Hội An:
Làng gốm 500 tuổi lên "net"
(Dân trí) - Thay vì chờ du khách trực tiếp đến tham quan, người làng gốm 500 tuổi ở phố cổ Hội An lên "net" tìm mua sản phẩm thủ công truyền thống của nghệ nhân địa phương, thích ứng với dịch Covid-19.
Làng gốm Thanh Hà có lịch sử hơn 500 năm tuổi, là điểm du lịch nổi tiếng tại TP Hội An (Quảng Nam). Nơi đây thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Dưới tác động của dịch bệnh, trong 2 năm qua, các hộ dân nơi đây đã dần thích nghi với trạng thái bình thường mới, chủ động hơn trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Xê - người dân làng gốm Thanh Hà chia sẻ, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, khách du lịch ít đến tham quan, số lượng sản phẩm bán ra thị trường cũng giảm đi rõ rệt.
Theo ông Xê, Tết năm nay, lượng khách thưa thớt, cơ sở sản xuất gốm của ông đã chủ động cân đối số lượng mặt hàng, tập trung vào sản xuất những mặt hàng như nồi, niêu… phục vụ đời sống để bán tại các chợ địa phương.
"Hai năm qua, có khoảng 12.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, đến làng gốm Thanh Hà. Du lịch đình trệ, dẫn đến các sản phẩm gốm phục vụ du lịch cũng buôn bán ì ạch. Người làm nghề lại chủ động chuyển đổi tập trung hơn các sản phẩm phục vụ đời sống, đa dạng mẫu mã… cũng là để "giữ lửa" nghề chờ du lịch phục hồi", ông Nguyễn Xê cho hay.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song làng nghề không vì thế mà "ngủ yên". Bên trong cánh cổng làng, các nghệ nhân vẫn cần mẫn sản xuất, tìm cách khắc phục qua cơn dịch này.
Nghệ nhân làng nghề chia sẻ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chào bán trên mạng và kết nối với người mua có nhu cầu. Sự chuyển hướng phương thức bán hàng này cũng là xu thế tất yếu trong thương mại toàn cầu hiện nay.
Bà Trần Thị Tuyết Nhung - chủ cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy - cho biết, trước đây, mỗi ngày cơ sở của bà trung bình đón gần 1.000 khách du lịch theo tour đến tham quan thực tế. Nhưng từ khi dịch Covid-19, không mấy du khách tìm đến làng gốm, cơ sở đã chủ động bày bán mặt hàng qua các kênh trực tuyến, kết nối với những cơ sở ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… để tiêu thụ sản phẩm, thu hút được lượng khách hàng tương đối.
Nhiều sản phẩm gốm được nghệ nhân làng nghề thiết kế "độc bản", mỗi sản phẩm chỉ có một chiếc duy nhất, rất được khách ưa chuộng, nhất là gốm tráng men thủ công.
Anh Lâm, một thợ làng nghề chuyên chế tác sản phẩm gốm "độc bản", chia sẻ "bí kíp" làm men gốm với phương thức trộn giữa vỏ nghêu, tro, hóa chất, sau đó nấu lên và tráng lên bề mặt gốm. Người thợ trẻ chia sẻ mong muốn góp sức nhỏ của mình phát triển làng gốm Thanh Hà, để khi nhắc đến làng gốm này thì không chỉ có gốm đất đỏ mà còn gốm tráng men.
"Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những dòng gốm mới lạ, tráng men lên nhiều loại đất khác nhau và mong muốn tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân trong làng", anh Lâm bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Phương, người dân ở làng gốm Thanh Hà chia sẻ thêm, khó khăn do dịch Covid-19 đã thúc đẩy làng nghề đi tìm hướng khác để tồn tại. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm đầu ra qua kênh giao dịch trực tuyến.
"Tôi thường xuyên cập nhật mẫu mã tại cơ sở lên mạng xã hội, công khai giá để khách tham khảo. Đôi khi phải chấp nhận bán giá "mềm" hơn, nhưng bán được là vui rồi, tạo động lực để duy trì làng nghề đợi du lịch phục hồi", chị Phương tâm sự.
Ông Nguyễn Hào - Phó Ban quản lý làng gốm Thanh Hà - nhận định, việc chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến hiện nay đang là giải pháp tình thế. Để hoàn thiện hơn thì trong tương lai phải có đề án, hoạch định và chiến lược cụ thể, sự vào cuộc của các cấp, ban ngành… để gốm Thanh Hà tiếp cận gần hơn với khách hàng ở mọi nơi, như một số làng nghề đã đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch điện tử.