Hình tượng rồng trong đời sống văn hóa đại chúng trên thế giới

Bích Ngọc

(Dân trí) - Rồng là loài vật xuất hiện trong cả thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong nền văn hóa nào có sự xuất hiện của rồng, hình tượng rồng cũng biểu trưng cho sức mạnh phi thường.

Trong văn hóa phương Đông, rồng là loài vật huyền thoại, là một linh vật gắn liền với những điều tốt lành, còn trong văn hóa phương Tây, rồng không phải lúc nào cũng tượng trưng cho cái thiện hay điềm lành.

Tại một số nước Châu Á, rồng được mô tả có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, không có cánh nhưng biết bay. Trong khi đó, rồng ở Châu Âu được mô tả giống như một con thằn lằn khổng lồ, có cánh giống như loài dơi và biết phun lửa.

Hình tượng rồng trong đời sống văn hóa đại chúng trên thế giới - 1

Với người phương Đông, rồng biểu trưng cho nguồn nước (Ảnh: Vecteezy).

Đa số các nước Châu Á coi rồng là loài vật linh thiêng, trong khi các nước Châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ. Tại một số nước Á Đông, rồng là một trong bốn linh vật gồm "long, lân, quy, phụng" (tức rồng, kỳ lân, rùa, phượng hoàng). Trong bốn linh vật này chỉ có rùa là loài vật có thực.

Với người phương Đông, rồng biểu trưng cho nguồn nước. Rồng có thể hỗ trợ cho mùa màng tươi tốt nhưng cũng có lúc nổi giận và gây ra lũ lụt. Vì vậy, rồng trong tâm thức người phương Đông là linh vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của con người. Người phương Đông tôn thờ rồng như một biểu tượng quyền uy và gắn liền với văn hóa nông nghiệp.

Vì rồng trong văn hóa Á Đông gắn liền với nguồn nước, nên hình tượng rồng lúc này mang nhiều nét giống với những loài sinh vật sống dưới nước.

Hình tượng rồng phương Đông có tính tổng hợp thể hiện qua hình dáng rồng có sự kết hợp của nhiều loài động vật như đầu lạc đà, sừng hươu, tai bò, mắt thỏ, mình rắn, vảy cá, chân hổ và móng vuốt chim ưng. Rồng phương Đông cũng có tính linh hoạt khi sinh ra dưới nước, nhưng có thể bay lên trời mà không cần có cánh.

Rồng phương Tây nhiều khi gắn liền với cái ác, bị xem như ác thú gây hại cho con người nên cách khắc họa hình ảnh cũng khác. Rồng phương Tây có đuôi rắn, cánh dơi, thân hình của loài khủng long bạo chúa. Rồng phương Tây biết bay và có cánh.

Rồng phương Tây được khắc họa trong các câu chuyện thần thoại là sống trong hang núi hoặc trên các đỉnh núi cao, khác với rồng phương Đông sống dưới nước. Rồng phương Đông phun nước, còn rồng phương Tây phun lửa, nhưng thường rồng phương Tây chỉ phun lửa và gây hại, không giúp đỡ con người như rồng phương Đông.

Trong khi người phương Đông tôn thờ rồng, người phương Tây lại sáng tạo ra những câu chuyện dân gian xoay quanh những dũng sĩ giết rồng.

Rồng phương Đông thể hiện ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Rồng phương Tây lại biểu trưng cho những thách thức dữ dội và khắc nghiệt. Khi ấy, việc giết rồng, khuất phục hoặc thuần dưỡng rồng biểu hiện cho sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người phương Tây.

Hình tượng rồng trong đời sống văn hóa đại chúng trên thế giới - 2

Rồng phương Tây phun lửa, nhưng thường rồng phương Tây chỉ phun lửa và gây hại (Ảnh: Games Workshop).

Trong đời sống văn hóa phương Tây, rồng là đối tượng làm tôn lên lòng dũng cảm, sự dũng mãnh, năng lực thiện chiến của các dũng sĩ. Việc giết rồng trở thành chiến công đem lại vinh dự cho dũng sĩ.

Những câu chuyện thần thoại kể về những dũng sĩ giết rồng là cách để người phương Tây thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên, đề cao sức mạnh và khẳng định vị thế của con người trước thiên nhiên.

Trong những câu chuyện thần thoại còn xuất hiện dũng sĩ cưỡi rồng, lúc này rồng và con người gắn bó với nhau, rồng coi con người như chủ của mình và cùng chiến đấu vượt qua khó khăn, nguy hiểm, rồng xả thân cứu chủ.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rồng mang ý nghĩa linh thiêng và tôn quý, nên người Việt tự hào mình là "con Rồng, cháu Tiên", điều này được thể hiện thông qua truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ. Trong thời kỳ phong kiến, vua chúa đã lấy hình tượng rồng để biểu thị cho uy quyền của mình trong việc cai trị. Từ đó, rồng trở thành biểu tượng quyền lực của vua chúa.

Ngày nay, rồng trong quan niệm của các nước phương Đông đều là biểu tượng của sự may mắn, phát triển thịnh vượng. Để nói về những nền kinh tế phát triển vượt trội trong khu vực Châu Á, giới tài chính thường sử dụng thuật ngữ "con rồng Châu Á".

Người Việt Nam gửi gắm khát khao xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh, thịnh vượng trong hình ảnh "đưa đất nước hóa rồng". Vào những dịp lễ Tết trọng đại, người ta cũng thường hay tổ chức múa rồng để cầu mong vận may sẽ tới.

Nhìn chung, rồng là một hình tượng đặc biệt trong cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Dù có cách khắc họa khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau nhưng rồng đều là đối tượng để con người thể hiện khát khao về cuộc sống bình yên, tốt đẹp hơn.

Theo The Collector

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm