1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá Việt Nam năm Ất Dậu:

Chuyện 12 con giáp

(Dân trí) - Sẽ không sai khi nói rằng năm Ất Dậu vừa qua là một năm đại hạn với làng cầu Việt Nam. Một năm dài đã nặng nề khép lại với vô vàn sự vụ cùng không ít những hệ luỵ nhỡn tiền và dai dẳng. Nhưng những người lạc quan cũng đã kịp nhìn thấy những tia sáng của hi vọng được thắp lên trước cánh cửa giao thừa.

Trong thời khắc chuyển giao tiễn năm cũ Ất Dậu để đón năm mới Bính Tuất, ấy cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện của bóng đá nước nhà trong một năm đầy biến động cùng sự hoá thân của 12 con giáp.

 

Tý: Đuôi chuột, đầu voi

 

Đầu năm, chao ôi, bao nhiêu lời tuyên bố hùng hồn. Nào chuyện ông Tuân, người nắm cái hầu bao của M.Hải Phòng thề sống chết đội bóng của ông sẽ chơi một thứ bóng đá sạch sẽ. Nào những lời to tát được đọc vanh vách như những lời tụng niệm đã thuộc lòng tại đại hội của VFF. Rồi nào một ông trọng tài khẳng khái trước với câu nói “bất hủ”: “Tiền tỷ cũng không mua được tôi”.

 

Còn bao nhiêu lời đường mật, bao nhiêu câu có cánh đã được thốt ra mà nếu liệt kê tất cả thì cũng mất hàng trăm trang giấy, ấy vậy mà đến khi năm Ất Dậu đã sắp sửa qua đi, người ta đã phải rùng mình khi nhìn lại những gì đã diễn ra trong lòng trái bóng trên sân cỏ VN.

 

Vụ scandal trọng tài còn chưa nguội sức nóng thì lại đến vụ bán độ lịch sử của các cầu thủ U23 VN, để sau đó một dây dài những tên tuổi, vụ sự đã bi lôi ra ánh sáng. Không chỉ cầu thủ, trọng tài, ông bầu, quan chức thể thao mà trong danh sách những danh tính “đen” còn có cả những quan cấp “tổng”, “sở” và những đồng tiền nhơ nhuốc cũng đã từ con số triệu VNĐ lên đến triệu USĐ.

 

Sửu: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

 

Nếu như những vụ tiêu cực của làng bóng đá Đức làm cả châu Âu choáng váng thì vụ trọng tài VN cũng khiến cả châu Á giật mình. Cho đến khi hàng chục trọng tài bị bắt, người ta mới ngã ngửa ra rằng hoá ra những con người “làm cha làm mẹ” trên sân cỏ này có những mối quan hệ mật thiết hơn nhiều quan hệ đồng nghiệp. Chiếc cầu nối những cái tên đen lại với nhau chính là Lương Trung Việt, một vị trọng tài có uy tín của làng bóng VN.

 

Cũng từ chiếc cầu nối này mà hàng loạt “người anh em” đã có thêm những khoản thu nhập kếch xù sau các trận đấu bẩn, và cũng lần lượt trình diện cơ quan điều tra với các tội danh “chẳng khác gì nhau”. Cũng từ cái tên này mà vụ án trọng tài mới được thổi bùng lên thành ngọn lửa to, và chúng ta mới có một cuộc càn quét trên quy mô lớn để vạch trần chân tướng của bao nhiêu con sâu vốn được mệnh danh “đạn bắn không thủng”. Thế mới biết không ở đâu mà các trọng tài được nâng niu, chiều chuộng như ở VN.

 

Dần: Hổ vằn sa cơ

 

Câu nói này ứng với cảnh ngộ của nhiều người, những cái tên đã quá quen thuộc trong làng cầu VN, những cái tên mà bây giờ được nhắc đến trong những nhà tạm giam lạnh lẽo. Nếu như việc ông Lê Thế Thọ từ ngôi (và được chấp thuận chỉ sau 30 phút kể từ lúc đệ đơn từ chức) sau những điều tiếng từ trước đến nay và những ông vua áo đen đáng kính khăn gói vào nhà lao làm người ta không lấy gì làm ngạc nhiên thì câu chuyện của ông Vinh, ông Đức lại khiến không ít người phải ngậm ngùi tiếc nuối.

