"Tôi làm 1 sào ruộng, thu được gần 3 tạ lúa, ăn hết 2 tạ rồi, giờ có bán hết lúa cũng không đủ tiền mua bảo hiểm y tế, mà bán rồi cũng không biết lấy gì để ăn", chị Lung rầu rĩ.

Nỗi lo không có thẻ Bảo hiểm y tế

Chiều muộn, chị Vi Thị Lung (31 tuổi, thôn Công Thương, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) vừa trông con vừa hái rau, lo bữa ăn cho cả gia đình.

Chị Lung cho biết, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo được cấp phát miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2023, gia đình chị thoát nghèo, song cuộc sống còn nhiều khó khăn khi bố chồng đã già, bản thân chị đang nuôi con nhỏ. Cả nhà 5 nhân khẩu nhìn vào đồng lương đi lái xe thuê của chồng.

Vét hết lúa trong nhà bán không mua nổi tấm thẻ Bảo hiểm y tế cho con - 1

Hai mẹ con chị Vi Thị Lung (Ảnh: Hạnh Linh).

Từ đầu năm nay, công việc của anh Chiến (chồng chị Lung) bấp bênh, không có thu nhập. Năm học mới cận kề, chị lo lắng không có tiền mua quần áo, sách vở và BHYT cho con.

"Tôi làm 1 sào ruộng, thu được gần 3 tạ lúa, ăn hết 2 tạ rồi. Tôi tính bán hết số lúa còn lại trong nhà để mua thẻ BHYT cho con nhưng một tạ lúa bán được hơn 700.000 đồng mà giá thẻ BHYT một năm tận gần 900.000 đồng, giờ có bán hết lúa cũng không đủ tiền mua BHYT, mà bán rồi cũng không biết lấy gì để ăn", chị Lung rầu rĩ.

Gia đình chị Lung 5 nhân khẩu nhưng chỉ 2 người (bố chồng 85 tuổi, con gái 6 tháng tuổi) có thẻ BHYT vì thuộc diện được cấp miễn phí. Còn chồng, con trai (9 tuổi) đang học lớp 4 và bản thân chị chưa có điều kiện tham gia BHYT.

"Không có BHYT, tôi lo nhiều lắm! Gia đình tôi thoát nghèo chưa được bao lâu, giờ không may ốm đau, chắc chắn lại tái nghèo thôi", chị Lung lo lắng.

Tương tự như gia đình chị Lung, 4 nhân khẩu của gia đình bà Lê Thị Nại (57 tuổi, thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) cũng không có thẻ BHYT.

Bà Nại bật khóc tâm sự với chúng tôi về những lo lắng khi năm học mới đang cận kề. "Nhà có 3 sào ruộng, năm nào lúa tốt thì thu được khoảng 1 tấn lúa. Nếu bán hết lúa cũng đủ đóng học, lo ăn lo uống cho 2 đứa cháu được vài tháng, không có tiền mua BHYT", bà Nại nói.

Vợ chồng người con trai thứ 2 của bà không hợp duyên nên mỗi người một ngả, để lại cho ông bà 2 cháu nội. Để lo được cho 2 cháu ăn, học bà Nại nuôi thêm lợn, gà, đi hái măng, nhổ cỏ, thu hoạch keo thuê. Số tiền kiếm được bà phải tằn tiện chi tiêu mới đủ lo cho các cháu.

Vét hết lúa trong nhà bán không mua nổi tấm thẻ Bảo hiểm y tế cho con - 2

Bà Nại lo lắng mỗi khi các cháu ốm mà bà lại không có thẻ BHYT (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Nại kể, những năm trước, gia đình đều cố gắng mua thẻ BHYT cho các cháu. Mỗi lần cháu bị ốm, bà lại đưa đến viện, mọi chi phí được BHYT chi trả. Đến năm nay, kinh tế gia đình quá khó khăn, không có tiền tham gia BHYT nên bà Nại chỉ còn biết cầu mong các cháu luôn mạnh khỏe.

"2 tháng trước, các cháu bị ốm nặng, tôi lấy thuốc mãi không khỏi nên phải đưa cháu nhập viện. Hơn 1 tuần nằm viện, chỉ riêng tiền thuốc của hai cháu đã tiêu tốn hơn 1 triệu đồng", bà Nại tâm sự.

Bà Nại cho biết, nhiều lần bà muốn bán lúa để mua thẻ BHYT cho 4 thành viên còn lại của gia đình nhưng "lực bất tòng tâm". "Giờ bán nửa tấn lúa để mua thẻ BHYT, tôi e rằng những tháng tiếp theo cả nhà sẽ không còn gạo để ăn", bà Nại buồn rầu nói.

Cả năm chạy vạy mua thẻ BHYT

Thầy Lê Trung Bắc, Hiệu trưởng trường THCS Vạn Xuân, huyện Thường Xuân cho biết, đầu năm học mới nhà trường kêu gọi phụ huynh mua thẻ BHYT cho con, dẫu vậy số lượng phụ huynh mua thẻ từ đầu năm còn rất ít.

"Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình gửi con ở nhà với ông bà để đi làm ăn xa khiến việc mua BHYT ít được quan tâm. Hầu hết, cứ đến gần cuối năm, khi số tiền mua BHYT còn ít, các gia đình mới có thể tham gia", thầy Bắc nói.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cho biết tỷ lệ phủ BHYT của xã đến thời điểm hiện tại mới đạt 75,9%. "Năm nay, chỉ tiêu đặt ra về BHYT của xã là 94,5%. Tôi lo với tình hình như hiện nay, đến hết năm khó đạt được mục tiêu đề ra về BHYT", ông Tuấn nói.

Vét hết lúa trong nhà bán không mua nổi tấm thẻ Bảo hiểm y tế cho con - 3

Ông Lê Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Xuân nhiều lần tuyên truyền gia đình bà Lê Thị Nại tham gia BHYT (Ảnh: Hạnh Linh).

Chia sẻ về nguyên nhân, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã còn thấp so với mặt bằng chung của toàn huyện, ông Tuấn cho biết, do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng về tài chính. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do, thu nhập không ổn định. Nhiều người nhận thức còn hạn chế, chưa thấy được những lợi ích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT.

Theo ông Tuấn, việc vận động người dân tham gia BHYT đang gặp nhiều khó khăn. "Toàn xã có 10 thôn nhưng chúng tôi phải thành lập 5 đoàn đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Nhiều năm, để đạt được chỉ tiêu về BHYT, UBND xã phải vận động các doanh nghiệp giúp đỡ. Có năm, cả huyện cũng phải chung tay lo BHYT cho bà con nhưng mãi đến cuối năm mới đạt được chỉ tiêu", ông Tuấn nói. 

Thống kê của Bảo hiểm xã hội huyện Thường Xuân cho thấy hiện trên địa bàn có 1.640 học sinh chưa tham gia BHYT.

Chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn" lần thứ 3 do báo Dân trí phát động được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ BHYT cho 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc trong năm học 2024-2025. Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân, cho biết những năm qua ngành giáo dục đã phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức đến phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của BHYT. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về BHYT còn nhiều hạn chế.

"Thông qua chương trình "Nâng bước em đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh" của báo Dân trí, chúng tôi mong rằng, học sinh ở Thường Xuân sẽ được quý báo, bạn đọc quan tâm tặng thẻ BHYT, để các gia đình vơi bớt khó khăn, các em có điều kiện học tập tốt hơn", ông Tuấn bộc bạch.

Mã số 240310:

Vét hết lúa trong nhà bán không mua nổi tấm thẻ Bảo hiểm y tế cho con

10/08/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí