1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bạo lực ở V-League ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam

Trọng Vũ

(Dân trí) - Cầu thủ ở V-League có thói quen đá rắn, không chỉ khiến các đồng nghiệp dễ chấn thương nặng, mà còn khiến chính cầu thủ có thói quen này dễ dính thẻ đỏ khi lên đội tuyển dự giải quốc tế.

Ba tuyển thủ quốc gia gồm Việt Anh, Tuấn Hải, Văn Việt dính chấn thương nặng ngay trước đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho các trận gặp Indonesia vào các ngày 21/3 và 26/3.

Trong số đó, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh phải khâu đến 24 mũi ở vùng miệng, sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tập luyện và thi đấu của trung vệ này trong những ngày tới cùng đội tuyển Việt Nam.

Thủ môn số 3 của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 Nguyễn Văn Việt bị choáng trong và sau trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) với Bình Dương, chưa biết mức độ hồi phục, dù anh vẫn được HLV Troussier triệu tập cho hai trận đấu với Indonesia.

Bạo lực ở V-League ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam - 1

Thủ môn Nguyễn Văn Việt chấn thương nặng ở vòng 13 V-League (Ảnh: Hải Long).

Còn Phạm Tuấn Hải chính thức vắng mặt ở đợt tập trung tháng 3 của đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ của CLB Hà Nội phải nghỉ thi đấu khoảng một tháng, sau pha vào bóng thô bạo của Tăng Tiến bên phía đội Quảng Nam.

Đáng nói ở chỗ, pha vào bóng nhằm thẳng vào chân đối thủ do Tăng Tiến thực hiện với Tuấn Hải không phải là pha bóng hiếm ở sân chơi V-League. Tăng Tiến đã bị kỷ luật (bị cấm thi đấu 4 trận, nộp phạt 20 triệu đồng), nhưng án phạt này có mang tính răn đe hay không thì chưa chắc.

Ngay đến các tuyển thủ quốc gia, nhiều người cũng không khác so với Tăng Tiến. Đơn cử, Đoàn Văn Hậu và Đỗ Duy Mạnh là 2 cầu thủ nổi tiếng đá rắn nhất giải V-League nhiều năm qua. Tần suất phạm lỗi thô bạo của các cầu thủ này ở sân chơi trong nước không ít.

Bạo lực ở V-League ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam - 2

Tuấn Hải dính chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu 1 tháng, bỏ lỡ 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia (Ảnh: Mạnh Quân).

Khi lên đến đội tuyển quốc gia, họ mang theo luôn thói quen này, vài lần đá thô bạo với các đội bóng quốc tế khiến đội tuyển Việt Nam thiệt quân.

Việc các cầu thủ ở V-League quen lối chơi thô bạo ít nhất sẽ dẫn đến hai vấn đề gây hậu quả cho đội tuyển quốc gia. Vấn đề thứ nhất, sự thô bạo của họ gây chấn thương cho các đồng nghiệp. Một khi các đồng nghiệp này là tuyển thủ quốc gia, dính chấn thương, ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của đội tuyển.

Vấn đề thứ hai, nếu là tuyển thủ quốc gia và có thói quen đá rắn, thậm chí đá láo, khi góp mặt ở các giải quốc tế, thói quen đấy sẽ bị trọng tài quốc tế trừng phạt. Cầu thủ qua mặt được trọng tài sẽ tiếp tục đối diện với công nghệ VAR và không thoát được lỗi ở các giải quốc tế. Giải càng lớn càng dễ bị "soi" lỗi.

Rõ ràng, các trọng tài ở giải V-League chưa mạnh tay, nghiêm khắc với bạo lực sân cỏ, chưa triệt tiêu được thói quen xấu ở một bộ phận cầu thủ nội.

Bạo lực ở V-League ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam - 3

Đá dữ, đá láo là thực trạng tại V-League (Ảnh: Mạnh Quân).

Cựu trưởng Ban trọng tài VFF, người từng chịu trách nhiệm điều hành khâu trọng tài ở Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), ông Dương Vũ Lâm, bình luận: "Có những cầu thủ nổi tiếng đá dữ dằn ở sân chơi V-League, nhưng phải đến khi thi đấu ở các giải quốc tế có sử dụng công nghệ VAR, những cầu thủ này mới bị xử lý đúng với tính chất những lỗi mà họ vẫn thường xuyên phạm phải".

"Không ít trọng tài V-League yếu chuyên môn, thiếu bản lĩnh, khiến cho cầu thủ Việt Nam khổ vì thói quen của chính họ khi ra quốc tế, ở các giải có công nghệ VAR", ông Dương Vũ Lâm nói thêm.

Điều đó có nghĩa là để thay đổi hình ảnh và thói quen đá bạo lực tại V-League, không chỉ phải thay đổi thói quen của giới cầu thủ, mà còn phải thay đổi chuyên môn, thay đổi thói quen của các trọng tài và một số khâu nữa có liên quan.

Ở khía cạnh khác, thay đổi những điều nói trên tại giải V-League không chỉ tạo hình ảnh khác cho giải đấu này, mà còn góp phần tạo nên hình ảnh khác cho đội tuyển Việt Nam.

Bạo lực ở V-League ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam - 4