Vụ Tết "đắng" của người dân vùng canh tác rau củ lớn nhất xứ Quảng
(Dân trí) - Mưa bất thường khiến hàng chục ha rau củ vụ Tết của nông dân vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) héo rũ, làng rau đìu hiu, thất thu chưa từng có.
Khác với không khí nhộn nhịp của những năm trước, năm nay, dù đã sát Tết Nguyên đán nhưng làng rau Bàu Tròn (vùng rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam, với hơn 100 ha, 300 hộ trồng rau) lại đìu hiu, vắng lặng lạ thường.
Đang thu hoạch một ít đậu cô ve còn sót lại trong vườn, ông Nguyễn Văn Tư (62 tuổi, làng rau Bàu Tròn) buồn bã cho biết, từ tháng 10-12/2021, cánh đồng này hứng chịu bốn trận lũ, ngập gần một mét. Đợt mưa bất thường cuối tháng 12 là nặng nhất, cây đang ra hoa kết quả bị ngâm nước ba ngày. Tiếp đó, mưa lại kéo dài khiến cây dần thối rễ, trái úng nước…
Theo ông Tư, mọi năm mưa lũ xong thì trời chỉ mưa lâm râm, nắng đẹp, người dân sẽ bắt đầu canh tác vụ Tết. Nhưng năm nay mưa to bất thường, đặc biệt lại vào thời điểm cây đang kết quả, ngập lâu ngày gây úng nước, thối rễ toàn bộ, chưa năm nào thất bát như năm nay.
"Mọi năm người dân cũng thu hoạch trung bình 1,5 tấn/sào rau củ, nhưng năm nay chỉ được 1/3, có nhiều hộ mất trắng do đất ở vùng thấp. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, nhưng không có sản phẩm thu hoạch. Gia đình tôi chỉ còn một sào đậu cô ve nhưng kết trái chẳng bao nhiêu, tiền bán không đủ công hái. Phân bón, tiền điện thì tăng cao, nông dân chúng tôi thiệt hại đủ bề", ông Tư thất thần nói.
Theo người làng rau cho biết, không những thất thu mà người dân còn gặp khó về giá cả, mỗi ngày một giá, lên xuống thất thường khiến họ đứng ngồi không yên.
Giá thu mua đậu cô ve tại ruộng hiện nay 9.000 - 12.000 đồng/kg, khổ qua 10.000 - 12.000 đồng/kg, dưa leo 5.000 đồng/kg… nhưng hầu như đã hư hại không có để bán, còn lại cũng chỉ là số ít. Đối với bà con hiện thu hồi vốn đã là rất khó, nhiều hộ mất trắng toàn bộ công sức đầu tư, chăm sóc.
Ông Phan Đình Hưng (làng rau Bàu Tròn) cho biết, ông có một sào đất, còn lại thuê 9 sào trồng rau củ với giá 18 triệu đồng/năm. Mỗi năm, ông trồng bốn vụ, trong đó vụ rau đông xuân bán Tết là được kỳ vọng nhất.
Tháng 10 (âm lịch) ông xuống giống, đến cuối tháng 11 (âm lịch) gặp mưa lớn, 3 sào đậu cô ve bị chết, 3 sào khổ qua mất trắng, phải tháo dỡ để chuyển qua trồng dưa hấu.
"Mười ngày trước tôi còn ít đậu cô ve bán, nhưng nay thì không còn gì để bán Tết nữa. Chưa năm nào làm rau thất bại như năm nay, mọi năm còn gặp cảnh "được giá mất mùa, được mùa mất giá", nhưng vụ đông xuân năm nay thì chẳng được gì cả. Chúng tôi đang trồng lứa rau mới để bán sau tết, nhưng không biết thời tiết sắp tới có ưu đãi không", ông Hưng buồn bã tâm sự.
"Mọi năm thời điểm này người dân thu hoạch nhộn nhịp, tất bật rộn ràng cả cánh đồng. Nhưng năm nay lại đìu hiu lạ thường, thỉnh thoảng có người ra chăm lại bắp, đậu phộng. Nhiều người chẳng thiết ra đồng, rau củ héo úa cứ để đó, ra tết tính tiếp. Chẳng có tết năm nào mà rầu như năm nay", bà Trần Thị Huệ mệt mỏi nói.
Cánh đồng rau Bàu Tròn được sông Quảng Huế bao bọc. Hằng năm từ tháng 8 đến tháng 10 (âm lịch), nước lũ về mang theo phù sa màu mỡ bồi đắp, làm cho đất thêm tơi xốp, thích hợp canh tác rau màu.
Một năm người dân canh tác 4 vụ, bình quân thu nhập trên 20 triệu đồng/sào/năm. Đây là vùng trồng rau củ lớn nhất tỉnh Quảng Nam, sản phẩm chủ yếu cung cấp nội tỉnh và TP Đà Nẵng.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ xã Đại An cho biết: "Vụ đông xuân bị hư hại gần hết do mưa lớn. Cây còn sót lại cho quả nhỏ, năng suất thấp, người dân bị thiệt hại nặng nề. Hơn nữa giá phân bón, vật tư… tăng cao khiến việc sản xuất càng khó khăn. Địa phương cũng đã thống kê thiệt hại để có những hỗ trợ người dân".