 

Mỗi kẻ một con đường, mỗi người một bước đi, nhưng cuối cùng cái đích mà họ đến đều là nơi mà không ai mong đợi. Bóng đá nước nhà không phủ nhận những đóng góp của họ, nhưng trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng và ai có tội đều phải chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình.

 

Họ, những con người đã có không ít công trạng với nền bóng đá nước nhà. Họ, những con người đã từng nhắc đến với sự tôn trọng và nể phục. Họ, người đáng thương, kẻ đáng trách, nhưng cuối cùng cũng đã không thoát khỏi cái vòng quay nghiệt ngã của nền bóng đá bao cấp đã đến hồi cáo chung.

 

Mão: Chưa học làm mèo, đã …

 

7 năm về trước, khi U16 VN lội ngược dòng trước Trung Quốc để dành chiếc vé vào bán kết giải U16 Châu Á, người ta đã hi vọng vào một thế hệ vàng thứ 2 của bóng đá VN, một lứa cầu thủ mới đầy hứa hẹn sẽ làm rạng danh làng cầu nước nhà.

 

Thế nhưng, cho đến giờ phút này, khi thế hệ vàng thực sự vẫn đang cống hiến cho bóng đá VN trên các cương vị khác nhau (Huỳnh Đức, Hữu Đang, Văn Cường vẫn đang tung hoành trên sân cỏ, Công Minh, Hồng Sơn, v.v. đã chuyển sang làm công tác huấn luyện) thì lứa cầu thủ trẻ ngày ấy vẫn chưa có đóng góp nào đáng kể cho sự phát triển cho bóng đá nước nhà. Khi Văn Quyến đã nổi đình nổi đám rồi sa vào lối mòn hư hỏng, thì những Như Thuật, Anh Cường vẫn mãi chỉ là những cầu thủ tiềm năng.

 

Một Quốc Anh lướt qua bóng đá nước nhà như một ngôi sao băng chưa kịp toả sáng trọn vẹn đã sớm lao vào những cám dỗ của đồng tiền để nhận một kết cục buồn thảm. Một Thanh Bình vẫn sớm nắng chiều mưa để đóng một vai diễn phụ. Một Quốc Vượng đầy bản lĩnh và cũng đầy liều lĩnh đã theo chân đàn anh vào vòng lao lý. Rồi còn nhiều cái tên nữa vẫn chỉ được nhắc đến trong nỗi thất vọng như những tên tuổi đã từng được đặt quá nhiều hi vọng.

 

Bài học đạo đức cho các cầu tủ trẻ đã quá rõ ràng, khi họ chưa kịp cống hiến tài năng cho tổ quốc thì đã sớm lụi tàn. Trăm sự cũng chỉ nằm trong cái tư duy quá hẹp hòi và lệch lạc, trong cái lối sống đổi đời xa hoa phù phiếm, trong môi trường bóng đá quá chú trọng vào đồng tiền. Bóng đá VN lại phải ngậm ngùi nói lời từ biệt với một lứa cầu thủ để mong chờ vào những mầm non mới.

 

Thìn: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm …

 

Đó là căn bệnh thành tích trong đầu những người làm bóng đá VN. Cho đến giờ thì ai cũng đã thấy được bức tranh toàn cảnh đen tối của bóng đá nước nhà, ấy vậy mà hết lượt các quan chức bóng đá, đến các trợ lý HLV U23 Việt Nam vẫn tự cho mình là “hoàn thành nhiệm vụ”. Chưa đủ, VFF còn tuyên bố rằng năm 2005 là một năm thành công của bóng đá trẻ VN, với chiếc HCB cao quý tại SEA Games 23 và việc U17, U20QG dành quyền vào chơi chung kết cup châu lục. Các giải bóng đá quốc gia cũng được cho là đã “kết thúc tốt đẹp” và để lại “những ấn tượng không dễ phai mờ” bất chấp việc vài đội bóng bị đánh tụt hạng, dăm vị trọng tài và HLV bị bắt vì đưa và nhận hối lộ.

