1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Iran - Nigeria: Sức mạnh của “những chú đại bàng xanh”

(Dân trí)- Nằm ở bảng F có nhiều đối thủ mạnh, cả Nigeria lẫn Iran đều hiểu rõ trận đối đầu trực tiếp này có ý nghĩa quan trọng trong việc giành vé đi tiếp. Người hâm mộ thế giới hy vọng sẽ được chứng kiến “đại bàng xanh” Nigeria phô diễn bộ mặt ấn tượng ở Arena da Baixada.

*2h00 ngày 17/6, sân Arena da Baixada

Nigeria và Iran đều là những đội tuyển thu hút sự quan tâm đặc biệt ở các kỳ World Cup. Từ khi trở thành thế lực hàng đầu ở châu Phi thì trừ năm 2006, họ đều giành quyền tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ thế giới.

Với thế hệ lừng danh của những Okocha, Kanu, Amokachi, Sunday Oliseh, Nigeria đã gây tiếng vang lớn khi giành quyền vào vòng knock-out và chỉ bị loại đầy đáng tiếc. Lối chơi giàu thể lực nhưng đầy kỹ thuật, cùng tinh thần chiến đấu bất tận của Nigeria là những điểm sáng họ để lại trong các kỳ World Cup.


Nigeria thất bại toàn diện ở vòng bảng World Cup 2010

Nigeria thất bại toàn diện ở vòng bảng World Cup 2010

Trong khi đó với Iran, đây là World Cup thứ 4 họ được tham dự nhưng thời điểm này, họ không được đánh giá cao. Bóng đá Tây Á đã sa sút quá nhiều khi đặt trong sự so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và việc Iran giành quyền đến Brazil năm nay một phần do sự may mắn.

Iran luôn được biết đến là đội bóng có lối chơi tấn công quyến rũ, nhưng điều đáng chú ý là họ chỉ ghi được có 5 bàn/10 trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Dưới thời HLV Carlos Queiroz, Iran đã chơi thực dụng đi khá nhiều và với họ, kết quả mang ý nghĩa quan trọng nhất.

Trước khi World Cup diễn ra, Iran còn bị coi là đội tuyển yếu nhất giải và số phận đã đưa họ rơi vào bảng đấu mạnh với hai thế lực là Argentina và Bosnia. Nếu nuôi hy vọng mong manh cho lần đầu tiên được lọt vào vòng trong, thì Iran phải vượt qua được chướng ngại vật đơn giản nhất mang tên Nigeria.

Bóng đá Nigeria không còn nhiều ngôi sao hàng đầu như các năm 1994, 1998 và thành tích tệ hại ở World Cup 2010 đã nói lên thực lực của nền bóng đá này. Tuy nhiên dưới thời HLV Keshi đang có được phong độ rất cao và lối chơi của họ rất nhuần nhuyễn dựa trên nền tảng kỹ thuật khá tốt.

HLV Keshi là người ưa thích phong cách tấn công tổng lực và ông vận dụng linh hoạt sơ đồ 4-3-3 thành 4-2-3-1 hay thậm chí cả 4-2-4 khi đội nhà cần ghi bàn. Nền tảng thể lực dồi dào của các cầu thủ cùng khả năng dẫn dắt lối chơi của John Obi Mikel khiến Nigeria là một ẩn số năm nay.


Iran (trái) không được đánh giá cao ở World Cup năm nay

Iran (trái) không được đánh giá cao ở World Cup năm nay

So với Nigeria, Iran bị đánh giá yếu hơn về nhiều mặt, đặc biệt là thể lực. Chất lượng cầu thủ của Iran hiện tại là khá đều đều, họ không còn những nhân tố đặc biệt như Ali Daei, Karim Bagheri để có thể đe dọa khung thành đối phương, nên yếu tố phòng ngự được HLV Queiroz đặt lên hàng đầu.

Cầu thủ đáng chú ý nhất bên phía Iran chính là tiền vệ tấn công Nekounam, người đã có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến ở La Liga trong màu áo Osasuna. Nhưng một mình cầu thủ đang chơi cho Kuwait FC khó có thể làm nên điều kỳ diệu cho Iran, nhất là khi anh không còn duy trì phong độ đỉnh cao như quá khứ.

Iran đang bị đánh giá thấp hơn hẳn Nigeria và chỉ có phép màu mới giúp họ làm nên bất ngờ. Trong bóng đá, mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra và đây là cũng là lúc thử thách tài năng của HLV Queiroz, người đã thất bại khi dẫn dắt Real Madrid lẫn tuyển Bồ Đào Nha, nhưng biết đâu vị HLV tài năng này lại thành công với một đội tuyển như Iran.

Iran - Nigeria: Sức mạnh của “những chú đại bàng xanh”

Kiều My