích trên 180kg.
Điều này xứng đáng được ghi nhận nhưng Tuấn vẫn còn một điểm yếu nữa chưa thể khắc phục đó là tâm lý thi đấu. Chính ông Kháng phải thừa nhận, do cú vấp ngã tại SEA Games 25 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của Anh Tuấn trong việc chọn mức cân.
Nếu Tuấn cứ mạnh dạn chọn mức tương đương với mức trong tập luyện thì có thể mọi chuyện đã khác. “Môn cử tạ có một đặc thù là ngay cả VĐV vượt trội về sức mạnh nhưng tâm lý thi đấu không vững vàng, cùng việc tính toán nâng mức tạ không hợp lý sẽ trắng tay là chuyện bình thường”, ông Kháng cho biết.
Như vậy, hy vọng có huy chương với cử tạ Việt Nam và cũng là của Tuấn đang phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố tâm lý thi đấu. Sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về, Hoàng Anh Tuấn lại sang Trung Quốc bước vào chu kỳ hoàn thiện. Với thời gian ít ỏi còn lại, hy vọng nhà Á quân Olympic sẽ khắc phục được những hạn chế của mình trước khi bước vào tranh tài tại ASIAD lần này.
Cơ hội không nhiều, nhưng chỉ là 1% cũng phải cố gắng hết sức. Nên nhớ là tại Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ cần cố thêm 1% nữa là đã có tấm HCV.
Bài và ảnh: An An