 

Căn bệnh thành tích đã bám rễ quá sâu vào trong tiềm thức của những người làm bóng đá VN, người ta đã quá quen nói (và đâm ra cũng quen nghe) những lời tuyên bố to tát, những lời tô hồng chuốt lục được nói đi nói lại ở bất kỳ một đại hội, một kỳ họp nào của các cơ quan bóng đá. Một vài vị quan chức cỡ bự, với vài câu nói đã thuộc lòng, với những tràng pháo tay nhiệt liệt, những bản báo cáo trĩu nặng thành tích, những nghị quyết hay quyết định dài hàng mấy trang giấy, như vậy đã được xem như là một kỳ đại hội thành công, bất chấp những việc làm sau đó đi theo hướng nào.

 

Tỵ: Rắn mất đầu

 

Mất “sao”, mất HLV vì tiêu cực, thế lực một thời P.SLNA đã chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình. 5 điểm sau 3 vòng đầu tiên tại V-League 2006, đó là một thành tích đáng khen ngợi của tập thể đội bóng xứ Nghệ, nhưng với những diễn biến mới đây của vụ tiêu cực, không ai dám chắc sẽ không có thêm tai hoạ nào đổ xuống đầu đội bóng miền trung. Đồng cảnh ngộ còn có Đà Nẵng và M.H.Hải Phòng, những đội bóng đang vừa ăn tết vừa chờ kết quả điều tra để biết số phận của các cầu thủ nhà.

 

Chuyện của ĐA.TPHCM còn đáng buồn hơn. Từng là ông hoàng của bóng đá TPHCM, CA TPHCM đã trải qua những cơn đau đẻ của cơ chế, để rồi đổi tên, bỏ ngành nhằm tìm kiếm thành công. Nhưng thành công chưa thấy đâu, những bèm nhem về dàn xếp tỷ số đã khiến CLB bị đánh tụt hạng, rồi mất luôn nhà tài trợ, các cầu thủ cũng khăn gói đi tìm mảnh đất mới để lập nghiệp.

 

Nay, mặc dù đội bóng đã tìm được cái hầu bao mới từ doanh nghiệp Đồng Tâm nhưng vẫn đang phải vật lộn làm lại từ con số âm và chẳng biết đến bao giờ mới tìm lại được chính mình, khi mà con rắn mất đầu còn không biết được mình là ai.

 

Ngọ: Đường dài mới biết ngựa hay

 

Khởi tranh mùa giải V-League 2005, người ta đã nghĩ chức vô địch sẽ khó vuột khỏi tay dream team HA.GL. Nếu có đội nào có khả năng tranh chấp thì đó sẽ là một “Chelsea” Bình Dương nhiều tiền lắm của hay một Đà Nẵng với dàn sao hùng hậu trên cả 3 tuyến. Nhưng cuối cùng, HA.GL đã tuột dốc không phanh với lối chơi già nua và thiếu lửa, Bình Dương cũng chỉ đủ sức để dẫn đầu cuộc đua trong nửa chặng đường, Đà Nẵng vẫn bữa cá bữa canh và chỉ cán đích ở vị trí thứ 2.

 

Giành ngôi quán quân với 4 điểm nhiều hơn đối thủ xếp sau, GĐT.LA đã khiến người ta phải ngả mũ kính phục. Một đội hình không nhiều cầu thủ xuất sắc, không ồn ào và dồn dập trong lối chơi, nhưng dưới bàn tay của thầy phù thuỷ Calisto, Gạch đã trở thành một đối thủ lỳ lợm, chắc chắn và không kém phần sắc sảo.

 

Không chỉ làm các đối thủ tại V-League phải nản chí, Gạch còn tiếp tục vượt mặt HA.GL và M.HP để nâng cao chiếc Cup QG một cách xứng đáng để qua đó đi vào lịch sử của bóng đá VN.

 

Chiến thắng với lối chơi phòng thủ phản công đặc trưng, GĐT.LA là điểm sáng hiếm hoi của làng cầu VN trong một năm qua, và là cứu cánh của bóng đá sạch, một khái niệm đã quá xa vời với nhiều đội bóng khác.

 

Mùi: Treo đầu , bán …

 

Từ vụ VFF thua kiện HLV Letard, cho đến vụ bê bối liên quan đến việc đưa hối lộ trọng tài, và gần đây nhất là vụ án bán độ tại SEA Games 23, các quan chức, HLV, trọng tài, cầu thủ đều một mực nhận mình trong sạch, cho rằng mình bị hãm hại, quy kết oan ức. Nhưng cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, và chỉ tận tay, day tận trán những cái sai, cái tội thì hoá ra chẳng có ai sạch, ai oan.

