Nông dân "hô biến" quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Tắc (quất) kiểng được các nghệ nhân ở Bến Tre "tân trang" tạo hình linh vật phục vụ cho ngày Tết. Mặt hàng này luôn được bán giá cao, làm bao nhiêu sản phẩm hết bấy nhiêu.

Những ngày này, các nghệ nhân ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang ráo riết hoàn thiện sản phẩm là các linh vật làm bằng quất kiểng để giao cho khách.

Anh Huỳnh Văn Thanh (34 tuổi) một nghệ nhân tạo hình linh vật từ tắc kiểng có hàng chục năm kinh nghiệm cho biết, từ tháng 5 âm lịch anh đã chiết nhánh tắc để trồng trong chậu, xử lý cho ra hoa, đậu trái đúng dịp Tết.

Nông dân hô biến quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán - 1

Anh Huỳnh Văn Thanh đang ráp từng nhánh tắc vào khung linh vật (Ảnh: Bảo Kỳ).

Các bụi tắc sai quả được nghệ nhân lựa ra, sau đó lần lượt kết vào khung sắt, phần rễ cho vào chậu, phần thân cố định bằng dây chì, sao cho phần lá và trái phủ kín hết phần khung. Đối với linh vật hổ cho Tết Nhâm Dần 2022, anh Thanh thiết kế kích thước dài 1,3 m, cao 1,2 m được làm từ 13 đến 14 giỏ tắc kiểng.

"Năm nào linh vật đó, số lượng sản xuất khoảng 16 cặp/năm. Hiện giá bán 5 triệu đồng/cặp, cung cấp chủ yếu ở Quảng Bình", anh Thanh nói thêm.

Nông dân "hô biến" quất cảnh thành linh vật chưng Tết

Cách nhà của anh Thanh chừng 100 m, cơ sở hoa kiểng Út Dị cũng đang tất bật tạo hình cọp, thỏi vàng từ tắc kiểng. Bà Lê Thị Phượng (chủ vườn) cho hay, năm nay hộ bà Phượng sản xuất được hơn 50 sản phẩm làm từ tắc kiểng và mai chiếu thủy như 12 con giáp, thỏi vàng…, trong đó có hơn 10 cặp hổ được làm từ tắc kiểng.

Theo chủ vườn, linh vật tắc kiểng thường có giá cao gấp 5-10 lần so với tắc bình thường, nên ai nấy đều tranh thủ kiếm thêm vào dịp Tết, dù tạo hình cực nhọc.

Nông dân hô biến quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán - 2

Linh vật hổ làm từ tắc (quất) kiểng (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cơ sở chúng tôi vẫn cố gắng tạo hình các sản phẩm đặc trưng ngày Tết để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Vật tư, cây giống có tăng giá nhưng tôi vẫn cung cấp mặt hàng với giá cả bình ổn, dao động từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng, tùy loại", bà Phượng tiết lộ.

Cũng theo chủ vườn, khác với những linh vật khác hình tượng con hổ rất khó tạo hình để trông y như thật vì các bộ phận như nanh vuốt, râu, mắt đặc biệt là bộ lông rất khó để tạo tác, làm không khéo sẽ giống như mèo hơn là hổ.

Nông dân hô biến quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán - 3

Khác với những linh vật khác hình tượng con hổ rất khó tạo hình để trông y như thật vì các bộ phận như nanh vuốt, râu, mắt đặc biệt là bộ lông rất khó để tạo tác, làm không khéo sẽ giống như mèo hơn là hổ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vừa ngồi kết những nhánh tắc vào khung, ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ, tắc kiểng sau khi được kết đều vào khung hình con vật sẽ chuyển sang trang trí kim tuyến nhiều màu viền xung quanh tai, gắn mắt giả hoặc vẽ hoa văn trên mặt hổ để tạo được gương mặt sống động, có hồn. Ngoài ra, người ráp tắc vào khung cũng phải là thợ lâu năm, quen tay, bởi nếu kết thưa quá sản phẩm sẽ xấu, còn kết quá chặt cây dễ bị rụng trái.

Nông dân hô biến quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán - 4

Linh vật 12 con giáp làm từ mai chiếu thủy (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nông dân hô biến quất cảnh thành linh vật chưng Tết, không đủ hàng để bán - 5

Linh vật được kết từ những trái dư màu sắc rực rỡ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Những năm qua nghề làm kiểng thú từ tắc kiểng giúp bà con Bến Tre khấm khá hơn, trung bình mỗi cặp linh vật nhà vườn có thể lãi vài triệu đồng. Mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho các tỉnh thành ở miền Trung và Đông Nam Bộ. Độ bền của tắc kiểng khá cao, người chơi có thể chưng cả tháng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm