Còn cha, còn mẹ tức là còn xuân, còn Tết

Giang Hà

(Dân trí) - Hơn 10 năm sống xa quê, chưa có Tết nào tôi không về. Bởi tôi đã làm mẹ và tôi biết đối với cha mẹ, con cái chính là mùa xuân. Nếu con không về, mùa xuân cũng chỉ như người lạ chập chùng trước ngõ.

Một ngày cuối đông, đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì mẹ gọi điện. Giọng mẹ hào hứng, vồn vã trong điện thoại: "Ngày nào thì các con nghỉ Tết? Ngày nào các con về?". Năm nào cũng thế, cứ đến mỗi kỳ nghỉ Tết, mẹ vẫn thường gọi điện hỏi những câu y hệt nhau. Những câu hỏi như gói ghém hết nỗi nhớ niềm thương gom góp suốt một năm dài đằng đẵng.

Có lẽ đó là lý do hơn 10 năm lấy chồng, hơn 10 năm sống xa quê, chưa có Tết nào tôi không về. Bởi tôi đã làm mẹ và tôi biết đối với cha mẹ, con cái chính là mùa xuân. Nếu con không về, mùa xuân chỉ như người lạ chập chùng trước ngõ.

Có một năm nào đó lúc dịch hoành hành, công việc không thuận lợi, kinh tế vô cùng khó khăn. Tôi ngồi với bạn, co ro trong cái lạnh cuối năm, nói rằng có khi Tết này tôi không về quê. Ánh mắt bạn nhìn xa xăm, giọng đang sôi nổi bỗng nhiên trầm lại: "Chẳng có lý do nào đủ lớn để Tết không về với mẹ cha. Như mình đây, muốn về cũng không còn ai ngóng chờ nữa".

Bạn kể về những ngày thơ dại, kỷ niệm những mùa xuân năm cũ khi còn mẹ còn cha, nỗi chênh vênh mỗi cuối năm về không còn ai gọi điện hỏi han bao giờ nghỉ Tết. Tết với bạn bây giờ chỉ là nỗi nhớ, nỗi cô đơn.

Không còn mẹ, không còn cha, mùa xuân cũng không còn xuân nữa. Bạn không khóc, nhưng tôi lại khóc. Không chỉ con cái là mùa xuân của cha mẹ, cha mẹ cũng chính là mùa xuân của cuộc đời con.

Còn cha, còn mẹ tức là còn xuân, còn Tết - 1
Cha mẹ chính là mùa xuân của cuộc đời con (Ảnh minh họa: Lifestylememory).

Những kỷ niệm thời thơ ấu bạn kể theo tôi vào cả trong giấc mơ. Tôi thấy mình nhỏ lại, tung tăng trong mảnh sân rộng trước căn nhà ngói ba gian. Tôi thấy một sớm mai thức dậy, mẹ đã đi chợ về, những cuộn lá dong, ống giang, những củ su hào, cà rốt để đầy nơi thềm nhà. Nơi góc sân, cha đang lúi húi trồng gốc đào vừa mới vác về từ phiên chợ cuối năm.

Anh chị em tôi, người lau bàn ghế, người rửa lá dong, người ngồi bóc hành, vừa làm vừa nói về những dự định trong 3 ngày tết. Tết đến rồi, chỉ mấy chữ ấy thôi mà khiến lòng hân hoan, xao xuyến kỳ lạ.

Vài tháng trước, anh trai gọi điện, bảo: "Năm nay mừng thọ mẹ, các em thu xếp về sớm một chút nhé". Tôi nghe anh nói, chẳng suy nghĩ liền vội vàng dạ vâng. Hồi nhỏ, tôi sợ anh tôi một phép. Anh luôn coi tôi như một "chân sai vặt" trong nhà.

Anh ngồi nấu cơm, tôi phải rút rơm cho anh đun, rồi cầm quạt mo đứng quạt cho anh. Vậy mà ngày tôi lấy chồng, anh ôm tôi khóc òa như một đứa trẻ.

Em trai thua tôi hai tuổi, không bao giờ chịu gọi tôi bằng chị. Mỗi lần đi chơi, em đòi tôi cõng, thường tôi sẽ ra điều kiện "gọi chị đi". Vì tuổi sàn sàn nhau nên hai chị em hay chành chọe, cãi vã.

Vậy mà trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, tôi nhận được tin nhắn của em: "Nhớ chị quá!". Một dòng ngắn gọn thế thôi mà nước mắt tôi trào ra không ngăn nổi, chỉ còn cách buông bát đũa chạy ra thềm đứng khóc.

Mới ngày nào đó 3 anh em còn nhỏ dại, sống chung dưới một mái nhà, khoe với nhau manh áo mới mẹ mua, cùng nhau ngồi thức bên nồi bánh chưng, cùng nhau đếm tiền mừng tuổi xem ai được nhiều hơn… Vậy mà giờ anh cả đã gần 50 mùa xuân, em út cũng chớm 40.

3 anh em lớn lên, rời xa tổ ấm, mưu sinh nơi đất khách quê người, mỗi đứa một phương. Chỉ mỗi dịp Tết về mới có thể hẹn hò đông đủ. Gặp nhau, chuyện buồn chưa kể hết, niềm vui còn chưa tan đã vội vã chia tay. Lần nào gặp nhau cũng vui, lần nào xa nhau cũng tủi.

Những ngày cuối năm tôi hay nhớ mẹ, nhớ rất nhiều. Bố công tác xa nhà, cả tuổi thơ 3 anh em tôi quấn quýt bên mẹ. Có những năm, bố trực Tết không về, chỉ mấy mẹ con đón Tết với nhau.

Đêm giao thừa, khi nhà nhà chúc tụng hân hoan, mẹ lặng lẽ ngồi nơi góc giường mà khóc. Cả tuổi trẻ, mẹ sống xa chồng. Cả tuổi già mẹ sống xa con. Cuộc đời mẹ là những chuỗi ngày nhớ mong đằng đẵng.

Mẹ mong Tết, hệt như chúng tôi mong Tết ngày xưa. Mẹ cũng đếm tháng, đếm ngày giống như ngày xưa chúng tôi đếm ngày đến Tết. Chỉ là chúng tôi mong Tết về vì những niềm vui trẻ nhỏ, còn mẹ mong Tết về vì có các con.

Đối với nhiều người, Tết có nghĩa là bận rộn, mệt mỏi, tốn kém… Nhưng đối với những đứa con xa quê như tôi, Tết là để về nhà. Tết về với mẹ với cha, về với anh em, họ hàng, bạn bè thân thuộc. Về để biết rằng một năm qua, tóc trên đầu cha trắng thêm, khuôn mặt mẹ đã đầy nếp nhăn níu nhau nơi khóe mắt, những mùa xuân còn cha mẹ sẽ ngày càng ít đi.

Về để lại được hưởng cảm giác sum vầy đêm cuối năm, khi thời khắc giao thừa điểm, sau khi mẹ sắp mâm cỗ lên cúng giao thừa, cha thầm khấn vái tổ tiên, cả nhà sẽ cùng nhau ra đứng giữa sân ngắm những bông pháo hoa chói sáng ở một góc trời.

Tôi yêu không khí ấy, khi ngước lên bầu trời đêm, không khí se se lạnh, những hạt mưa xuân lun phun trên mặt mình, vòng tay ôm những người thân mà nghe khúc nhạc chúc mừng năm mới. Lòng tôi hân hoan như hoa đào nở rộ, trái tim ấm áp đến vô cùng.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.