 

Chuyện đầu dê, thịt chó còn thể hiện rõ trong một việc làm “đã thành thông lệ” trước mùa giải mới: các đội bóng ký vào bản cam kết không tiêu cực. Có lẽ việc làm này gắn liền với “bệnh thành tích” nêu trên, vì không có năm nào VFF không làm chuyên này, và cứ đến cuối năm việc làm đó lại được nhắc lại như một thành tích đáng tuyên dương.

 

Nhưng khi đặt tay vào ký, có lẽ các vị đại diện CLB cũng đã không hề tin tưởng vào lời cam kết của mình, bởi lẽ cái tiêu cực là chuyện chung, chuyện thường ngày của bóng đá Việt Nam, chứ đâu có riêng gì của một tôi, một anh nào đó. Trong cái môi trường đó, nếu đứng ngoài những mối liên minh nhập nhằng e rằng lại bị cho là không phù hợp với quy luật.

 

Cho đến bao giờ chúng ta có được cách tư duy mới, có những con người dám làm dám chịu trách nhiệm thì may chăng bóng đá VN mới thoát khỏi cơn ngặt nghèo dài đằng đẵng này.

 

Thân: Trò khỉ

 

Bóng đá VN năm qua sao mà chứng kiến lắm trò khỉ.

 

Nào là việc một vị cầm còi vừa thổi phạt đền đội nhà đã quay ra phạt thẻ cầu thủ đội khách vừa bị đốn ngã. Nào là việc một vị quan chức được báo cáo về nguy cơ bán độ tại SEA Games 23 vẫn ngậm miệng vì sợ bị cho là “nói tầm bậy”.

 

Nào là một cầu thủ chạy cánh vừa hôm trước lên án hành động của các đồng đội là “bán nước” thì hôm sau đã phải khăn gói lên C14 theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra.

 

Rồi mới đây nhất, một ông tổng giám đốc cũng đã xộ khám vì những vụ cá độ lên đến tiền triệu USD. Không hiểu, nếu người ta cố gắng điều tra xem tiền đâu mà ông lắm thế thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Thôi năm mới rồi không nói những câu xui xẻo, kẻo lại vượt ra khỏi phạm vi bóng đá, vốn đã có quá nhiều chuyện để nói rồi.

 

Dậu: Qụa già, con

 

Những Quyến, Vượng, v.v. đang phải gánh chịu hậu quả của những việc làm sai lầm của mình. Những lời lẽ nặng nề nhất mà dư luận dành cho họ có lẽ cũng không sai, vì họ đã làm người hâm mộ quá thất vọng.

 

Tuy nhiên, nghĩ cho cùng họ cũng chỉ là những nạn nhân đáng thương trong một vòng quay quá ư bạc bẽo. Không được giáo dục đến nơi đến chốn, lại sống trong một môi trường mà đồng tiền là thước đo của danh tiếng và thành công, không quá khó hiểu khi họ không vượt qua được những cám dỗ chết người. Cái tội nằm ở các bậc đàn anh, đàn chú, và cao hơn là những cái tiền lệ đã ăn sâu trong cách nghĩ, cách làm của cả một cơ chế bóng đá cũ kỹ.

 

Ngay đến một thương nhân “già rơ” trên thương trường như ông Đoàn Nguyên Đức, một con người phóng khoáng sẵn sàng bỏ tiền tỷ cho đội tuyển QG VN, vậy thì việc ông “tặng” cho vị này, vị nọ vài trăm USD chắc ông cũng không thể nghĩ là đút lót, hối lộ. Ông đã làm một việc vốn dĩ đã trở thành việc nên làm của một kẻ hiểu cuộc chơi. Nhưng đồng tiền vốn kèm nhiều hệ luỵ, và một lối mòn đã không thể là sự lý giải cho ông trước pháp luật công minh. Thiết nghĩ, ông Đức cũng chỉ là một chú “gà con” trong thế giới bóng đá VN vốn đã nhiều năm vần trở.

 

Tuất: Xuống chó, lên voi

 

Sau những gì đã xảy ra, thật không ngoa khi nói rằng năm Ất Dậu vừa qua là một năm “xuống chó” đối với bóng đá VN. Bàn luận mua vui nhưng triết học Phương Đông vẫn cho rằng vạn vật thịnh suy đều có chu kỳ, có quy luật. Đối với bóng đá VN, đó chính là quy luật của sự suy tàn có hệ thống của cơ chế bao cấp vốn đã không còn phù hợo với quy luật phát triển của nền bóng đá chuyên nghiệp hiện nay.

 

Trong sự lụi tàn đó luôn ẩn chứa những mầm mống của cái mới, cái tiến bộ đang đan xen và chờ phát tiết. Đó là những cầu thủ trẻ vẫn nói không với tiêu cực, những doanh nghiệp chỉ chờ đợi sự thông thoáng của cơ chế để bắt tay cùng nâng bóng đá VN lên tầm cao mới. Cái chúng ta còn thiếu chỉ là những con người, cách tư duy biết gạt bỏ những lợi ích tức thời và ích kỷ để phụng sự cho nền bóng đá nước nhà.

 

Thiết nghĩ, con người VN yêu bóng đá không hề thua kém dân tộc nào trên thế giới, con người VN nhanh nhẹn khéo léo và cũng đang cao hơn, to hơn về tầm vóc, vậy không có lý bóng đá VN không có ngày “lên voi”?

 

Hợi: Chuyện cái máng lợn

 

Đó là câu chuyện như trong cổ tích của Văn Quyến. Xuất thân nghèo khó, chàng trai trẻ xứ Nghệ đã may mắn tìm được một chỗ đứng trong thế giới bóng đá. Những pha đi bóng hào hoa, những cú đá phạt phù thuỷ từ cái kèo phải đã chứng tỏ cái tài, cái duyên thiên bẩm của Quyến với quả bóng tròn.

 

Những lời tán dương, những khoản tiền thưởng và những hợp đồng quảng cáo khổng lồ đã đưa Quyến từ trong vực sâu của cơm áo ra ánh hào quang của một ngôi sao. Và đằng sau cuộc sống đã thay đổi quá nhanh đó, con người Quyến cũng đã thay đổi quá nhiều, nhiều đến nỗi cậu bé chăn trâu đã quên mất mình là ai.

 

Cậu bé nghèo đã bước chân vào những cuộc chơi đêm sa đoạ, đã quen với những món đồ hiệu đắt tiền, đã quen biết với những đàn anh hư hỏng, và cuối cùng nhiễm luôn những thói hư tật xấu vốn không mấy xa lạ với làng bóng VN. Dư luận đã nhiều lần cảnh báo Quyến, đã từng giận dỗi rồi thứ tha cho Quyến, những mong Quyến sẽ trở lại như cậu bé thần đồng ngày nào.

 

Nhưng đã quá muộn, sức nóng của những đồng bạc đã giết chết Quyến, để giờ đây người ta không còn được nhìn thấy cậu trên sân cỏ, mà là đằng sau cánh cửa nhà giam. Nếu như ông lão đánh cá trở về với cái máng lợn vỡ, thì số phận của Quyến còn nghiệt ngã hơn: cậu đã hầu như không còn cơ hội để trở lại là một cậu bé ngày nào. Cuộc đời cầu thủ vốn đã ngắn ngủi nay đã gần như khép lại trước mắt cậu bé như một que diêm đã chạy hết.

 

Những mong Quyến sẽ là hiện thân của một bài học cảnh tỉnh cho những cầu thủ trẻ và cho những con người trẻ tuổi nói chung, để họ biết cống hiến trước khi biết hưởng thụ, biết cho trước khi ngửa tay đòi hỏi những đặc ân mà xã hội ban phát công bằng cho tất cả.

 

Lời kết

 

Năm mới đã đến, những sai lầm thôi hãy để cho pháp luật phán xét, hãy nói với nhau những lời chúc chân thành, hãy bày tỏ những lời cảm thông và hãy cùng cầu chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc.

 

Có người đang ngồi bên bếp than hồng vui vầy với người thân, cũng có kẻ vẫn đang một mình trong nỗi buồn và ân hận. Chỉ mong sao những đôi chân đá bóng, những cái đầu làm bóng đá có một cái tết thật nồng ấm và cùng nhìn về năm mới với một khát khao cống hiến mãnh liệt hơn, để đến giờ này năm sau ai cũng được nâng ly chúc mừng năm mới trong niềm hân hoan và thanh thản.

 

Chúc mừng năm mới!

 

Hồng Kỹ